10:22 14/10/2021

Toàn thế giới vượt 240 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 14/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 240.098.171 ca mắc COVID-19, với 4.892.373 ca tử vong. Số bệnh nhân điều trị khỏi là 217.408.944 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 45.549.842 ca mắc, trong đó có 739.803 ca tử vong. Đáng chú ý, Phòng thí nghiệm Giải trình tự và gene siêu vi EVT thuộc Đại học Y khoa Shreveport, bang Louisiana (Mỹ) thông báo đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, có tên B.1.630 ở bang này.

Biến thể mới được phát hiện lần đầu tiên ở Mỹ vào đầu tháng 3, chứa đột biến E484Q, có thể giúp virus “thoát” được hệ miễn dịch của vật chủ. Thống kê cho thấy khoảng 79 ca nhiễm biến thể B.1.630 tại Mỹ. Người đứng đầu phòng thí nghiệm Krista Queen cho biết mặc dù biến thể này hiện chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ song các cơ quan chức năng sẽ theo dõi chặt chẽ để phát hiện kịp thời bất kỳ sự thay đổi nào. 

Chú thích ảnh
Hình ảnh quét qua kính hiển vi điện tử cho thấy tế bào (màu xanh) bị virus SARS-COV-2 (màu đỏ) xâm nhập, lấy từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 tại Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh tỷ lệ bao phủ vaccine gia tăng, đồng thời xác định không thể dập tắt hoàn toàn hoàn toàn dịch bệnh trong "một sớm một chiều" nên hiện hầu hết các nước trên thế giới đều đã và đang chuyển dần sang chiến lược sống chung an toàn với COVID-19 nhằm khôi phục nền kinh tế. 

Chương trình “Hộp cát” của Koh Samui - hòn đảo lớn thứ hai của Thái Lan - đã nhận được phản hồi tích cực sau khi dỡ bỏ lệnh cách ly bắt buộc, với lượng đặt chỗ mới trong 10 ngày đầu tiên của tháng này đã vượt quá tổng số lượng đặt trước kể từ khi mở cửa trở lại cho du khách vào ngày 15/7. Kể từ khi ra mắt chương trình Hộp cát Samui Plus cho đến ngày 9/10, hòn đảo nghỉ dưỡng này đã đón 1.125 du khách nước ngoài. Trong thời gian đó, số du khách này đã thuê 13.059 đêm khách sạn. Ngoài ra, địa điểm du lịch quen thuộc đối với du khách châu Âu và Mỹ này cũng đón thêm 1.293 lượt khách du lịch tại Thái Lan theo chương trình Hộp cát Phuket.

Không chỉ vậy, từ ngày 1/11 tới, Thái Lan miễn quy định cách ly đối với khách du lịch bằng đường hàng không đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ đến từ 5 quốc gia gồm Anh, Mỹ, Đức, Singapore và Trung Quốc. Thái Lan cũng giảm số tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm được kiểm soát tối đa sẽ giảm từ 29 xuống 23, thời gian giới nghiêm ban đêm sẽ được rút ngắn và nhiều doanh nghiệp hơn có thể hoạt động trở lại từ ngày 16/10.

Ngoài ra, số lượng các tỉnh thuộc vùng đỏ được kiểm soát tối đa cũng sẽ giảm từ 37 xuống 30 và các tỉnh có mã màu da cam tăng từ 11 lên 24. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 11.276 ca mắc mới cùng 112 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 1.751.704 ca, trong đó có 18.029 người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Nhân viên sân bay tại khu vực ga quốc tế của sân bay Ngurah Rai trên đảo Bali, Indonesia, ngày 14/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, chính quyền đảo Bali của Indonesia đã cho phép nối lại các chuyến bay quốc tế đến từ một số quốc gia nhất định, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp, nhằm từng bước mở cửa để đón du khách trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng này. Tuy nhiên, chưa có chuyến bay quốc tế nào ngay trong ngày 14/10.

Theo giới chức đảo Bali, khu du lịch vốn chịu thiệt hại nặng nề do các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, du khách nước ngoài khi đến nghỉ dưỡng tại hòn đảo này cần phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine, cách ly tại khách sạn trong vòng 5 ngày và tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực theo quy định nhập cảnh mới đối với khách du lịch nước ngoài.

Sân bay quốc tế Ngurah Rai trên đảo Bali đã mở cửa cho du khách đến từ 19 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và New Zealand. Tuy nhiên, kế hoạch mở cửa trở lại một phần này không có du khách đến từ Australia, một trong những nguồn khách du lịch chính đến Bali vào thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.

Philippines cũng thông báo mở cửa trở lại rạp chiếu phim và phòng tập gym tại thủ đô Manila do số ca mắc mới COVID-19 tại đây giảm mạnh và tỷ lệ bao phủ vaccine gia tăng.Theo đó, từ ngày 16/10 tới, các rạp chiếu phim và phòng tập gym được phép mở cửa trở lại với những người đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ. Ngoài ra, công suất hoạt động tại các nhà hàng, nhà thờ và cơ sở thẩm mỹ cũng được tăng lên mức 30%, trong khi mức cảnh báo dịch COVID-19 ở vùng thủ đô Manila được hạ xuống mức cao thứ 3.Cho đến nay, gần 80% dân số trưởng thành ở thủ đô Manila đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Trên toàn Philippines, tỷ lệ này là 30%.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức bắt đầu thảo luận các biện pháp "sống chung với COVID-19" sau khi thành lập "Ủy ban hỗ trợ khôi phục đời sống thường nhật" vào ngày 13/10. Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum và Giáo sư Choe Jae-chun thuộc Đại học Ehwa với vai trò đồng Chủ tịch của ủy ban này cùng với 40 thành viên, bao gồm các quan chức chính phủ và các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, đã tập trung thảo luận việc có nên áp dụng "thẻ tiêm chủng" (vốn đang gây tranh cãi), xác định cách mở rộng điều trị COVID-19 tại nhà cũng như việc có tiếp tục công bố số ca mắc mới hằng ngày như đang được thực hiện hay không...  

Phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của ủy ban trên, Thủ tướng Kim Boo-kyum đã kêu gọi các ban ngành hữu quan thay đổi suy nghĩ, không lo ngại dịch COVID-19 mà coi đây là một bệnh truyền nhiễm có thể kiểm soát để tiến tới khôi phục đời sống thường nhật cho người dân. Ông Kim Boo-kyum đề ra 3 phương hướng lớn để khôi phục đời sống thường nhật, trong đó việc cần làm trước mắt là "khôi phục dần dần, từng bước". Để giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm, Chính phủ Hàn Quốc sẽ phải xem xét phương án quản lý phòng dịch mới như áp dụng "Thẻ thông hành vaccine" đồng thời củng cố hệ thống y tế. Tiếp đến là "khôi phục một cách bao trùm" và cuối cùng là "đời sống thường nhật đồng hành cùng người dân".

Chú thích ảnh
Xe cứu thương chở các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện tại Kommunarka thuộc thủ đô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga thông báo kể từ ngày 9/11 tới, sẽ nối lại các chuyến bay tới 9 nước gồm Bahamas, Iran, Hà Lan, Na Uy, Oman, Slovenia, Tunisia, Thái Lan và Thụy Điển. Bên cạnh đó, nước này sẽ tăng số lượng các chuyến bay tới 12 quốc gia khác bao gồm Đức, Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Albania, Bulgaria, Hungary, Hy Lạp, Bắc Macedonia, Venezuela, Malta và Maldives.

Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 31.299 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, đưa tổng số ca mắc lên gần 7,9 triệu. Cũng trong 24 giờ qua, Nga có thêm 986 ca tử vong, tăng 2 ca so với trước đó 1 ngày, đưa tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này lên 220.315 ca.

Giới chuyên gia Anh cho rằng biến thể Delta đang ngày một áp đảo và dường như đang khiến các biến thể khác bị "tuyệt chủng" tại Anh. Theo báo cáo của Cơ quan Y tế công vùng England (PHE) của Anh hồi tháng 6, Delta có khả năng lây lan cao hơn 64% so với biến thể Alpha. Hiện tại, Delta chiếm tới 99% số ca bệnh được giải trình tự gene ở Anh.

Hai "đối thủ" chính của Delta là Alpha và Beta (lần đầu tiên được tìm thấy ở Nam Phi) cũng đã giảm. Trên thế giới còn các biến thể khác như Mu, lần đầu tiên được xác định ở Colombia và biến thể Lambda, lần đầu tiên phát hiện ở Peru. Tuy nhiên, cả hai đã không thể tồn tại ở Anh vì chúng không lây nhiễm như Delta. Điều này cũng đúng với Kappa, lần đầu tiên được ghi nhận ở Ấn Độ và Gamma, đến từ Nhật Bản và Brazil. Hai biến thể này đều không tồn tại được ở Anh.

Trong chương trình The Andrew Marr Show trên kênh BBC One, Tiến sĩ Jenny Harries, người đứng đầu Cơ quan An ninh và Y tế của Vương quốc Anh (UKHSA), cho biết nhiều "biến thể đáng lo ngại" được xác định ở Anh trong năm qua đã biến mất hoặc đang suy giảm nhanh chóng. Bà nhận định: "Với sự áp đảo của biến thể Delta, có vẻ như nhiều biến thể khác đã được phát hiện (trước đó) đang tuyệt chủng, và một số biến thể đang được theo dõi đã tăng nhẹ”. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh người dân vẫn cần cảnh giác trong bối cảnh mùa Đông sắp đến gần.

Giới chuyên gia khẳng định vaccine vẫn là "tấm khiên" bảo vệ con người hiệu quả trước sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Ngọc Hà (TTXVN)