08:22 31/08/2021

Toàn thế giới đã ghi nhận trên 218,1 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 31/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 218.171.388 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.527.956 ca tử vong. Trên 195 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn trên 18,6 triệu bệnh nhân đang điều trị.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Singapore. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca nhiễm trên toàn thế giới đang tăng trở lại do sự lây lan của biến thể Delta, đặc biệt ở nhóm người chưa tiêm vaccine, cũng như việc nhiều nước dần nới lỏng các biện pháp chống dịch.

Tại Đông Nam Á, Singapore - một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với 80% dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ tính tới ngày 29/8, đã ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng ở mức cao nhất trong 6 tuần qua, với 156 ca mắc COVID-19. Trên thực tế, những tiến bộ mà Singapore đạt được trong công tác tiêm chủng trái ngược với phần lớn các nước láng giềng của nước này, vốn có tỷ lệ tiêm chủng thấp và vẫn đang chật vật đối phó với số ca mắc gia tăng do biến thể Delta.

Cùng ngày, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA) thông báo nước này ghi nhận thêm 14.666 ca mắc mới và 190 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh ở nước này lên 1.204.729 ca và 11.589 ca tử vong. Đến nay, gần 11% trong tổng số 69 triệu dân của nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm nay.

Bộ Y tế Lào đã ghi nhận 199 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 64 ca cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh và được cách ly ngay. Các ca lây nhiễm trong cộng đồng trong 1 ngày rải rác ở nhiều tỉnh, đặc biệt thủ đô Viêng Chăn là nơi có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng nhất, với 24 ca, trong đó có nhiều ca làm việc tại các nhà máy. Điều này buộc chính quyền thành phố phải áp đặt thêm nhiều biện pháp chặt chẽ mới để phòng, chống nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng, trong đó có lệnh giới nghiêm từ 22 giờ đến 5h sáng hằng ngày. Đây là lần đầu tiên thủ đô Viêng Chăn áp dụng lệnh giới nghiêm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới.

Bộ Y tế Lào cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm lần thứ 3 tại nước này, kêu gọi người dân cả nước tăng cường tuân thủ các biện pháp phòng, chống lây nhiễm COVID-19 đã được ban hành và không được chủ quan để tránh nguy cơ tạo ra làn sóng dịch tiếp theo. Theo bộ trên, ngày càng có nhiều trẻ em và thai phụ mắc COVID-19 tại nước này. Đây là nhóm đối tượng cần được lưu ý và áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt khi được xác định mắc bệnh. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19  tại Lào đã lên tới 15.015 ca, trong đó có 14 người tử vong.

Dịch bệnh tại Campuchia đã xuất hiện tín hiệu khả quan. Mặc dù số ca nhiễm biến thể Delta tiếp tục tăng, nhưng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Campuchia ngày 31/8 vẫn ở mức thấp dưới 450 ca/ngày tương tự nhiều ngày gần đây. Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có thêm 11 người tử vong và 439 ca mới, bao gồm 123 ca nhập cảnh và 316 ca lây nhiễm cộng đồng.

Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 93.055 ca, trong đó 88.786 người đã khỏi bệnh và 1.903 người tử vong. Bộ trên cũng thông báo phát hiện thêm 164 ca nhiễm biến thể Delta, nâng tổng số ca nhiễm biến thể Delta tại Campuchia lên 1.916 ca, trong đó nhiều nhất tại Phnom Penh (hơn 600 ca) và Banteay Meanchey (gần 400 ca).

Trước tình hình trên, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao nước này thảo luận với lãnh đạo các tỉnh, thành phố về việc mở cửa trở lại trường học ở các khu vực không có rủi ro lây nhiễm COVID-19 sau khi đại dịch phần nào được kiểm soát. Tuy nhiên, ông nêu rõ cần phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch.

Philippines ghi nhận thêm 13.827 ca mắc mới COVID-19 và 118 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên 1.989.857 ca và 33.448 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Haifa, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Israel cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước tới nay, với gần 10.947 ca, vượt kỷ lục 10.118 ca hôm 18/1. Nước này cũng ghi nhận thêm 53 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong lên 7.043 ca trong tổng số 1.066.352 ca mắc ở nước này.

Mặc dù số ca mắc mới cao, song Israel vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch mở cửa lại hệ thống trường học vào ngày 1/9. Israel cũng là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao trên thế giới. Đến nay, số người ở Israel đã tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 là 5,97 triệu người, chiếm 64% dân số 9,3 triệu người, trong khi 5,48 triệu người đã tiêm 2 mũi và gần 2,16 triệu người đã tiêm mũi vaccine thứ ba.

Dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp tại châu Âu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đến tháng 12/2021 có thể sẽ có thêm 236.000 người tử vong do COVID-19 tại châu Âu, qua đó báo động về tình trạng gia tăng lây nhiễm cũng như công tác tiêm chủng đình trệ ở châu lục này.

Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge cho biết con số dự báo trên được đưa ra dựa trên số ca tử vong do COVID-19 thực tế tại châu Âu trong 1 tuần qua (tăng 11%), trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt 4,5 triệu người kể từ khi đại dịch này bùng phát tháng 12/2019, trong đó, khoảng 1,3 triệu ca ở châu Âu. Theo ông Kluge, số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 đang gia tăng trở lại tại châu Âu, đặc biệt tại các quốc gia nghèo hơn ở khu vực Balkan, Caucasus và Trung Á.

Ông Kluge cho biết có 33 trong tổng số 53 nước châu Âu thành viên của WHO ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trên 10% trong 2 tuần qua, phần lớn là những nước nghèo hơn. Ông nhấn mạnh tốc độ lây nhiễm tại châu Âu hiện nay rất đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng trong các nhóm người ưu tiên tại một số quốc gia ở mức thấp. Đến nay, khoảng 50% dân số châu Âu đã hoàn thành tiêm chủng. Trong 6 tuần qua, tốc độ tiêm chủng tại châu Âu đã giảm 14% do tình trạng thiếu vaccine và nhiều loại vaccine chưa được cấp phép tại nhiều nước.

Năm học mới đã bắt đầu tại nhiều bang ở Đức, song không phải ở tất cả các bang này học sinh đều trở lại trường sau kỳ nghỉ, bởi nhiều bang đang ghi nhận sự gia tăng về số ca mắc COVID-19 ở học sinh và giáo viên. Mặc dù đã có quy định về cách ly nhằm hạn chế sự lây lan của dịch trong trường học, việc áp dụng những quy định này tại các bang lại khác nhau. Bộ trưởng Bộ Y tế liên bang Đức Jens Spahn đã lên tiếng ủng hộ việc áp dụng quy định cách ly thống nhất ở trường học và muốn thảo luận về vấn đề này với các bang để có thể áp dụng quy định một cách đồng bộ trên cả nước. Chẳng hạn như tại bang Sachsen hiện nay, học sinh đeo khẩu trang không được coi là tiếp xúc gần. Tại bang Baden-Württemberg, tất cả học sinh trong lớp phải làm xét nghiệm trong 5 ngày liên tiếp thay vì phải cách ly nếu một bạn cùng lớp bị mắc COVID-19. Hay tại thủ đô Berlin cuối tuần qua thông báo sẽ áp dụng quy định học sinh có kết quả xét nghiệm PCR dương tính mới phải cách ly trong 14 ngày.

Trước tình hình trên, Liên minh châu  Âu (EU) đã khuyến nghị các nước thành viên đưa 6 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, ra khỏi danh sách miễn trừ quy định hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19. Thông cáo của Hội đồng châu Âu nêu rõ các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Israel, Kosovo, Liban, Montenegro, Cộng hòa Bắc Macedonia và Mỹ đã bị loại khỏi danh sách miễn trì. Khuyến nghị này không mang tính ràng buộc đối với các quốc gia thành viên EU, tức là các nước tùy chọn có áp dụng hay không, nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát tới nay, hầu hết các nước thành viên đều tuân thủ các khuyến nghị của Brussels về hoạt động đi lại.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Richmond, Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, sự xuất hiện và lây lan của các biến thể mới cũng là mối quan ngại hiện nay. Tại Nam Phi, các nhà khoa học đang theo dõi một biến thể mới của SARS-CoV-2 với tỷ lệ cao bất thường. Viện các bệnh truyền nhiễm Nam Phi ngày 30/8 thông báo biến thể C.1.2 này có khả năng lây nhiễm nhanh gấp 2 lần so với các biến thể đã được xác định trên toàn cầu. Biến thể này chiếm tỷ lệ nhỏ các ca nhiễm sau khi lần đầu tiên được phát hiện hồi tháng 5 vừa qua, tuy nhiên, trong tháng 7, số ca nhiễm biến thể này đã tăng 0,2% và hiện biến thể này đã được phát hiện tại toàn bộ các tỉnh của Nam Phi, cũng như ở Trung Quốc, Anh, New Zealand và  Mauritius.

Tại Nhật Bản, các nhà khoa học của Đại học Y và Nha khoa Tokyo vừa phát hiện một loại biến thể Delta mới mang đột biến tương tự như biến thể Alpha. Loại biến thể Delta mới này được phát hiện ở một bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại một bệnh viện thuộc trường đại học này vào đầu tháng 8. Biến thể Delta mới vừa mang đột biến L452R giống như biến thể Delta thông thường, vừa mang đột biến N501S, tương đồng với đột biến N501Y trên biến thể Alpha. Bệnh nhân này chưa từng đi ra nước ngoài và mắc COVID-19 do tiếp xúc cộng đồng. Các nhà khoa học Đại học Y và Nha khoa Tokyo tin rằng nhiều khả năng đột biến N501S đã xảy ra ở Nhật Bản. Cho đến nay, có 8 ca nhiễm biến thể Delta mới được ghi nhận ở bên ngoài Nhật Bản, nhưng vẫn chưa rõ mức độ lây lan của biến thể này.

Ngọc Hà (TTXVN)