08:14 21/08/2014

Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển

“Đất nước tôi ba nghìn cây số biển” với niềm kiêu hãnh được nhắc lại nhiều lần với một dụng ý nghệ thuật khẳng định cương vực của nước Việt, để rồi từ đó tác giả gửi gắm tình yêu quê hương đất nước và trách nhiệm của mỗi người dân trước tiền nhân và tương lai đời đời con cháu.

“Đất nước tôi ba nghìn cây số biển” với niềm kiêu hãnh được nhắc lại nhiều lần với một dụng ý nghệ thuật khẳng định cương vực của nước Việt, để rồi từ đó tác giả gửi gắm tình yêu quê hương đất nước và trách nhiệm của mỗi người dân trước tiền nhân và tương lai đời đời con cháu.


Nếu như ở khổ thơ thứ nhất tác giả chỉ dừng lại ở việc miêu tả thì ở khổ thơ thứ hai đã hiện lên hình ảnh: “Những hải đội dân binh Hoàng Sa đi giữ đất”. Đó là tinh thần bất khuất của dân tộc mang tính truyền thống. “Quả bàng vuông hình bánh chưng xanh” gợi sự liên tưởng độc đáo mang hồn Việt. Tác giả ví hình đất nước: “Chữ S bao đời hình chiếc mỏ neo” và thật độc đáo khi chiếc mỏ neo ấy: “Neo lịch sử qua thăng trầm biến động”. Dụng ý nghệ thuật sáng dần qua mỗi khổ thơ, quá khứ và hiện tại đan xen, những người con của đất Việt kiên trung hôm nay dẫu phải đương đầu với bao hiểm nguy rình dập vẫn: “Bốn mùa tươi - không thể héo lá cờ!”.

 

Một góc của đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Màu cờ thấm bao máu của những người con anh hùng, dũng cảm đã xả thân vì nước, các cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa hôm nay mang trên vai sứ mệnh lịch sử. Sau các anh là quê hương, đất nước cùng những người thân yêu nhất. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc hiện lên với những gì đẹp nhất: “là mảnh vỡ của trăng - phập phồng mang mang cá/ Là muối phù sa mặn gỗ thớ thuyền/ Là ánh ngọc trai ngậm quanh hạt cát/ Vân nổi, vân chìm không xước nổi lung linh...”. Những ví von so sánh tạo hiệu quả thẩm mỹ bất ngờ không chỉ làm nổi bật tính cách, tinh thần và ý chí của các cán bộ chiến sĩ nơi tiền tiêu hải đảo mà còn làm giảm nhẹ tính triết luận mang tính tự sự trong bài thơ.


Biển của ta với nguồn tài nguyên dầu khí phong phú, chúng ta “Câu những túi vàng đen” ấy nhưng không vì vậy mà làm: “(...dầu loang - nước biển tái màu)” bởi như vậy là có tội với những người đã hy sinh thân mình vì Tổ quốc. Những: “Cô Lin- Gạc Ma”, “Tổ quốc ở nơi này cắm mốc những hàng bia” như xoáy vào lịch sử một câu hỏi về trách nhiệm và lương tri.


Trong bài thơ, tác giả dành nhiều câu thơ như cầu nối quá khứ oai hùng của cha ông với hiện tại và tương lai với nhiều hình ảnh đẹp mang tính đa nghĩa, mở ra một không gian rộng lớn mang tầm thời đại: “Những sắc chỉ dân binh cuộn vào tâm thức/ Dấu triện vuông ấn xuống cội nguồn”, “Tiếng Việt ấm gọi nhau ngoài bờ cõi”... Tính thời sự được tác giả đưa vào bài thơ một cách sinh động không chút gò ép: “Tổ quốc tôi ba nghìn ngày báo bão/ Bão sau lưng bão trước mặt rập rình”. Những cơn bão ấy không chỉ là kẻ thù luôn rình rập mà còn gợi những suy tư trăn trở, bởi nếu chúng ta không vững lòng, bền chí thì bão sẽ nổi ngay chính trong lòng ta.


Người đọc chợt lặng đi trong khúc dân ca, từ cội nguồn hòa vào biển lớn. Bài thơ khép lại với hình ảnh: “Con - thuyền - Tổ- quốc- tôi căng buồm qua bão tố/ Từ hoa văn cuộn sóng trống đồng...” vang trong tâm tưởng mỗi người, như tiếng của lịch sử, của non sông.


Bài thơ có cấu tứ khá chặt chẽ với nhiều hình ảnh nghệ thuật cùng sự liên tưởng độc đáo mang hơi thở dân gian không chỉ là tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm với vận mệnh và tương lai của đất nước, ý thức sống của mỗi người mà còn gợi bao day dứt, trăn trở, dư ba trong lòng người đọc về nhân tình, thời cuộc...

 

Đất nước tôi ba nghìn cây số biển

Nhấp nhô ba nghìn đảo nhỏ, đảo to

Cỏ ở đây ánh màu san hô đỏ

Biển chỉ xanh ở chỗ xa bờ...

Những hải đội dân binh Hoàng Sa đi giữ đất

Cát vàng tươi rịn ướt gió Nồm, Nam

Gió biển đảo mặn mòi cứng tóc

Quả bàng vuông hình bánh chưng xanh

Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển

Chữ S bao đời hình chiếc mỏ neo

Neo lịch sử qua thăng trầm biến động

Giữa khơi xa vẫn thong thả nhịp: "chèo..."

Nhà Giàn dựng những tán cây bằng thép

Bốn mùa tươi - không thể héo lá cờ!

Chim biển đứng co chân nhìn người không chớp mắt

Khay rau viền xanh mướt những tâm tư

Ngày ở biển đêm nằm mơ khát nước

Anh khỏa bơi trong vằng vặc trăng quê

Cọng rau muống ao làng thõng vào kí ức (Bóng mẹ ngồi cạn ngọn đèn khuya…)

Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển

Có con đường mòn rẽ sóng khơi xa

Thủy thủ không tên đoàn tàu không số

Tượng đài trắng dựng lên sau ánh chớp sáng lòa

Đồng đội tôi mãi viền vào biển thẳm (Chẳng thể nào tìm hài cốt các anh)

Những con sóng băn khoăn ngày giấu lửa

Khi về đêm mới chớp sáng giật mình...

Các anh là mảnh vỡ của trăng - phập phồng mang mang cá

Là muối phù sa mặn gỗ thớ thuyền

Là ánh ngọc trai ngậm quanh hạt cát Vân nổi, vân chìm không xước nổi lung linh...

Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển

Móng Cái - Cà Mau hình chiếc lưỡi câu

Câu những túi vàng đen - mỏ dầu trong lòng đất (Nhưng không thể dầu loang - nước biển tái màu)

Sẽ tái cả bao người ngã xuống Cô Lin- Gạc Ma bao lính trẻ không về

Đảo bơ phờ ôm vào lòng mộ gió

Tổ quốc ở nơi này cắm mốc những hàng bia

Màu nước ấy: máu bao người ngã xuống

Cha ông ngàn đời gửi lại cháu con

Những sắc chỉ dân binh cuộn vào tâm thức

Dấu triện vuông ấn xuống cội nguồn

Là đảo đá - Tổ quốc còn góp đá

Trường Sa đau - Trường Sơn cũng xót lòng

Mẹ Âu Cơ chia đôi bọc trứng

Cuống rau mẹ nối dài theo bước Lạc Long...

Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển

Nối ba vạn cây số với đại dương

Tàu bè bạn căng phồng cờ gió Việt

Nói với nhau bằng ngôn ngữ hòa bình

Tiếng Việt thanh âm ngân thành điệu hát

Câu vọng cổ vỗ về theo con nước Cửu Long

Câu quan họ mời trầu qua ánh mắt

Áo lụa dài thắt đáy lưng ong

Tiếng Việt ấm gọi nhau ngoài bờ cõi

Con cháu Rồng Tiên chung một đồng bào

Biển Tổ quốc ba nghìn cây số (Chẳng bao giờ để nước Việt xanh xao...)

Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển

Có tiếng Sơn Ca hót với Thuyền Chài

Người giữ đảo biển viền quanh cổ áo

Dưới lớp sóng bạc đầu đảo có chìm đâu

Tổ quốc tôi ba nghìn ngày báo bão

Bão sau lưng bão trước mặt rập rình

Dây đàn bầu mảnh mai cũng căng bằng sợi thép

Cung bổng - cung trầm luyến láy giữ niềm tin

Đất nước được đắp bồi Đất và Nước

Đất gieo lúa khoai nuôi lớn những tâm hồn

Biển mặn muối nuôi hồng cầu tinh chất

Lục địa choãi xuống thềm từ tiếng mẹ ru con

Biển đất nước hơn ba nghìn cây số

Nguyễn Du viết Kiều từ: "Cửa bể chiều hôm..."

Con - thuyền - Tổ- quốc- tôi căng buồm qua bão tố

Từ hoa văn cuộn sóng trống đồng...

Nguyễn Ngọc Phú


Trần Vân Hạc