09:10 11/09/2015

Toan tính sai lầm của phương Tây về “gã khổng lồ” Nga

Cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu đang che đậy một vấn đề chưa được giải quyết và khó lường tại lục địa này.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu đang che đậy một vấn đề chưa được giải quyết và khó lường tại lục địa này. Ảnh: Guardian


Theo ông Robert Gottliebsen, một trong những chuyên gia đầu tư uy tín nhất của Australia và cũng là một nhà bình luận lớn về kinh doanh và tài chính của nước này trong hơn ba thập kỷ qua, giống như các nhà hoạch định kế hoạch xâm lược Iraq năm 2000 đã không hiểu được cơn bão lửa văn hóa mà họ đã tạo ra, vốn đang góp phần vào cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay, các quốc gia thực hiện việc phong tỏa kinh tế Nga không nhận thấy rằng họ đang tăng cường sức mạnh cho Nga.

Nói cách khác, thay vì khiến Moskva phải khuất phục, các biện pháp phong tỏa kinh tế của phương Tây nhằm vào Nga đang có tác dụng ngược. Trong thời gian tới, phương Tây sẽ là bên bị tổn thương. Nguy cơ lớn nhất ở đây là một tính toán sai lầm có khả năng xuất hiện mà có thể làm bùng lên một cuộc chiến tranh.

Cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây gần đây, có lẽ là tất cả những gì liên quan tới Ukraine, và điều này hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên mà vì những lý do bản sắc và lịch sử, kinh tế và địa – chiến lược. Sở dĩ Nga có phản ứng đối với vấn đề Ukraine là do vai trò trung tâm và chính sách của Mỹ dành cho Ukraine, được coi là trụ cột của một chiến lược kiềm chế trong không gian hậu Xô-viết.

Tạo dư luận trái chiều

Trái với dư luận công chúng vốn được lan truyền ở phương Tây, mối quan hệ giữa điện Kremlin và ông Viktor Yanukovych (Tổng thống bị lật đổ của Ukraine) hoàn toàn đơn giản. Luôn được các phương tiện thông tin đại chúng coi là “ủng hộ Nga”, Tổng thống Ukraine được bầu vào đầu năm 2010 - Viktor Yanukovych - trên thực tế đã đưa ra một chính sách đối ngoại đa dạng hơn so với những người tiền nhiệm là Leonid Kravchouk (1991-1994) và Leonid Kouchma (1994-2004).

Dù đã bảo đảm với Nga ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ về việc gia hạn hợp đồng cho hạm đội Nga thuê ở Sevastopol cho đến năm 2042 sau đó buộc Quốc hội thông qua một đạo luật dành qui chế “ngoài khối” (tức là không có xu hướng gia nhập NATO) của Ukraine, ông Yanukovych sau đó vẫn đối đầu với Nga trong lĩnh vực kinh tế khi phong tỏa sự tiếp cận của các nhóm tài phiệt Nga và từ chối cho Gazprom của Nga tham gia việc quản lý các đường ống dẫn khí đốt quốc gia của Ukraine.

Đồng thời, ngược với những mong chờ của Kremlin và trái với điều thường được nhắc đi nhắc lại ở phương Tây, Viktor Yanukovych đã không đưa tiếng Nga thành ngôn ngữ chính thức thứ hai ở Ukraine: đạo luật nổi tiếng được Quốc hội thông qua sau chính biến ngày 22/2/2014 chỉ dành cho tiếng Nga “những thuận lợi nhất định”trong các khu vực muốn nói tiếng Nga.

Tuy nhiên, quyết định hoãn việc ký thỏa thuận liên kết với EU của ông đã làm gia tăng tình hình căng thẳng cả với Moskva và EU, gây ra phong trào Maidan-2 và dẫn đến việc lật đổ ông cùng với việc bán đảo Crimea (Crưm) sáp nhập vào Nga.

Nhưng phương Tây lại phản ứng với những sự kiện này bằng các biện pháp trừng phạt nhằm phong tỏa kinh tế Nga. Theo quan điểm của Moskva, động thái này giống như hành động của quân Đức khi bao vây St Petersburg (Leningrad) giữa năm 1941 và 1944. Sự phong tỏa của Đức đã khiến ít nhất một triệu người thiệt mạng ở St Petersburg, chủ yếu do đói.
 

Tổng thống Putin ngày 8/9 cho biết kinh tế Nga đã thích nghi với giá dầu thấp. Ảnh: Sputnik


Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng không đạt được kết quả như mong đợi của họ. Như ông Robin Geffen và James Dowey, kinh tế gia trưởng tại quỹ đầu tư Neptune Russia & Greater Russia dự báo, kinh tế Nga năm 2016 sẽ tăng trưởng 2%, và 3% năm 2017 chứ không ở mức không tăng trưởng năm 2016, và tăng trưởng GDP 1% năm 2017 như nhiều dự báo khác.

Ông Dowey cũng cho rằng giá dầu giảm không bất lợi cho các doanh nghiệp Nga như nhiều người dự tính. Khi giá dầu giảm, đồng ruble mất giá giúp bù đắp sự suy giảm lợi nhuận của các công ty ở mức độ nào đó. Chi phí của doanh nghiệp dầu khí trong môi trường đồng nội tệ suy yếu được bù đắp bằng khoản thu từ người mua nước ngoài sở hữu các đồng tiền mạnh. Như vậy, rất nhiều doanh nghiệp Nga có thể duy trì lợi nhuận.

Có lẽ nguồn gốc gây ra những sự hiểu lầm lớn giữa Nga và phương Tây xuất hiện từ đầu những năm 1990. Khi ấy, Liên bang Xô-viết vừa sụp đổ. Cách nhìn chi phối lúc bấy giờ của điện Kremlin là một sự đồng nhất ít nhiều về  mối quan hệ "tích cực và lâu dài” với phương Tây.

Tuy nhiên, ngay sau đó, một loạt sự kiện lớn trên thế giới, như cuộc khủng hoảng ở Kosovo; Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo(ABM); cuộc chiến tranh Anh-Mỹ chống Iraq năm 2003; các “cuộc cách mạng màu” nổ ra ở các nước thuộc Liên Xô cũ; cuộc chiến của phương Tây lật đổ Tổng thống Libya M. Gaddafi; và mới đây là các sự kiện diễn ra ở Ukraine v.v, đã làm cho người Nga ngộ ra rằng Mỹ và các đồng minh đang tìm cách gạt họ ra bên lề vũ đài chính trị thế giới.

Cách nhìn này đã được thể hiện  rất rõ trong  nhiều phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, kể cả ở Viện Dân biểu Đức (Bundestag), hay ở Diễn đàn an ninh thế giới tại Munich (Đức) tháng 2/2007 và trước câu lạc bộ Valdai vào tháng 10/2014. Bức thông điệp của nhà lãnh đạo Nga có thể tóm tắt như sau: Nga không phải là một nước thua trận và Nga đang cân nhắc những lợi ích chiến lược của mình.
 

Người dân Nga biểu tình yêu cầu phương Tây ngừng các hành động đối đầu với Nga. Ảnh: RT


Ở phía bên kia-Tây Âu và ở Bắc Mỹ, cũng không thiếu những lời buộc tội nhằm vào Nga. Ngay từ năm 1993, người phương Tây đã hiểu rằng sự chuyển tiếp của Nga sẽ rất khác với sự chuyển tiếp tại các nước thuộc khối Hiệp ước Vacsava (các nước Đông Âu XHCN cũ).

Hai cuộc chiến tranh Chesnia, hay lập trường của Nga về vấn đề Syria (trái ngược hẳn với lập trường của phương Tây), quyết định dành quyền cư trú cho cựu nhân viên cơ quan tình báo Mỹ Edward Snowden,... làm gia tăng những cách nhìn ngày càng tiêu cực về nước Nga từ thủ đô các nước phương Tây. Đánh giá phổ biến nhất ở EU và ở Mỹ về Nga, đó là một quốc gia với những tham vọng “không thể biện minh được”, dù  trên thực tế đang suy tàn.

Gây chia rẽ nội bộ

Vì thiếu lòng tin, nên phương Tây không thể thực hiện những cuộc “mặc cả lớn” mang tính chiến lược để Nga chấp nhận những nhượng bộ ở châu Âu, nhằm đổi lấy một sự hợp tác ngày càng tăng về các vấn đề khác với Moskva liên quan đến các vấn đề nan giải ở Trung Đông hay cuộc đấu tranh chống khủng bố.

Trong khi những sự chia rẽ giữa các nước thành viên EU về Nga đã phần nào giảm bớt sau khi có sự hòa giải ngắn ngủi hồi  2009-2010, thì nó lại tái xuất hiện mạnh mẽ ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine, và chính điều đó lại lằm cẳng thẳng thêm mối quan hệ giữa Mỹ với Nga, và giữa Mỹ với Tây Âu.

Tuy nhiên, chỉ đến khi có thảm kịch máy bay chở khách của Malaysia mang số hiệu MH-17 bị bắn rơi trên bầu trời Donbass hồi tháng 7/2014, mới tạo ra được một sự đồng nhất và một thỏa thuận về các lệnh trừng phạt chống Nga của Mỹ và phương Tây.

Dẫu vậy, hiện nay sự nhất trí này lại đang ngày càng suy yếu ở phương Tây, và dường như đang bị phân chia thành  ba nhóm. Nhóm thứ nhất gồm các nước tán thành duy trì thậm chí tăng cường những sự trừng phạt chống Nga (Anh, Ba Lan, Thụy Điển, các nước Baltic và Rumania).

Nhóm thứ hai gồm những nước phản đối (các nước ven biển Địa Trung Hải như Tây Ban Nha, Italy, Áo, Slovakia, Hungary, Hy lạp, Cyprus), và nhóm thứ ba gồm các nước thờ ơ (Bồ Đào Nha, Ireland) hoặc có lập trường trung gian (Phần Lan, Pháp, Đức).
 
Trong khi đó, tại Mỹ và trong EU hiện đang diễn ra một cuộc tranh luận giữa hai trào lưu tư tưởng với những cách nhìn rất khác nhau (về Nga). Sự chia rẽ thực sự giữa những người cho rằng biên giới châu Âu nằm ở Đông Ukraine với những người cho rằng mặc dù đang diễn ra các cuộc khủng hoảng và những điều bất ngờ của lịch sử, song nước Nga vẫn là châu Âu.

Cách nhìn thứ nhất bản thân nó chứa đựng một dự án địa chính trị nhằm mục tiêu đẩy lùi và đưa Nga càng xa càng tốt về phía Đông Bắc. Các nước sáng lập ra EU vẫn trung thành với cách nhìn mang tính châu lục mặc dù đã có một sự thay đổi rõ ràng trong lập trường của Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã tỏ ra kém nhạy cảm hơn nhiều với những lợi ích của Nga so với những người tiền nhiệm của bà là Schroder, Kohl hay Schmidt.  

Sự đáp lại của Nga có vẻ như đang “không có giới hạn”, khi quyết định xem xét lại về chiều sâu chiến lược khí đốt của mình ở châu Âu, trong đó có việc  từ bỏ dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Nam để đầu tư cho đường ống mới nối liền Nga với Thổ Nhĩ Kỳ và ngừng lại ở biên giới EU.

Ban lãnh đạo Nga, do Tổng thống V. Putin đứng đầu dường như đang quyết làm tất cả những gì đủ để trả đũa những biện pháp trừng phạt của phương Tây, bất chấp một thực tế là nước Nga đang ở trong một tình thế bế tắc cả về kinh tế, chính trị và ngoại giao.

Với tất cả những gì đang chứng kiến về mối quan hệ hết sức lạnh nhạt hiện nay giữa Nga với phương Tây, nhiều người không thể không đặt câu hỏi, phải chăng lại đang nổi lên một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới giữa Nga và phương Tây? Nhưng có một điều rất dễ nhận thấy là mối bất hòa hiện nay, và chắc chắn sẽ còn kéo dài, giữa Nga với phương Tây đang và sẽ là điều bất lợi cho cả hai.

Công Thuận (Tổng hợp)