08:07 19/08/2021

Tính toán của các nước khi Taliban cầm quyền trở lại tại Afghanistan

Việc Taliban nhanh chóng trở lại cầm quyền sau 20 năm đã khiến các nước gần Afghanistan vội vã tìm cách thích ứng với tương lai địa chính trị đầy biến động.

Chú thích ảnh
Các tay súng Taliban tiến vào Dinh Tổng thống ở Kabul, Afghanistan, sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô, ngày 15/8/2021. Ảnh: AP/TTXVN

Theo kênh CNBC, ông Michael Kugelman, Phó giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Woodrow Wilson, nhận định: “Phần lớn khu vực đang trong rối loạn địa chính trị khi các nước láng giềng của Afghanistan tìm cách điều chỉnh với chế độ Taliban mới xuất hiện”.

Tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia lưu ý hồi tuần trước rằng các nước láng giềng lo lắng bất ổn chính trị gây ra làn sóng tị nạn và khả năng Afghanistan có thể lại trở thành hang ổ của hoạt động khủng bố.

Pakistan

Chú thích ảnh
Người dân Afghanistan tới cửa khẩu Hữu nghị tại biên giới với Pakistan ở thị trấn Chaman. Ảnh: Reuters

Theo các nhà phân tích Eurasia, Pakistan có ảnh hưởng lớn với Taliban trước đây. Pakistan là một trong vài quốc gia ít ỏi công nhận lực lượng này là chính quyền hợp pháp khi nhóm này nắm quyền cách đây 20 năm.

Pakistan từ lâu cũng bị cáo buộc bí mật hỗ trợ Taliban ở Afghanistan – cáo buộc bị Pakistan bác bỏ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của Afghanistan đã giảm trong nhiều năm qua và Pakistan có thể sẽ cảnh giác trước tình trạng bạo lực tiềm tàng ở biên giới hai nước. Có thông tin cho rằng sự trở lại của Taliban có thể khiến các nhóm khủng bố của Pakistan liều lĩnh hơn, ví dụ như nhóm Taliban Pakistan, từ đó gây ảnh hưởng tới an ninh của nước này.

Các nhà phân tích Eurasia nhận định: “Nói rộng hơn, Pakistan sẽ coi việc trỗi dậy của Taliban là thất bại lớn với đối thủ là Ấn Độ, do đó sẽ có lợi cho mình”.

Ngoại trưởng Pakistan nói trên Twitter rằng Pakistan đang hợp tác để sơ tán các nhà ngoại giao và nhân sự khác khỏi Afghanistan. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia vào vấn đề Afghanistan trên tinh thần xây dựng.

Ấn Độ

Chú thích ảnh
Các tay súng Taliban gác tại thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 16/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ấn Độ có mối quan hệ ổn định với chính quyền dân sự Afghanistan trong suốt 20 năm qua và viện trợ phát triển cho nước này. Do đó, theo ông Kugelman ở Trung tâm Woodrow Wilson, thay đổi quyền lực đã khiến Ấn Độ rơi vào “tình trạng chiến lược khó khăn”.

Ông nói: “Không chỉ Taliban (nhóm có quan điểm bài Ấn Độ) vừa lên nắm quyền mà cả các đối thủ của Ấn Độ ở phía Pakistan và Trung Quốc giờ cũng có vị thế để bám sâu hơn tại Afghanistan”

Các nhà phân tích Eurasia chỉ ra rằng Ấn Độ đã nỗ lực để liên lạc với Taliban nhưng gần như đã ngừng phần lớn hoạt động ngoại giao ở Afghanistan.

Theo các nhà phân tích, Ấn Độ đặc biệt lo lắng vì khi Taliban cầm quyền trước đây, họ đã cho các tay súng ủng hộ Pakistan trú ẩn. Ấn Độ lo ngại rằng Pakistan sẽ sử dụng cơ hội này để tấn công Ấn Độ, từ đó sẽ làm gia tăng nguy cơ xung đột Ấn Độ-Pakistan rộng hơn.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết đã khuyến cáo công dân nước này ở Afghanistan ngay lập tức về nước. Ngày 17/8, Ấn Độ cũng cho biết Đại sứ tại Kabul và nhân viên người Ấn Độ sẽ về nước ngay.

Trung Quốc

Chú thích ảnh
Đặc phái viên Trung Quốc về Afghanistan Yue Xiaoyong (giữa) tới dự hội nghị quốc tế về hoà bình Afghanistan ở Doha, Qatar ngày 10/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi những quốc gia như Mỹ, Anh và Ấn Độ khẩn trương sơ tán nhà ngoại giao và công dân khỏi Afghanistan thì Trung Quốc quyết định vẫn mở cửa đại sứ quán ở Kabul, nhưng khuyến cáo công dân nước mình ở trong nhà.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh mong quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ và kêu gọi kiềm chế khủng bố, tội phạm.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp lãnh đạo cấp cao Taliban hồi tháng trước.

Theo ông Kugelman, Trung Quốc sẽ có vị thế mạnh để tìm kiếm hợp tác với Taliban vì hai lợi ích chính ở Afghanistan: đảm bảo môi trường an ninh cho các dự án cơ sở hạ tầng Trung Quốc tại đây và cô lập nhóm nổi dậy người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương.

Một số phần tử đã tìm nơi trú ẩn ở khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan nhiều năm qua và Trung Quốc đã tìm cách đàm phán với các bên ở cả hai nước để không cho những đối tượng này ở lại.

Nga

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (giữa) cùng đại diện Chính phủ Afghanistan và đại diện Taliban trước cuộc đàm phán về hoà bình của quốc gia Tây Nam Á, tại Moscow ngày 9/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Tương tự Trung Quốc, Nga vẫn mở cửa đại sứ quán ở Kabul nhưng sẽ giảm bớt một số nhân sự ở đây.

Ngày 17/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga không vội công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp ở Afghanistan và kêu gọi thành lập chính phủ có đầy đủ thành phần.

Theo ông Harsh V Pant, Giám đốc chươgn trình nghiên cứu chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát, cả Trung Quốc và Nga vẫn có lý do để lo lắng khi Taliban trở lại nắm quyền.

Ông nói với kênh CNBC: “Trung Quốc lo về điều có thể xảy ra ở Tân Cương. Nga thì lo về điều có thể xảy ra ở Trung Á và chúng ta đều thấy cả hai nước đều có những động thái ban đầu về phía Taliban. Điều này sẽ ảnh hưởng khắp khu vực, xét về mặt những động thái này sẽ khuyến khích các tư tưởng cực đoan như thế nào”.

Các chuyên gia chỉ ra rằng một trong những ưu tiên ngay lập tức của Nga sẽ là hạn chế nguy cơ giao tranh hoặc hoạt động của các nhóm cực đoan có tổ chức lan sang các quốc gia Trung Á dọc biên giới phía bắc ở Afghanistan.

Theo ông Kugelman, quan ngại chính của Nga là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), chứ không phải Taliban. Ông nói: “Nga sẽ muốn đảm bảo rằng Taliban, vốn đối đầu với IS, chú ý tới mối đe dọa mà IS gây ra với khu vực”.

Iran

Chú thích ảnh
Trẻ em sơ tán tránh xung đột Afghanistan tại một trại tạm ở thủ đô Kabul ngày 31/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình ở Afghanistan sẽ đòi hỏi Iran phải chú ý ở mức độ cao.

Theo Eurasia, mục đích của Iran sẽ là kiềm chế làn sóng người tị nạn và ma túy tràn vào và ngăn chặn ảnh hưởng có hại với nhóm người Hazaras ở Afghanistan.

Hazaras, phần lớn là người Hồi giáo Shiite, là nhóm sắc tộc lớn thứ ba ở Afghanistan – đất nước đa số là người Hồi giáo Sunni. Trước đây, Taliban từng bức hại nhóm Hazaras.

Các nhà phân tích Eurasia nói: “Iran có thể sẽ huy động thêm lực lượng vũ trang tới biên giới và chuẩn bị cho một số tình huống khẩn cấp”.

Thùy Dương/Báo Tin tức