09:01 09/09/2021

Tình trạng xe quá tải tái bùng phát tại nhiều địa phương

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT), lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xe chở hàng quá tải bùng phát, ngang nhiên hoạt động trên nhiều tuyến đường địa phương. Chỉ trong 2 tháng 7-8, lực lượng chức năng đã sử dụng cân xách tay kiểm tra hơn hơn 22.300 phương tiện, phát hiện trên 2.800 xe vi phạm, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Ngang nhiên "tung hoành"

Báo cáo của TCĐBVN cho biết, các vi phạm về xe quá tải chủ yếu bị phát hiện trên các tuyến quốc lộ (QL), đường tỉnh nơi có các mỏ vật liệu, dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa... Nhiều doanh nghiệp vận tải, chủ xe, lái xe lợi dụng thời điểm lực lượng chức năng tập trung phòng chống dịch COVID-19 để chở hàng quá tải lưu thông và tìm mọi cách tránh né kiểm soát của lực lượng chức năng.  

"Xe quá tải đang bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh, thành phố, ngang nhiên cơi nới kích thước thành thùng xe để chở hàng, lưu thông công khai trên nhiều tuyến đường", Tổng Cục trưởng TCĐBVN Nguyễn Văn Huyện nhận định. 

Chú thích ảnh
Xe tải vi phạm bị tạm giữ tại Đội CSGT số 12 TP Hà Nội. 

Trong văn bản số 6344/TCĐBVN-ATGT ngày 6/9/2021 gửi Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện chỉ rõ hàng loạt các tỉnh, thành phố để xe quá tải "lộng hành" như: Mỗi ngày có hàng chục lượt xe “Howo” cơi nới kích thước thành thùng, chở đất quá tải lưu thông trên tuyến đê Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; tại Tuyên Quang, các xe tải, xe ben, xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ moóc... chở cát sỏi quá tải từ các mỏ tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, lưu thông trên QL37; tại Thái Bình, có tới hàng trăm lượt xe tải/ngày có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng, chở cát quá tải từ các mỏ cát tại xã Thụy Quỳnh, lưu thông trên QL37 và một số tuyến đường địa phương thuộc huyện Thái Thụy.

Còn tại Hà Nội, hàng loạt xe có tải trọng lớn, có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng, chở đất đá vẫn hoành hành trên QL21B; tại Hải Phòng, lực lượng chức năng phát hiện đoàn xe tải cơi nới kích thước thành thùng, chở đất đá quá tải lưu thông trên ĐT359 thuộc địa phận huyện Thủy Nguyên hay tại Ninh Bình, nhiều xe tải cơi nới kích thước thành thùng chở than quá tải từ các bãi than phía ngoài đê sông Đáy tại xã Khánh Phú, lưu thông trên các tuyến đường địa phương và tuyến đê sông Đáy thuộc huyện Yên Khánh.

Đáng chú ý, tại Thừa Thiên Huế, các đoàn xe tải cơi nới kích thước thành thùng chở đất quá tải từ các mỏ đất tại thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, huyện Phong Điền, lưu thông trên ĐT16, ĐT19, QL1 và các xe tải chở gỗ quá tải lưu thông trên các tuyến đường gần khu vực Rào Trăng, huyện Phong Điền.

Tỉnh Bình Định đang được coi là điểm nóng xe quá tải tại các mỏ đất tại xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, lưu thông trên các QL1, QL19 để phục vụ san lấp dự án Trung tâm dịch vụ Kho vận Logistics Quý Phước trên địa bàn xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước...

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Huyện còn chỉ rõ các xe siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành xe, chở hàng với kích thước, khối lượng không đúng với nội dung trong Giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành xe giả vẫn được xuất, xếp hàng và ra khỏi các cảng, khu công nghiệp, lưu thông trên các tuyến đường, đặc biệt là qua các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bình Định, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Đồng Nai trên QL1 hướng Bắc-Nam... 

Xử lý như thế nào?

Trước thực tế trên, để siết chặt kiểm tra trọng tải xe (KTTTX), Tổng Cục trưởng TCĐBVN đề nghị các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe, đặc biệt là các địa phương đã bị nêu, không để tái diễn tình trạng xe quá tải; kiến nghị UBND các địa phương nghiên cứu, đầu tư lắp đặt các trạm cân cố định như mô hình trạm cân lắp đặt tại Km78/QL5, TP Hải Phòng. Trạm cân này đã và đang ngăn chặn hiệu quả xe quá tải trên tuyến từ đầu năm đến nay.

Chú thích ảnh
TCĐBVN yêu cầu các Trung tâm Đăng kiểm kiểm tra nghiêm về kích thước thành thùng xe.

Trong tháng 9/2021 và các tháng tiếp theo, TCĐBVN cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ về KTTTX quá tải; đồng thời, yêu cầu các Trung tâm Đăng kiểm tiếp tục kiểm tra, rà soát các xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ moóc được gắn bộ ben thủy lực và thùng hàng kiểu container 40 feet để chở hàng quá tải, nhất là các Trung tâm Đăng kiểm của các tỉnh: Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh.

"Sở GTVT các địa phương tiếp tục tăng cường KTTTX quá tải trên địa bàn theo Chỉ thị số 03/2020 của Bộ GTVT, bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các trạm KTTTX lưu động và sử dụng cân xách tay để thực hiện công tác kiểm soát xe quá tải phù hợp với địa bàn. Ngoài ra, Ban An toàn giao thông cấp tỉnh chỉ đạo các lực lượng áp dụng biện pháp KTTTX ngay từ đầu nguồn hàng. 

Qua tìm hiểu, vi phạm xe quá tải là hành vi thường gặp đối với các xe chở hàng hóa và theo quy định của pháp luật hiện nay, mức phạt tiền đối với các hành vi này không nhẹ.

Theo Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vượt trọng tải: Xe quá tải trên 10-30% sẽ bị xử phạt 800.000-1.000.000 đồng; quá tải trên 30-50% sẽ bị xử phạt 3.000.000-5.000.000 đồng; quá tải trên 50% đến 100% thì sẽ bị xử phạt 5.000.000-7.000.000 đồng; quá tải trên 100-150% thì sẽ bị xử phạt 7.000.000-8.000.000 đồng và quá tải trên 150% thì sẽ bị xử phạt 8.000.000-12.000.000 đồng.

Chưa hết, khi xe vượt quá tải trọng cho phép, thì không chỉ người điều khiển xe, mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt. Cụ thể, xe quá tải trên 10-30% hoặc từ trên 20-30% đối với xe xi téc chở chất lỏng, lái xe sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng, chủ xe sẽ bị xử phạt từ 4.000.000-8.000.000 đồng; xe quá tải trên 30-50%, lái xe sẽ bị xử phạt từ 6.000.000-8.000.000 đồng, chủ xe sẽ bị xử phạt từ 12.000.000-16.000.000 đồng; xe quá tải trên 50-100% thì lái xe sẽ bị xử phạt từ 14.000.000-16.000.000 đồng, chủ xe sẽ bị xử phạt từ 28.000.000-32.000.000 đồng; xe quá tải trên 100-150%, lái xe sẽ bị xử phạt từ 16.000.000-18.000.000 đồng, chủ xe sẽ bị xử phạt từ 32.000.000-36.000.000 đồng; xe quá tải trên 150% thì lái xe sẽ bị xử phạt từ 18.000.000-20.000.000 đồng, chủ xe sẽ bị xử phạt từ 36.000.000-40.000.000 đồng.

Các mức xử phạt trên đi kèm với hình thức tước giấy phép lái xe tùy theo mức độ vi phạm. 

Bài, ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức