09:16 21/09/2018

Tòa án nhân dân tối cao công bố chuẩn mực đạo đức của thẩm phán

Ngày 21/9, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Lễ công bố Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi lễ.

Phát biểu khai mạc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chỉ rõ, Thẩm phán là người được Chủ tịch nước bổ nhiệm để nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Trọng trách của Thẩm phán rất nặng nề, sứ mệnh của Thẩm phán rất cao quý. Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước và nhân dân yêu cầu các Thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật; đòi hỏi các Thẩm phán phải trở thành biểu tượng của đạo đức thanh liêm, tuân thủ những nguyên tắc của Hiến pháp về hoạt động tư pháp, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thẩm phán phải “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” và “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành của tòa án nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tòa án luôn xác định tầm quan trọng của việc xây dựng đạo đức thẩm phán; từ đó chú ý rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cho cán bộ, công chức. Trước đòi hỏi ngày càng cao của cải cách tư pháp về xây dựng tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh, để xây dựng những chuẩn mực đạo đức cho Thẩm phán phấn đấu, rèn luyện và thực hiện trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, pháp luật, sau khi tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và lấy ý kiến của đội ngũ Thẩm phán toàn quốc, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đã ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, việc ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán là sự cụ thể hóa chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường, xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Giới thiệu những nội dung cơ bản của Bộ Quy tắc, ông Chu Thành Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học cho biết: Bộ Quy tắc gồm 3 chương 17 điều; quy định những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của Thẩm phán. Bộ Quy tắc được áp dụng đối với các Thẩm phán công tác tại Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp; khuyến khích áp dụng đối với các Thẩm phán đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Bộ Quy tắc là cơ sở để Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thực hiện việc giám sát, đánh giá về đạo đức, ứng xử của Thẩm phán, người được bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác và là một trong những căn cứ để xem xét việc khen thưởng, kỷ luật đối với Thẩm phán.

Theo Bộ Quy tắc, Thẩm phán trước hết phải là người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết, trung thực. Thẩm phán phải là tấm gương về độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Bộ Quy tắc cũng dành một chương quy định cụ thể về những chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán. Cụ thể, về tính độc lập, trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về tình tiết vụ việc, chứng cứ và chỉ tuân theo pháp luật; giữ gìn bản lĩnh nghề nghiệp để không bị tác động từ bất kỳ sự can thiệp nào. Thẩm phán cũng phải độc lập với các thành viên của Hội đồng xét xử; độc lập với những người tiến hành tố tụng khác; độc lập với các yếu tố tác động từ trong nội bộ và bên ngoài Tòa án. Thẩm phán không được can thiệp vào hoạt động tố tụng của các thành viên Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng khác.

Thẩm phán phải liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực. Thẩm phán không được lợi dụng địa vị để mưu cầu lợi ích cho mình hoặc cho người khác; không để các thành viên trong gia đình, cán bộ, công chức Tòa án dưới quyền quản lý của mình đòi hỏi hoặc nhận tiền, tài sản, những lợi ích khác từ bất kỳ ai vì lý do liên quan đến công việc mà Thẩm phán giải quyết. Thẩm phán phải công khai thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.

Thẩm phán phải vô tư, khách quan; thực hiện nhiệm vụ một cách đúng đắn, không vì lợi ích cá nhân, không thiên vị bất cứ bên nào trong vụ việc. Thẩm phán phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét công khai tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ việc. Thẩm phán cũng không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.

Ngoài ra, Bộ Quy tắc cũng quy định cụ thể các yêu cầu đối với Thẩm phán về sự công bằng và bình đẳng, về sự đúng mực, về sự tận tụy và không chậm trễ, về năng lực và sự chuyên cần. Đáng chú ý, trong mọi hoạt động của mình, Thẩm phán phải hành xử đúng mực, lịch thiệp, thận trọng; duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong quá trình tố tụng; luôn thể hiện sự kiên nhẫn, nhân ái đối với các bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác. Bộ Quy tắc yêu cầu thẩm phán phải chuyên tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao; tích cực làm việc với tinh thần “làm hết việc, không làm hết giờ”...

Phan Phương (TTXVN)