07:15 10/07/2014

Tình yêu chắp cánh cho điệu Khắp

Điệu “Khắp báo xao” (Trai gái hát đối đáp giao duyên) của người Thái Tây Bắc có nhiều làn điệu, tùy nội dung, hoàn cảnh, sự việc cần tâm sự, tỏ bày cùng bạn tình mà vận dụng.

Điệu “Khắp báo xao” (Trai gái hát đối đáp giao duyên) của người Thái Tây Bắc có nhiều làn điệu, tùy nội dung, hoàn cảnh, sự việc cần tâm sự, tỏ bày cùng bạn tình mà vận dụng.

Quam Xcók - xken (hát thách đố)

(Xcók-xken có nghĩa vui nhộn, nghịch, linh hoạt, ngoài ra “Xcók” có nghĩa là mới nhú, là bắt đầu… tuổi thanh xuân, khi tình yêu chớm nụ, những rung động trong sáng đầu tiên tạo nên tiếng sét ái tình, làm cho chàng trai ước ao chinh phục được cô gái xinh đẹp nết na. Song đâu có dễ dàng như thế bởi “so ken” ở đây có nghĩa là ganh đua. Bông hoa rừng tuyệt đẹp kia đâu phải mình anh muốn hái, hoa chưa có chủ, chàng trai nào vượt qua được muôn vàn thử thách, đáng mặt tài trai dẫu có phải lên rừng xuống biển, với bao khó khăn gian khổ mới được cô gái chấp nhận là bạn).

Điệu Tản chụ xống xương (tâm tình tiễn thương) của người Thái trắng ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: việt hoàng


Đây là một kiểu hát thách đố đùa vui thử trí thông minh đối phương, thực chất là thách đố để thi thố tài năng đối đáp văn thơ giữa các cặp hát đối. Thường cô gái sẽ đưa ra những lời thách đố chàng trai phải làm được một điều nào đó thì mới lấy được cô làm vợ. Có điều những lời thách đố đó là những điều bí hiểm, không có trong thực tế. Chàng trai phải tìm những lời lẽ để chứng minh được mình sẽ thực hiện được những điều mà cô gái thách đố.

Xưa đã có những cuộc thách đố diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, câu tiếp câu, bài tiếp bài đến bốn, năm ngày không phân thắng bại. Thách đố càng lâu càng hiểu nhau, duyên càng thắm tình càng nồng, lời đối đáp càng nồng nàn đằm lắng. Do đó người Thái ở Tây Bắc sắp đến tuổi thành niên ai cũng phải tìm cách học thuộc những bài ca để chuẩn bị bước vào chặng đường đầy kì thú.

Khắp tản ổ tản mặc (hát tán tỉnh)

“Khắp tản ổ tản mạc” có nội dung tương đối rộng xung quanh chuyện yêu đương trai gái và có thể gồm nhiều giai đoạn: Bắt đầu là những câu thăm hỏi như: tên, tuổi, quê quán, đã có vợ hoặc chồng hay người yêu chưa, đến đây bằng cách nào (đi ngựa hay xe, bằng thuyền bè hay đi bộ). Giai đoạn này chủ nhà (thường là nữ) sẽ chủ động hỏi, để đối phương đáp lời. Tiếp đó là những lời tán tỉnh yêu đương. Giai đoạn này thường do các chàng trai chủ động tấn công.

Từ những lời đặt vấn đề rụt rè:

Ta gieo hạt cải nơi đây liệu có nên trồng/ Gửi câu tán tỉnh liệu người thương có đáp.

Hay:

Nhìn thấy cái áo muốn mặc/ Thấy chiếc khăn phơi trên sàn muốn cất/ Thấy người yêu dấu khao khát được đón về.

Khắp to nhặc to nhé (ghẹo đùa)

“Tó nhặc tó nhe” nghĩa là tâm sự thông thường. Trong các cuộc vui, những người tham gia chưa hiểu rõ nhau hay chưa có đối tượng hợp ý để đối đáp, họ sẽ cùng nhau hát về nhiều chủ đề phân tán cho vui. Có thể “chủ” sẽ nói về sự tiếp đón của mình không chu đáo, mâm cơm chẳng có gì; ngược lại “khách” sẽ khen “chủ” đã quá hoàn hảo trong mọi công việc. Có khi họ chỉ hát mời nhau uống rượu, từ chối rượu, khen hay chê rượu. Cũng có khi họ lại hát về một sự kiện nổi bật nào đó hay hát về chủ đề về ngày vui hôm đó…

Khắp to pẹ to xùa (hát thi)

“Khắp tó pẹ tó xua” nghĩa là hát đố nhau để xem ai thắng ai thua. Nhưng thực chất chẳng bao giờ phân biệt được ai thắng ai thua, vì cuộc hát đố rất tế nhị, người hát giỏi hơn không bao giờ kiêu căng mà thường rất khiêm tốn. Hát đố cũng có nhiều loại như:

Hát đố thông thường: là một hình thức hát đối giữa trai và gái tương đối phổ biến ở người Thái Tây Bắc. Một bên đưa ra những câu hỏi, bên kia sẽ phải trả lời. Những câu hỏi rất phong phú: Em sẽ đắp nước dâng cho chàng nhảy/ Ra những lời lắt léo để chàng đáp lời/ Nếu đáp được sẽ thành người muôn phương/ Không đáp được qua bảy đời vợ cũng bỏ/ Tán bảy cô xứ lạ cũng chẳng ai thương.

Một cách hát đố nữa là đố thử lòng. Nó cũng là một hình thức hát đố, nhưng nội dung sâu xa hơn, người hỏi đưa ra câu hỏi đơn giản ngắn gọn, nhưng người trả lời phải trả lời bằng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ví như câu hỏi:

- Cả thế gian này cái gì đắng nhất?/ Không có gì đắng bằng giặc cướp nước bắt dân hầu hạ; Mười đắng không bằng vị đắng rễ đa; không bằng phận nghèo hèn kẻ làm tôi tớ/ Không có gì đắng hơn đứa con yêu phải lìa đời/ Không có gì đắng hơn vợ chồng phải lìa xa nhau.

Hát đố xem lòng: cũng là hát đố, nhưng là thử lòng dũng cảm của chàng trai. Hơn nữa đó là hình thức, biện pháp nghệ thuật ngoa dụ, nhằm làm nổi bật nội dung tư tưởng, làm nổi bật tinh thần cũng như tình yêu đôi lứa mãnh liệt của các chàng trai cô gái tham gia. Cô gái sẽ nói về bản hay mường của mình có hàng chục cổng cửa mà mỗi cổng cửa có sự mô tả khác nhau như có cổng chắc, có cổng bền, có cổng đẹp, có cổng đang mở cửa để đón... và hỏi chàng trai sẽ đến với nàng bằng cửa nào? Thế là chàng trai sẽ phải đáp lại mình sẽ chọn cửa nào, lý do tại sao. Thường là các chàng trai sẽ không chọn cửa dễ mà chọn cổng cửa trụ chắc, vững bền như cổng cửa gò đất, gò đá, mà phá thành tình duyên đôi lứa... để thể hiện sức mạnh của tình yêu.

Tản chụ xống xương (tâm tình tiễn thương)

“Tản chụ”: vừa có nghĩa là tán tỉnh yêu đương, vừa có nghĩa là trăng hoa. Còn “xống xương” có nghĩa là thỏa lòng hay thỏa nỗi tiếc thương. “Tản chụ xống xương” thực chất là lời trách móc kẻ phụ tình; trách cho thỏa nỗi trách nhưng lại để lại cho kẻ phụ tình những điều day dứt khôn nguôi).

Tác phẩm Tản chụ xống xương là một khúc ca dài tự sự kể về nỗi lòng của kẻ đã uổng công vun đắp cho một mối tình đằm thắm để đạt được một gia đình hạnh phúc. Nhưng mối tình đã bị phụ bạc, tan vỡ. Người bị phụ tình đã thốt lên những lời oán trách nhưng với lời lẽ đầy yêu thương. Đó là những lời hát nhớ lại ngày đầu mới yêu nhau, những ngày đằm thắm bên nhau, những lời chia ly và những lời trách móc. Đó là những lời nhắn nhủ đừng bao giờ quên những ngày tuổi trẻ vô tư, một quãng đời đẹp nhất cả cuộc đời. Và những lời hẹn hò sẽ có ngày gặp lại...

Những lời hát này được hầu hết các chàng trai mọi thời đại thuộc lòng, để vận dụng khi hát giao duyên trai gái. Ngày nay, trong các cuộc vui, những câu hát "tản chụ xống xương" vẫn được hát lên phù hợp theo ngữ cảnh hiện thời.

Tản chụ xiết xương (tâm tình trêu ghẹo yêu thương)

“Xiết xương” là từ ghép của hai từ: “Xiết” là nói kháy; “Xương” là thương. Nên có thể hiểu xiết xương là “nói kháy nên thương”. Tản chụ xiết xương là chủ đề chung của một loạt bài hát kiểu dạng “nói kháy nên thương”. Nói kháy mà chủ yếu là theo kiểu tâng người hạ ta được dùng rất phổ biến trong hát đối đáp. Người “khắp” thường khen đối phương về nhiều mặt như: xinh đẹp, khéo nói, khéo tay, giàu sang… đồng thời cho mình là xấu xí, dốt nát, nghèo khó… đến mức quá đáng. Thực chất đây là cách mượn chủ đề tình yêu để thi thố tài năng ứng xử văn học của các cặp hát đối đáp. Khác với “Tản ổ tản mặc” và “Tản chụ xống xương”, tản chụ xiết xương bao gồm nhiều bài có sẵn, ít bột phát, từ tâm tình thực của người đang yêu, nó xuất phát từ yêu cầu đối đáp.

Ở đây, câu chuyện tình yêu hình như đã khái quát hóa thành một cái gì đó mà mọi người đều trân trọng. Ngâm hát những vần này dường như ta chỉ bị lôi cuốn chủ yếu về ý nghĩa văn học của nó hơn là nội dung nói chuyện tình yêu cụ thể nào. Tuy nhiên, chính chủ đề tình yêu ấy lại dẫn ta đến sự cảm thụ văn học của các vần thơ. Bởi thế, những vần thơ này không chỉ hấp dẫn các chàng trai cô gái đang tuổi yêu mà hấp dẫn cả nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi, cả những người có tuổi.

Thường qua hát đối đáp này, tùy theo tình huống cụ thể của các đám hát khác nhau, có thể dẫn tới hai cách kết thúc: Hoặc nó đi sâu vào chủ đề tình yêu, cuộc hát trở thành như cuộc “săn đuổi” tình yêu bằng văn học nghệ thuật. Lúc này người ta sẽ sử dụng hỗn hợp các loại, các dạng tình ca khác nhau (lúc này sự phân loại thể loại “khắp” không còn ý nghĩa nữa), cả “tản ổ tản mặc”, “xống xương” và trích đoạn các tác phẩm khác cũng sẽ được vận dụng tùy hứng thích hợp. Hoặc hướng “thi tài” văn học vẫn được tiếp tục (thường xảy ra giữa các đối thủ đã biết tiếng nhau về tài thơ ca văn học gặp gỡ thi tài giữa các vùng). Đến lúc này, người ta lại sử dụng hình “khắp” khác như “khắp tạ” (hát đố), “khắp xcók xken” (hát thách đố)…

Trần Vân Hạc
(Bài có sự giúp đỡ của nhà Thái học Cà Văn Chung).