10:18 23/10/2021

Tổ chức phiên tòa trực tuyến góp phần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh

Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 23/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến (trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn); sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết này.

Chú thích ảnh
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Xét xử trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tế

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến (trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc, tố tụng do pháp luật quy định và đáp ứng yêu cầu cấp bách thực tiễn hiện nay.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan; tạo cơ chế thuận lợi để tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí xã hội; tổ chức phiên tòa trực tuyến góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Tòa án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.

Việc ban hành Nghị quyết phải bảo đảm các quan điểm: Thực hiện đúng các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và xây dựng xã hội số; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm các nguyên tắc pháp quyền: Độc lập, công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật và trật tự tôn nghiêm; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng theo quy định của pháp luật; tham khảo, có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xét xử trực tuyến, để tiếp thu phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Theo đó, Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại Phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm. Nghị quyết giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và cơ quan có liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện phiên tòa trực tuyến. Dự kiến, Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022.

Xem xét khả năng đáp ứng trong xét xử trực tuyến

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga tán thành với Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15, khoản 1 Điều 146 và khoản 1 Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Nghị quyết, các ý kiến cho rằng, xét xử là hoạt động tố tụng; trình tự, thủ tục đã được quy định đầy đủ, chặt chẽ trong các luật tố tụng. Vì lý do áp dụng các biện pháp cấp bách trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 nên Quốc hội mới xem xét, quyết định theo thủ tục rút gọn về việc ban hành Nghị quyết cho phép Tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến. Về lâu dài, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong các luật tố tụng. Do đó, các ý kiến đề nghị quy định thời hạn cụ thể để Tòa án nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội về kết quả tổ chức phiên tòa trực tuyến sau một thời gian thực hiện (chậm nhất là 3 năm kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực).

Thảo luận trực tuyến về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thu Phước (tỉnh Kon Tum) cho rằng, việc tổ chức phiên toà trực tuyến là xu hướng tất yếu, không trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Với diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch COVID-19, các hoạt động xét xử, tố tụng hình sự bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng cần ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước đề nghị cần sơ kết kết quả xử lý các vụ án tồn đọng vì dịch COVID-19 tập trung ở cấp nào, địa phương nào, khả năng đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, đường truyền phục vụ xét xử trực tuyến. “Chúng ta cần đánh giá kỹ sự tương thích giữa chủ trương xét xử trực tuyến với các quy định liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015”, đại biểu Trần Thị Thu Phước lưu ý.

Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) nhất trí cao với nội dung nêu trong tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến của Tòa án nhân dân tối cao và báo cáo thẩm tra của Ủy ban ban Tư pháp. “Mục tiêu cao nhất của xây dựng tòa án điện tử, tòa án số là để góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phục vụ Tổ quốc, nhà nước, nhân dân và đảm bảo quyền con người, công lý ngày càng hiệu quả hơn”, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhấn mạnh.

Trong quá trình xây dựng và trình dự thảo Nghị quyết, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức xét xử phiên toà theo hình thức trực tuyến, Tòa án nhân dân tối cao đã chuẩn bị thận trọng, công phu, khoa học trong quá trình xây dựng Nghị quyết từ việc đánh giá toàn diện chủ trương, đường lối của Đảng, các cơ sở pháp lý, tình hình thực tiễn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nguồn nhân lực, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tổ chức các hội thảo, diễn đàn và nhiều hình thức khác để lấy ý kiến rộng rãi, xin ý kiến, tiếp thu ý kiến chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền.

Cùng với đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, tình hình thực tiễn đang đặt ra yêu cầu hết sức cấp bách bởi dịch COVID-19 bùng phát, luôn thay đổi với các biến thể mới đã đang và có thể sẽ diễn biến phức tạp, nguy hiểm. Do đó, việc tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến sẽ đảm bảo cho việc xét xử bình thường của Tòa án, kịp thời bảo vệ quyền con người của bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Khẳng định tinh thần tán thành, tính khả thi của phiên toà trực tuyến, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho biết, trong đợt dịch lần thứ 4, Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước dịch bùng phát tại các khu công nghiệp. Tỉnh Bắc Giang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, trong đó, ngành Tòa án gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi các hoạt động xét xử phải dừng lại.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Bắc Giang chỉ đạo các cơ quan tư pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phương tiện hiện đại… Bắc Giang đã ban hành và triển khai tích cực số hóa hồ sơ án hình sự và trình chiếu tài liệu chứng cứ tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp giai đoạn năm 2021-20215. Mục tiêu tỉnh Bắc Giang đặt ra, từ nay đến 2025 sẽ thực hiện số hóa 100% số lượng hồ sơ các vụ án hình sự để trình chiếu tài liệu tại phiên tòa và lưu giữ hồ sơ số hóa.

Đặc biệt, vừa qua, được sự nhất trí của Tòa án nhân dân tối cao, sự phối hợp của các cơ quan có liên quan, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tổ chức phiên toà trực tuyến đầu tiên của tỉnh và kết quả thành công tốt đẹp, đáp ứng được yêu cầu, mục đích đặt ra và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Hiện nay, tỉnh đang chuẩn bị thêm một số phiên toà xét xử vụ án hình sự theo hình thức trực tuyến.

Diệp Trương (TTXVN)