04:22 10/04/2015

Tổ chức quốc tế lâu đời nhất của các quốc gia châu Mỹ

Tổ chức các nước châu Mỹ (viết tắt là OAS), là tổ chức liên chính phủ khu vực Mỹ Latinh có trụ sở đặt ở Washington, Mỹ. Đây là tổ chức quốc tế lâu đời nhất của các quốc gia trong cùng một khu vực. Ngày 1/3/1954, Hội nghị lần đầu tiên của OAS đã được tổ chức tại Caracas (Venezuela).

Tổ chức các nước châu Mỹ (viết tắt là OAS), là tổ chức liên chính phủ khu vực Mỹ Latinh có trụ sở đặt ở Washington, Mỹ. Đây là tổ chức quốc tế lâu đời nhất của các quốc gia trong cùng một khu vực. Ngày 1/3/1954, Hội nghị lần đầu tiên của OAS đã được tổ chức tại Caracas (Venezuela).

Ý tưởng có một tổ chức hợp tác ở Tây bán cầu được nhà cách mạng nổi tiếng người Venezuela, Simón Bolívar, đề ra đầu tiên tại Hội nghị Panama vào năm 1826, nhằm tạo một liên minh các nền cộng hòa ở châu Mỹ trong một hiệp ước liên minh hợp tác quân sự và một nghị viện chung để bảo vệ các nước châu Mỹ Latinh chống lại áp lực chi phối từ bên ngoài. Tại hội nghị đó có đại diện của Gran Colombia (nay là các nước Colombia, Ecuador, Panama, và Venezuela), Peru, Mexico và Liên hiệp các tỉnh Trung Mỹ nhưng chỉ riêng Gran Colombia xúc tiến phê chuẩn. Tuy nhiên, ý tưởng này không được thực hiện vì sau đó xảy ra nội chiến ở Gran Colombia.

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos phát biểu trong lễ khai mạc Hội nghị OAS lần thứ 6.


Mãi đến năm 1889 - 1890, tại Hội nghị quốc tế các quốc gia châu Mỹ lần thứ nhất ở Washington, 18 nước đã quyết định thành lập Liên hiệp Quốc tế các cộng hòa châu Mỹ và năm 1890 được xem là năm khởi điểm của OAS.

Tháng 5/1948, tại Hội nghị liên Mỹ lần thứ 9, OAS được thành lập thay cho Liên hiệp Quốc tế các cộng hòa châu Mỹ được thành lập từ thế kỷ trước. OAS ra đời với mục đích là củng cố hòa bình và an ninh, ngăn ngừa những mối bất đồng và giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình, hành động chung trong trường hợp bị xâm lược, thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và pháp lý của các nước châu Mỹ; cũng như thống nhất sự cố gắng vì tiến bộ kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật và văn hóa.

Ngày 1/3/1954, Hội nghị lần đầu tiên của OAS được tổ chức tại Caracas, Venezuela. OAS trở thành tổ chức quốc tế nhóm các nước cùng khu vực lâu đời nhất, gồm 35 quốc gia độc lập ở châu Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay OAS mới chỉ có thể tổ chức 6 hội nghị cấp cao.

Hiến chương của OAS là "Châu Mỹ của người châu Mỹ", "Đoàn kết liên Mỹ", "Phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước châu Mỹ". Cơ quan tối cao của OAS là Hội nghị Cấp cao liên Mỹ họp 5 năm một lần. Khi có việc khẩn cấp sẽ tiến hành các cuộc họp cấp ngoại trưởng các nước thành viên. Đối với các tranh chấp ở Tây bán cầu, OAS đặt ưu tiên thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức này hơn là thẩm quyền của Liên hợp quốc. Chính quyết định này đã hợp pháp hóa những cuộc xâm lược trong khu vực, khai trừ Cuba ra khỏi tổ chức OAS. Từ giữa thập kỉ 70 thế kỉ XX, các nước Mỹ Latinh có xu hướng theo đường lối chính trị độc lập; các nghị định thư kí tại Buenos Aires (Argentina) và San José (Costa Rica) vào 1967 và 1975 đã bổ sung vào Hiến chương của Tổ chức này làm suy yếu sự khống chế của Mỹ. Cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao quyết định mỗi nước thành viên tự quyết định quan hệ của mình với Cuba (1975). Nhiều nước trong tổ chức đã chống lại việc trừng phạt Cuba, chống việc can thiệp vào Nicaragoa, đòi tôn trọng quyền độc lập dân tộc.

Các đại biểu tham dự cuộc họp Đại hội đồng OAS lần thứ 41 năm 2011. Ảnh:AFP/TTXVN



Ngày 17/4/2009, Hội nghị thượng đỉnh OAS lần thứ năm đã khai mạc tại thủ đô Port of Spain (Trinidad & Tobago). Hội nghị kéo dài trong ba ngày với 34 nguyên thủ quốc gia tham dự. Trong phiên họp này, ngoại trưởng của 34 nước thành viên đã đạt được thỏa thuận về việc bãi bỏ nghị quyết khai trừ Cuba khỏi tổ chức này sau 47 năm, song La Habana vẫn không thể tham gia OAS khi Mỹ phản đối. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là một “sự kiện lịch sử” và là thắng lợi ngoại giao to lớn đối với Cuba và các nước Mỹ Latinh.

Hội nghị thượng đỉnh OAS lần thứ 6, tổ chức vào năm 2012 tại Colombia, đã không thể ra tuyên bố chung kết thúc hội nghị vì những phản đối của Mỹ và Canada về đề xuất kết nạp lại Cuba. Điều đáng chú ý là tại hội nghị lần này, sự thống nhất chưa từng có tiền lệ phản đối chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cuba đã khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama bị cô lập và cho thấy ảnh hưởng ngày càng suy giảm của Mỹ tại khu vực. Mỹ đứng trước áp lực mạnh mẽ của nhiều nước yêu cầu phải mời Cuba tham dự các hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của OAS.

Ngày 17/12/2014, một mốc lịch sử trong quan hệ Mỹ - Cuba đã được đánh dấu bởi lời tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba của Tổng thống Barack Obama. Điều này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nước cũng như các tổ chức trên thế giới. Ngày 23/12/2014, sau nhiều giờ thảo luận kín, OAS đã thông qua nghị quyết hoan nghênh quyết định lịch sử này và bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục áp dụng các biện pháp tích cực nhằm sớm đưa mối quan hệ song phương trở lại bình thường. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, OAS kịp thời đưa ra một nghị quyết quan trọng liên quan tới một vấn đề hệ trọng tại khu vực như vậy.

TTTL