02:12 27/02/2021

Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng - cánh tay nối dài trong công tác phòng, chống dịch

Một trong những điểm độc đáo của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 là huy động sức mạnh to lớn của nhân dân tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Việt Nam coi “Chống dịch như chống giặc”, cuộc chiến chống dịch là cuộc chiến của toàn dân.

Vì vậy, việc thành lập các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng tại các khu dân cư là một minh chứng sống động về huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân, từng bước đẩy lùi và chiến thắng giặc COVID-19.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân Công ty Best Pacific thuộc Khu công nghiệp Lương Điền - Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, sáng 14/2. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Với mục tiêu giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 chủ động tại từng hộ gia đình, Tổ phòng, chống COVID-10 cộng đồng cũng chính là cầu nối chủ động, là cánh tay nối dài về công tác phòng, chống dịch của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, giúp cho người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng thực hiện giám sát, theo dõi tình hình sức khỏe, y tế, dịch tễ, biến động về dân cư, lịch trình di chuyển trong giai đoạn dịch bệnh. Tuyên truyền đến từng nhà dân, ngõ xóm về tình hình dịch bệnh, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, chủ động hướng dẫn người dân đến các điểm lấy mẫu khi liên quan đến trường hợp dịch tễ và hỗ trợ nhân viên y tế trong lúc lấy mẫu xét nghiệm.

Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng là nơi nắm chắc thông tin từng nhân khẩu, thường xuyên đến hỏi han, thông báo kịp thời khi phát hiện người có biểu hiện ho, sốt, khó thở, mệt mỏi… để cơ quan y tế nắm được, hướng dẫn người dân chủ động cách ly, thông báo và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – người có mặt tại hầu hết các ổ dịch, từ Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Hạ Lôi (Hà Nội), Bình Thuận, Ðà Nẵng cùng một số tỉnh miền Trung, gần đây nhất là ở Hải Dương khi ca bệnh COVID-19 xuất hiện, với những cán bộ y tế dự phòng, công việc hàng ngày, hàng giờ đều gắn bó mật thiết với nhân dân. Tất cả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng đều được triển khai ở nơi dân và đều phải dựa vào nhân dân để thực hiện. Vì vậy, việc thành lập được các tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng sẽ giúp ích vô cùng lớn cho công tác phòng, chống dịch.

Nhớ lại thời điểm năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra tại các tỉnh miền Trung, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Như Dương cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các địa phương đã thành lập được hàng chục nghìn Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch tại thực địa (Ðà Nẵng lập 2.200 tổ; Quảng Nam lập 5.500 tổ; Quảng Ngãi lập 2.300 tổ; Quảng Trị lập 4.434 tổ). Số lượng này đồng nghĩa với việc chúng ta đã huy động thêm được gần 3 vạn người trực tiếp tham gia chống dịch một cách tích cực và hiệu quả tại cộng đồng. Những Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng chính là những hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch.

Tại tỉnh Hải Dương, trong thời gian qua, các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng đã hoạt động vô cùng hiệu quả, góp phần đẩy lùi dịch bệnh ở địa phương. Chỉ tính riêng tại huyện Cẩm Giàng đã 764 tổ COVID-19 cộng đồng với 1.537 thành viên. Nhiệm vụ của các thành viên là đến từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện các quy định phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, các thành viên tổ COVID-19 cộng đồng còn thường xuyên đến nhà dân, theo dõi, giám sát ai có biểu hiện ho, sốt để báo lại cho cán bộ y tế ngay lập tức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Không ít các trường hợp bệnh nhân COVID-19 đã được phát hiện thông qua việc sàng lọc ho, sốt do tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng phát hiện.

Nhờ có sự nhắc nhở, tuyên truyền của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, người dân trong huyện đã nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh và trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều người dân cho biết, tổ COVID-19 cộng đồng thường xuyên nhắc nhở, nhà nào nhà đó chấp hành rất nghiêm. Người dân không còn ra ngoài, thực hiện đúng quy định 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang thường xuyên và giữ khoảng cách...

Đến thời điểm này, Hải Dương đang là ổ dịch lớn nhất cả nước với 643 trường hợp mắc COVID-19, tổng số F1 là 15.916 người (đang cách ly 4.160 người), đã có 225 trường hợp được điều trị khỏi và ra viện. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự trợ giúp ở mức cao nhất của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh tại Hải Dương đã từng bước được kiểm soát, số ca dương tính với SARS-CoV-2 đã có chiều hướng giảm dần.

Theo đánh giá, hiện tình hình dịch bệnh ở thành phố Chí Linh đang được kiểm soát tốt, tại thành phố Hải Dương cơ bản được kiểm soát, tại huyện Cẩm Giàng bước đầu được kiểm soát. Các huyện: Thanh Hà, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc, Thanh Miện, Bình Giang đang kiểm soát tốt dịch bệnh, nguy cơ lây lan diện rộng đã được khống chế.

Trong ngày 24/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh đã ban hành quyết định kết thúc thời gian cách ly y tế một số khu dân cư trên địa bàn thị xã Kinh Môn gồm phường Thái Thịnh, xã Lê Ninh, phường Tân Dân. Cũng từ ngày 24/2, tỉnh Hải Dương dự kiến lấy khoảng 160.000 -180.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng bằng kỹ thuật Realtime-PCR, để đánh giá nguy cơ và có giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Công tác tuyên truyền, vận động để người dân biết và chủ động đến đúng giờ, cũng đã được các trưởng thôn, khu dân cư và Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng thông báo đến tận các đối tượng thuộc diện xét nghiệm như chủ hàng tạp hóa, bán các nhu yếu phẩm, xóm trọ…

“Có thể nói, việc thành lập các Tổ phòng, chống COVID cộng đồng trong phòng, chống dịch chính là sự sáng tạo, sự độc đáo của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19. Với hoạt động của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, chúng ta thực sự đã đưa được các biện pháp phòng, chống dịch vào tới từng hộ gia đình – chống dịch tại từng nhà mà tôi nghĩ ít nơi nào trên thế giới có thể làm được như vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Như Dương chia sẻ.

TTXVN/Báo Tin tức