04:10 25/04/2019

Tòa án Tokyo cho phép cựu Chủ tịch Nissan nộp bảo lãnh khoảng 4,5 triệu USD

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, Tòa án Tokyo ngày 25/4 đã cho phép cựu Chủ tịch Nissan Motor Co. Carlos Ghosn nộp tiền bảo lãnh tại ngoại.

Chú thích ảnh
Cựu Chủ tịch hãng Nissan ông Carlos Ghosn (giữa) rời văn phòng luật sư riêng của ông ở Tokyo ngày 3/4. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Điều này đồng nghĩa ông Ghosn sẽ sớm ra khỏi trung tâm giam giữ ở Tokyo để chuẩn bị cho việc biện hộ một loạt cáo buộc mà ông đang phải đối mặt về việc sử dụng sai mục đích quỹ công ty. 

Tòa án Tokyo cho biết để được tại ngoại, ông Ghosn sẽ phải nộp số tiền bảo lãnh là 500 triệu yen (tương đương 4,5 triệu USD). Theo đài NHK, dù các công tố viên dường như sẽ kháng nghị quyết định trên của tòa án nhằm trì hoãn việc thả ông Ghosn, song nhiều khả năng nhân vật này sẽ được trả tự do ngay trong ngày 25/4.

Trước đó, Viện kiểm sát Tokyo đã phản đối cho phép ông Ghosn được bảo lãnh tại ngoại nhưng tòa án đã bác bỏ và đưa ra quyết định trên. Trong khi đó, đại diện Nissan từ chối bình luận về quyết định cho phép bảo lãnh tại ngoại đối với ông Ghosn, cho rằng đây là các thủ tục tư pháp.

Ngày 22/4 vừa qua, các luật sư của ông Ghosn đã nộp đơn xin bảo lãnh tại ngoại cho thân chủ. Đây là lần thứ 2 ông Ghosn được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh. Tuy nhiên, mọi hoạt động và phát ngôn của ông sẽ bị giám sát chặt chẽ.

Ông Ghosn là người đứng đầu liên minh sản xuất ô tô gồm hãng Renault của Pháp và hai hãng Nissan, Mitsubishi của Nhật Bản. Ông được xem là nhân vật quyền lực nhất nhì ngành ô tô Nhật Bản khi từng giữ vai trò quan trọng giúp Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ hãng chế tạo ôtô Mitsubishi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng này bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu. Ông bị bắt giữ lần đầu tiên vào ngày 19/11/2018 với các cáo buộc liên quan đến việc hoãn kê khai khoản thu nhập khoảng 80 triệu USD và che giấu khoản tiền này trong các văn bản chính thức gửi cổ đông cũng như cố ý chuyển các khoản thua lỗ cá nhân để Nissan gánh chịu và sử dụng các quỹ của công ty để chi trả cho doanh nhân Khaled al-Juffali, người Saudi Arabia.

Ngày 6/3, ông Ghosn cũng đã từng được bảo lãnh tại ngoại sau hơn 3 tháng bị bắt với số tiền bảo lãnh lên tới 1 tỷ yen (khoảng 9 triệu USD). Tuy nhiên, đến ngày 4/4, Phòng điều tra đặc biệt thuộc Viện kiểm sát Tokyo lại ra lệnh bắt giữ ông với các cáo buộc mới. Theo đó, ông Ghosn bị cáo buộc sử dụng một phần kinh phí mà Nissan đầu tư cho đại lý của hãng ở Oman trong thời gian từ năm 2015-2018 vào các mục đích cá nhân, gây thiệt hại cho Nissan tổng cộng khoảng 550 triệu yên (5 triệu USD). Số tiền trên được ông Ghosn sử dụng vào một số việc cá nhân như mua du thuyền hay rót vốn vào một công ty đầu tư của Mỹ do con trai ông Ghosn điều hành.

Các công tố viên cho rằng từ cuối năm 2015 đến giữa năm 2018, ông Ghosn đã rút tổng cộng 15 triệu USD từ các quỹ của Nissan. Ông đã bị cách chức chủ tịch của Nissan cũng như các đối tác Renault SA và Mitsubishi Motors sau khi bị bắt lần đầu hồi tháng 11/2018. Đến nay, cựu Chủ tịch Nissan vẫn luôn bác bỏ các cáo buộc mà ông phải đối mặt.

Bùi Hà - Ngọc Hà (TTXVN)