Thượng viện Mỹ đã thông qua sát nút dự luật thuế và chi tiêu lớn của Tổng thống Donald Trump vào ngày 1/7 sau gần 48 giờ tranh luận, đọc văn bản và biểu quyết các sửa đổi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Dự luật này còn phải vượt qua một chặng đường khó khăn tại Hạ viện. Dự luật bao gồm cắt giảm sâu các chương trình y tế và dinh dưỡng phổ biến, đồng thời giảm thuế trị giá 4.500 tỷ USD.
“Dự luật to đẹp” là gì?
Đây là một gói luật lớn kết hợp giảm thuế, tăng chi tiêu quốc phòng và an ninh biên giới, đồng thời cắt giảm các chương trình an sinh xã hội.
Mục tiêu chính của dự luật là tiếp tục các khoản cắt giảm thuế được ban hành năm 2017 khi ông Trump làm tổng thống nhiệm kỳ đầu, Các khoản cắt giảm này vốn sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2025. Dự luật sẽ làm cho phần lớn các khoản giảm thuế này trở thành vĩnh viễn, đồng thời tăng chi cho an ninh biên giới, quân đội và các dự án năng lượng.
Dự luật được tài trợ một phần thông qua cắt giảm các chương trình chăm sóc sức khỏe và thực phẩm.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính dự luật này sẽ làm tăng nợ công thêm 3.300 tỷ USD trong 10 năm tới. Hiện chính phủ Mỹ nợ tổng cộng 36.200 tỷ USD.
Vấn đề giảm thuế
Năm 2017, ông Trump ký Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm, hạ thuế và tăng mức khấu trừ tiêu chuẩn cho người nộp thuế. Điều này chủ yếu có lợi cho nhóm thu nhập cao.
Các khoản giảm thuế đó sẽ hết hạn trong năm nay, nhưng dự luật mới sẽ kéo dài vĩnh viễn. Dự luật cũng bổ sung một số khoản giảm thuế khác mà ông Trump đã hứa trong chiến dịch tranh cử.
Có thay đổi đối với quy định khấu trừ thuế địa phương và bang (SALT). Hiện tại, người dân chỉ được khấu trừ tối đa 10.000 USD, nhưng dự luật mới nâng mức trần này lên 40.000 USD trong 5 năm.
Người đóng thuế cũng được phép khấu trừ thu nhập từ tiền boa, làm thêm giờ và lãi suất vay mua ô tô sản xuất tại Mỹ.
Tổng cộng các khoản giảm thuế trong dự luật vào khoảng 4.500 tỷ USD.
Vấn đề trẻ em
Nếu dự luật không trở thành luật, mức tín dụng thuế cho trẻ em hiện là 2.000 USD/trẻ/năm sẽ giảm còn 1.000 USD từ năm 2026.
Tuy nhiên, nếu dự luật hiện tại được thông qua, khoản tín dụng sẽ tăng lên 2.200 USD/trẻ.
Vấn đề tường biên giới và an ninh
Dự luật dành khoảng 350 tỷ USD cho kế hoạch an ninh quốc gia và biên giới của ông Trump, bao gồm: 46 tỷ USD xây tường biên giới Mỹ – Mexico; 45 tỷ USD cho 100.000 giường trong các trung tâm giam giữ người nhập cư; hàng tỷ USD để tuyển thêm 10.000 nhân viên Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) trước năm 2029 nhằm thực hiện kế hoạch trục xuất lớn nhất lịch sử Mỹ
Cắt giảm Medicaid và các chương trình khác
Để bù đắp chi phí cắt giảm thuế và chi tiêu mới, đảng Cộng hòa dự kiến cắt giảm Medicaid và chương trình hỗ trợ thực phẩm cho các gia đình có thu nhập thấp.
Họ cho biết mục tiêu là tập trung lại các chương trình an sinh vào các nhóm như phụ nữ mang thai, người khuyết tật và trẻ em, đồng thời giảm lãng phí và lạm dụng.
Hiện hơn 71 triệu người Mỹ phụ thuộc vào Medicaid, còn 40 triệu người nhận trợ cấp từ SNAP (Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung).
Theo CBO, nếu dự luật thành luật, sẽ có thêm 11,8 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế vào năm 2034.
Cắt giảm thuế năng lượng sạch
Đảng Cộng hòa muốn giảm mạnh ưu đãi thuế cho các dự án năng lượng sạch như điện mặt trời và điện gió vốn là phần trọng yếu trong Đạo luật Giảm Lạm phát năm 2022 dưới thời ông Joe Biden.
Ưu đãi thuế khi mua xe điện mới hoặc đã qua sử dụng sẽ hết hạn vào ngày 30/9 năm nay nếu dự luật được thông qua, thay vì kéo dài đến cuối năm 2032 như luật hiện hành.
Vấn đề trần nợ
Dự luật sẽ nâng trần nợ thêm 5.000 tỷ USD – cao hơn 1.000 tỷ USD so với con số trong dự luật mà Hạ viện thông qua hồi tháng 5.
Ai được lợi nhất?
Theo Trung tâm Nghiên cứu Ngân sách của Đại học Yale, những người nộp thuế giàu có sẽ hưởng lợi nhiều hơn. Họ ước tính rằng người thuộc nhóm thu nhập thấp sẽ bị giảm 2,5% thu nhập do cắt SNAP và Medicaid; còn người thu nhập cao sẽ tăng thu nhập thêm 2,2%
Ai bỏ phiếu chống và ủng hộ?
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins (bang Maine) phản đối dự luật vì cắt giảm sâu Medicaid ảnh hưởng đến người thu nhập thấp và y tế nông thôn. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Thom Tillis (bang Bắc Carolina) lo ngại cử tri của ông bị ảnh hưởng. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul (bang Kentucky) bác bỏ vì lý do tài khóa, cho rằng dự luật làm nợ quốc gia thêm trầm trọng
Toàn bộ 47 thượng nghị sĩ thuộc phe Dân chủ cũng bỏ phiếu chống.
Trong khi đó, phần còn lại của đảng Cộng hòa đã ủng hộ, giúp dự luật được thông qua với tỷ lệ 51–50. Phó Tổng thống JD Vance đã bỏ lá phiếu quyết định.
Ông Trump đặt mục tiêu thông qua toàn bộ dự luật trước ngày 4/7, nhưng thừa nhận việc này “rất khó” do Hạ viện cần xem xét lại bản dự luật đã được sửa đổi từ Thượng viện.
Phản ứng từ giới lập pháp và công chúng
Phe Cộng hòa ca ngợi đây là “thành tựu lịch sử”, còn phe Dân chủ phản đối mạnh mẽ, gọi đây là “món quà cho người giàu” và nói dự luật đã hy sinh các chính sách về y tế, lương thực và khí hậu. Lãnh đạo đảng Dân chủ Chuck Schumer nói: “Cuộc bỏ phiếu hôm nay sẽ ám ảnh các đồng nghiệp Cộng hòa của chúng ta trong nhiều năm”.
Phòng Thương mại Mỹ dẫn đầu liên minh hơn 145 tổ chức ủng hộ dự luật, cho rằng dự luật này thúc đẩy đầu tư, tạo việc làm và nâng lương.
Tuy nhiên, các hiệp hội y tế cảnh báo hàng triệu người có thể mất bảo hiểm, làm tăng chi phí cấp cứu và nợ viện phí. Các nhóm môi trường cũng phản đối mạnh mẽ.
Tiếp theo là gì?
Quá trình bắt đầu với Ủy ban Quy tắc Hạ viện, nơi sẽ quyết định cách thức tranh luận và xem xét dự luật tại Hạ viện.
Sau khi vượt qua Ủy ban này, dự luật sẽ được đưa ra Hạ viện để tranh luận và biểu quyết, có thể sớm nhất vào sáng 2/7 (giờ Mỹ).
Nếu Hạ viện không chấp nhận phiên bản của Thượng viện, họ có thể sửa lại và gửi lại lên Thượng viện, hoặc hai viện sẽ lập ủy ban hòa giải để đạt thỏa thuận cuối cùng.
Sau khi cả Hạ viện và Thượng viện đồng ý, dự luật sẽ được chuyển tới ông Trump ký ban hành.