07:06 27/07/2012

Tổ chức Linh mục vì Hòa bình: Hai thập kỷ đoàn kết với Cuba

Hai thập kỷ đã trôi qua kể từ khi cố mục sư người Mỹ Lucius Walker thành lập Đoàn xe Hữu nghị Mỹ - Cuba của Tổ chức Linh mục vì Hòa bình để vận chuyển hàng nhân đạo quyên góp từ khắp nước Mỹ tới cho nhân dân Cuba bất chấp những rào cản phi lý của cuộc bao vây cấm vận.

Hai thập kỷ đã trôi qua kể từ khi cố mục sư người Mỹ Lucius Walker thành lập Đoàn xe Hữu nghị Mỹ - Cuba của Tổ chức Linh mục vì Hòa bình để vận chuyển hàng nhân đạo quyên góp từ khắp nước Mỹ tới cho nhân dân Cuba bất chấp những rào cản phi lý của cuộc bao vây cấm vận. Hàng trăm tấn hàng hóa đã được chuyển tới Cuba vào những thời điểm khó khăn nhất của cuộc cách mạng ở quốc đảo này sau sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Tuy nhiên, trên tất cả, Đoàn xe Hữu nghị Mỹ - Cuba chính là biểu tượng cao cả của tình đoàn kết với Cuba, thể hiện sự vững tin vào công lý của hàng triệu người yêu chuộng hòa bình ở ngay trong lòng nước Mỹ.


Dũng cảm vì tình đoàn kết và công lý


Tổ chức Linh mục vì Hòa bình do cố mục sư Lucius Walker sáng lập năm 1988 để đáp trả thái độ hiếu chiến của chính quyền Ronald Reagan đối với Mỹ Latinh nói chung và đặc biệt là khu vực Trung Mỹ sau khi một nhóm linh mục Mỹ, trong đó có ông Walker, trở thành nạn nhân của một vụ khủng bố nhằm vào chính quyền cách mạng Sandino ở Nicaragoa. Thời gian đầu, tổ chức này triển khai các hoạt động đoàn kết hữu nghị chủ yếu tại Nicaragoa nhưng sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 1990 của phong trào Mặt trận Giải phóng Dân tộc Sandino (FSLN), Tổ chức Linh mục vì Hòa bình đã chuyển hướng các hoạt động đoàn kết sang Cuba, một nạn nhân khác của chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ.

Lãnh tụ Fidel Castro và cố mục sư Lucius Walker (bộ đen đứng giữa) cùng các thành viên tham gia Đoàn xe Hữu nghị Mỹ - Cuba lần đầu tiên năm 1992. Ảnh: Internet


Năm 1992, Đoàn xe Hữu nghị Mỹ- Cuba, với thành viên là Tổ chức Linh mục vì Hòa bình và các nhà hoạt động xã hội đến từ Mỹ, Canađa, Mêhicô và nhiều nước châu Âu, chính thức được thành lập với mục tiêu ban đầu là vượt qua những rào cản phi lý được qui định trong chính sách bao vây cấm vận mà Mỹ áp dụng chống Cuba sau khi cách mạng nước này thành công năm 1959. Lúc đó, mục sư Walker đã từng tuyên bố: “Chúng tôi không xin giấy phép của Văn phòng Quản lý Tài sản nước ngoài (OAFC) để chuyển hàng giúp đỡ nhân đạo cho một đất nước đang bị bóp nghẹt về kinh tế bởi vì những gì chúng tôi làm chỉ để hoàn thành nhiệm vụ mà Chúa trời giao phó”.


Ngay trong chuyến đi đầu tiên năm đó, khoảng 100 chiếc xe của Tổ chức Linh mục vì Hòa bình đã chuyển tới Cuba 15 tấn hàng hóa và từ đó đến nay, năm nào đoàn xe cũng đi vòng quanh nước Mỹ để quyên góp và nhận viện trợ của người dân Mỹ muốn gửi tới Cuba, thậm chí có những năm Tổ chức Linh mục vì Hòa bình hơn một lần tới Hòn đảo Tự do. Mỗi chuyến đi, đoàn xe lại đem đồ viện trợ nhân đạo cho một lĩnh vực hay một nhóm xã hội khác nhau, khi thì chuyển vật dụng y tế và thuốc men, lúc lại là dụng cụ học tập cho học sinh, máy vi tính cho các trường học, hay sữa bột cho người già, trẻ em hoặc dụng cụ thể thao cho các trung tâm đào tạo tại Cuba.


Theo ông Joel Suarez, tổng điều phối của Trung tâm Martin Luther King, đầu mối liên kết ở Cuba của Tổ chức Linh mục vì Hòa bình, việc đoàn xe sẵn sàng đương đầu với những thách thức của chính quyền Mỹ để đưa hàng viện trợ tới Cuba từ năm này qua năm khác là minh chứng cho sự dũng cảm và cam kết vì công lý của các linh mục, thanh niên, cựu chiến binh và những nhà hoạt động xã hội Mỹ, đồng thời cho thấy vẫn còn rất nhiều người Mỹ có thiện cảm và sẵn sàng bày tỏ tình đoàn kết với cách mạng và nhân dân Cuba.


Thách thức rào cản cấm vận


Chưa bao giờ Nhà Trắng lại phải chứng kiến những thách thức mãnh liệt chống lại chính sách thù địch nhằm vào Cuba của họ như vậy. Cơ quan chức năng Mỹ tại các cửa khẩu liên bang đã dùng đủ mọi phương thức để ngăn cản đoàn xe nhưng đều thất bại. Các thành viên của Tổ chức Linh mục vì Hòa bình sẵn sàng tuyệt thực để phản đối, tổ chức các cuộc mít tinh đoàn kết với Cuba ngay trong lòng nước Mỹ, cũng như vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để buộc Oasinhtơn phải cho phép họ đi qua các bang của Mỹ, vượt biên giới sang Mêhicô trước khi tới Cuba. Theo lời kể của ông Suarez, hai sự kiện đáng nhớ nhất mà các thành viên của Tổ chức Linh mục vì Hòa bình phải trải qua trong cuộc đấu tranh với chính quyền Mỹ để đưa được hàng viện trợ tới Cuba là các cuộc tuyệt thực và biểu tình trong các chuyến đi năm 1993 và 1996.

Các thành viên Đoàn xe Hữu nghị Mỹ - Cuba năm 2010 .  Ảnh: Internet


Năm 1993, khi đoàn xe đi qua biên giới Laredo ở bang Texas, lực lượng an ninh Mỹ đã tịch thu một chiếc xe buýt chở học sinh với lời biện minh rằng: “Fidel Castro có thể sử dụng xe này làm phương tiện quân sự”. Không chấp nhận sự phi lý trên, 13 nhà hoạt động xã hội đi trên chiếc xe này đã quyết định tuyệt thực và tuyên bố sẽ không rời khỏi chiếc xe cho tới khi nào cơ quan chức năng cho phép đi. Nhóm thành viên này đã tuyệt thực trong 23 ngày liên tục, trong khi đó một phong trào vận động quốc tế ủng hộ ở 20 thành phố, các bức thư đòi trả tự do cho chiếc xe liên tiếp được gửi tới Mỹ và cuối cùng phía Mỹ đã phải đồng ý cho chiếc xe tiếp tục cuộc hành trình.


Ba năm sau đó, Đoàn xe Hữu nghị Mỹ - Cuba lần thứ 6 chở 400 máy tính viện trợ cho một chương trình thiết lập mạng lưới trao đổi giữa các trung tâm y tế của Cuba cũng đã bị chặn lại ở biên giới bang San Diego. Toàn bộ số thiết bị trên đã bị cơ quan chức năng Mỹ tịch thu. Không chịu khuất phục, các thành viên của Tổ chức Linh mục vì Hòa bình đã tổ chức các hoạt động phản đối từ San Diego tới thủ đô Oasinhtơn trong suốt 94 ngày liên tiếp, buộc chính quyền Mỹ một lần nữa phải nhượng bộ. Trong mọi trường hợp, mục sư Walker và các thành viên của Tổ chức Linh mục vì Hòa bình luôn thể hiện sự nhất quán của mình đối với sự nghiệp đoàn kết cao cả với nhân dân Cuba cho dù trong số họ có những người, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đã phải hy sinh mạng sống của mình sau những lần tuyệt thực.


Ngày 21/7, Đoàn xe Hữu nghị Mỹ - Cuba lần thứ 23 sau 20 năm ra đời lại có mặt tại Cuba để tiếp tục bày tỏ tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Cuba anh hùng sau hành trình đi qua 80 thành phố của nước Mỹ. Lần này, các nhà hoạt động xã hội tham gia đoàn xe quyên góp được 100 tấn hàng viện trợ bao gồm xe lăn, thuốc men, đồ dùng học tập và dụng cụ thể thao. Đây cũng là dịp để Tổ chức Linh mục vì Hòa bình và nhân dân Cuba tôn vinh những đóng góp không mệt mỏi của cố mục sư Lucius Walker, qua đời năm 2010, vì tình đoàn kết và công lý với nhân dân Cuba.

Hoài Nam(P/v TTXVN tại Cuba)