12:16 15/12/2015

Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ khi “tấn công quyến rũ” Israel

Cuộc khủng hoảng liên quan đến vụ Ankara bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga trên biên giới Syria có thể giúp cải thiện nỗ lực xích lại gần nhau của Thổ Nhĩ Kỳ với Israel.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu tại một cuộc họp ở Ankara ngày 26/11. Ảnh: AP.

Chiến lược tấn công quyến rũ mới nhất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hướng về Israel và người Do Thái của quốc gia này dường như đang cho thấy, việc cuộc khủng hoảng liên quan đến vụ Ankara bắn rơi chiếc máy bay chiến đấu của Nga trên biên giới Syria vào tháng trước có thể giúp cải thiện nỗ lực xích lại gần nhau của Thổ Nhĩ Kỳ với nhà nước Do Thái này.


Sau nhiều năm chỉ trích cay nghiệt và có những hành động chống Israel, đột nhiên đảng AKP Hồi giáo cầm quyền của ông Erdogan đã cho phép sự kiện Hanukkah (lễ hội ánh sáng hàng năm của người Do Thái kỷ niệm sự tái lập tôn giáo của họ trở về dạng ban đầu sau thời kỳ bị ngoại bang đàn áp), vốn chưa bao giờ công khai, lần đầu tiên diễn ra vào ngày 13/12 vừa qua. Ông Erdogan sau đó một ngày đã tuyên bố tích cực về việc bình thường hóa quan hệ với Israel.

 

Mối quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng sau khi xảy ra một sự cố chết người trong năm 2010: 10 công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng khi Israel thực hiện một cuộc phong tỏa hàng hải trên Dải Gaza. Các bên đã tổ chức liên lạc để giải quyết những bất đồng. Giờ đây những nỗ lực vốn tiến triển khá chậm có thể được đẩy mạnh một cách gián tiếp bởi cuộc khủng hoảng giữa Ankara với Moskva.


Hơn một nửa lượng khí đốt và 10% lượng dầu mỏ của Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Nga. Các chuyên gia cho rằng, có lẽ ông Erdogan đang suy nghĩ về việc bù đắp các tổn thất tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng với Nga bằng cách nhắc tới đề nghị trong quá khứ về việc Thổ Nhĩ Kỳ là nơi đường ống đi qua, giúp xuất khẩu khí đốt tự nhiên ngoài khơi của Israel sang châu Âu.


Tuy nhiên, ông Erdogan đã gặp một rào cản lớn, khi yêu cầu Israel rút ngắn một lệnh cấm vận cũ vốn kéo dài nhiều năm trên Dải Gaza. Trong đó Israel kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu và xuất khẩu của khu vực này như là một biện pháp nhằm ngăn chặn buôn lậu vũ khí.


Một số chuyên gia cũng tỏ ra nghi ngờ về việc liệu ông Erdogan thực sự muốn có sự xích lại gần hơn với Israel tại thời điểm khi Iran đang tăng cường vị thế của mình trong khu vực.


"Vẫn cần phải xem xét liệu ông Erdogan, vốn càng ngày càng bị tác động bởi những người theo chủ nghĩa Hồi giáo và tân đế chế Ottoman, có dấu vết thực dụng hay không", Giáo sư Efraim Inbar, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Sadat tại Đại học Bar-Ilan, nói. Theo ông Inbar, chiến dịch chống lại Tổng thống Syria Bashar Assad của ông Erdogan cũng đang không được thuận lợi, và "Iran đang trở nên mạnh mẽ trong khu vực, khi Thổ Nhĩ Kỳ lại mâu thuẫn với Nga".


Mặc dù vậy, Giáo sư Inbar vẫn cho rằng: "Israel có nhiều điều để hướng tới: Các mỏ khí của nước này có thể trở thành một nguồn năng lượng mới; ảnh hưởng của Nhà nước Do Thái tại Washington có thể làm giảm một số chỉ trích hành vi thất thường của ông Erdogan khi chống lại Nga; và nước này có thể trở thành một thế lực tạo ra cân bằng trong khu vực kiềm chế sự trỗi dậy của Iran".


Selin Nasi, một nhà báo chuyên mục về người Do Thái Thổ Nhĩ Kỳ ở tuần báo Salom cho rằng, việc cho phép tổ chức lễ Hanukka công khai ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho người Do Thái địa phương "cảm thấy phấn khích, mặc dù đi kèm với nó là chương trình nghị sự chính sách đối ngoại". Theo nhà báo này, hành động đó như "một động thái hoàn hảo để đánh bóng hình ảnh của đất nước đối với nước ngoài trong bối cảnh có những lời chỉ trích về nhân quyền". Bên cạnh đó, Nasi cũng cho rằng cuộc khủng hoảng liên quan đến việc bắn rơi chiếc máy bay của Nga là "không nghi ngờ gì" về việc có một động lực chính đằng sau động thái của Thổ Nhĩ Kỳ hướng vào Israel mặc dù không thấy Israel đáp ứng điều kiện của việc dỡ bỏ những rào cản tiếp cận Dải Gaza của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ có lợi ích trong việc cân bằng trục Nga, Síp, và Ai Cập ở Địa Trung Hải. "Một sự tan băng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sẽ giúp Ankara vượt qua sự cô lập trong khu vực của mình", Nasi nói.


Trong khi mối quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ dường như không có khả năng quay trở lại thời kỳ ấm áp hay gần gũi nhanh chóng như cách đây một thập kỷ trước, động thái trên của ông Erdogan có thể giúp bình thường hóa quan hệ ở cấp độ ngoại giao, bắt đầu với một cuộc trao đổi của các đại sứ. Tuy nhiên, "tất cả chúng ta đều biết rằng chừng nào mà cốt lõi tư tưởng bảo thủ Hồi giáo vẫn tồn tại ở cấp chính phủ, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Israel vẫn dễ bị khủng hoảng, phát sinh từ những căng thẳng giữa Israel và Palestine", Nasi kết luận.


Công Thuận