06:05 20/06/2018

Toan tính đằng sau quyết định dừng tập trận Mỹ-Hàn

Quyết định tạm ngừng tập trận chung Mỹ-Hàn có thể chỉ ảnh hưởng tới những cuộc tập trận chung lớn, chứ không phải là chương trình huấn luyện quân sự thường kỳ.

Binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ tham gia cuộc tập trận chung ở Pohang năm 2016. Ảnh: AFP

Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí tạm ngừng cuộc tập trận chung quy mô lớn Người Bảo vệ Tự do Ulchi dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới, trong bối cảnh các bên đang nỗ lực đối thoại để phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Tuyên bố trên được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra vào rạng sáng ngày 19/6 (giờ Việt Nam).

Hãng thông tấn Yonhap dẫn một nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc giấu tên cho biết các cuộc tập trận vẫn có thể tái khởi động nếu Triều Tiên không thực hiện được đúng cam kết phi hạt nhân hóa.

Theo nguồn tin trên, quyết định tạm ngừng tập trận chung có thể chỉ ảnh hưởng tới những cuộc tập trận chung lớn, chứ không phải là các chương trình huấn luyện quân sự thường kỳ.

Trước đó, sau cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra ở Singapore đầu tuần trước, Tổng thống Trump đã có một tuyên bố khiến giới chức Seoul và Washington bất ngờ khi ông cam kết sẽ chấm dứt các cuộc tập trận.

Phát biểu trước báo giới, ông cho rằng các cuộc tập trận là quá tốn kém và khiêu khích. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng bày tỏ mong muốn đưa binh sĩ nước này tại Hàn Quốc về nước. Ngày 17/6, chia sẻ trên trang mạng Twitter, Tổng thống Trump tiết lộ chính ông là người đề xuất sáng kiến dừng tập trận gần Bán đảo Triều Tiên trong suốt quá trình đối thoại với Triều Tiên.

Trái ngược với sự sẵn sàng ngưng tập trận, Bộ Quốc phòng Mỹ và các đồng minh rõ ràng tỏ ra miễn cưỡng ủng hộ chuyện này. Nhiều cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo việc ngưng tập trận Mỹ-Hàn sẽ "làm xói mòn" tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ ở khu vực, giảm tính hiệu quả của liên minh giữa Mỹ và Hàn Quốc. Chia sẻ với báo New York Times, cựu quan chức quốc phòng Mỹ Brian McKeon nhận định “chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến tính sẵn sàng chiến đấu của cả hai lực lượng Mỹ-Hàn”.

Trong khi đó, một cựu quan chức quân đội Hàn Quốc, ông Moon Seong-mook, cho rằng "sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ không có ý nghĩa nhiều tại Hàn Quốc nếu như họ không luyện tập qua các cuộc tập trận chung". Truyền thông Nhật Bản thì lên tiếng cảnh báo về mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày một tăng tại khu vực, khi tin rằng chính quyền Bắc Kinh đứng đằng sau ý kiến tạm ngưng tập trận Mỹ-Hàn.

Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc đàm phán quân sự cấp cao giữa hai miền Triều Tiên ngày 14/6 vừa qua, Seoul đã đề xuất Bình Nhưỡng di chuyển lực lượng pháo binh tầm xa ra khỏi các vị trí ở biên giới, cách Giới tuyến quân sự chia cắt hai miền từ 30 tới 40 km, trong nỗ lực xây dựng lòng tin và làm giảm những căng thẳng giữa hai bên.

Tuy nhiên, kết quả của cuộc đàm phán này có vẻ không khả quan. Trong khi phát biểu bế mạc, Trưởng đoàn Triều Tiên, Trung tướng An Ik-san bày tỏ không hài lòng tuyên bố "chúng ta không nên có cuộc nói chuyện như thế này một lần nữa".

Hồng Hạnh/Báo Tin tức