11:19 07/11/2014

“Tính toán cụ thể năng suất lao động từng ngành nghề”

Hiện năng suất lao động Việt Nam thấp do tới 47% lao động nằm trong lĩnh vực nông nghiệp

Bên lề Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên xung quanh năng suất lao động của lao động Việt Nam được đánh giá thấp trong khu vực:


Ông Bùi Sỹ Lợi


Mới đây tổ chức ILO đánh giá năng suất lao động Việt Nam thấp trong khu vực vậy, theo ông nguyên nhân do đâu?

Năng suất lao động Việt Nam thấp là do 47% lao động nằm trong lĩnh vực nông nghiệp và chỉ đóng góp cho GDP 18%. Rõ ràng năng suất lao động ngành nông nghiệp kéo lùi năng suất lao động chung. Năng suất lao động chung là chỉ tiêu đánh giá mang tính khái quát.

Do đó, đánh giá năng suất lao động phải đánh giá năng suất lao động cá thể, trong các ngành, lĩnh vực, trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động để phân biệt năng suất lao động của các ngành. Đơn cử như ngành công nghệ tin Việt Nam cũng ngang với thế giới thì không thể nói năng suất ngành này thấp so với các nước khác.

Trong khi khu vực nông nghiệp làm bán thời gian, theo giờ trong ngày. Năng suất lao động thấp là do thời gian làm việc thấp, bán thời gian nhiều.

Nếu so sánh năng suất của 2 công nhân Việt Nam và một nước trong khu vực với cùng một dây truyền thì tương đương nhau.

Vậy theo ông, đâu là giải pháp dể tăng chỉ số năng suất lao động chung của Việt Nam bền vững?

Chỉ có 3 con đường: tăng kỹ năng của người lao động; đổi mới kỹ thuật và công nghệ; thay đổi cơ cấu lao đông trong doanh nghiệp và nội bộ các ngành.

Vậy tiền lương khu vực doanh nghiệpđiều chỉnh trong thời gian tới sẽ gắn với năng suất lao động không, thưa ông?

Tiền lương là tổng thu nhập quốc dân, phần để lại đầu tư cho tái sản xuất. Do đó tốc độ tăng lương bình quân bao giờ cũng phải chậm hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Hiện nay năng suất lao động Việt Nam thấp trong khi hàng năm điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Dự kiến năm 2015, lương tối thiểu vùng tăng 15% so với năm 2014 nhưng năng suất lao động có tăng 15% không là cả vấn đề. Trong khi tiền lương tối thiểu đáp ứng tối thiểu của họ và gia đình họ. Tiền lương tối thiểu gồm nhu cầu sống tối thiểu, tình hình kinh tế xã hội, giá cả sức lao động trên thị trường.

Theo phản ánh của nhiều công nhân, người lao động, mức tăng lương tối thiểu nhưng thu nhập không tăng, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Tiền lương tối thiểu là mức tối thiểu do Nhà nước quy định để chủ sử dụng lao động và người lao động căn cứ ký kết hợp đồng lao động và yêu cầu không thấp hơn. Thực tế thu nhập của người lao động lớn hơn mức lương tối thiểu.

Còn ý kiến cho rằng, tăng lương tối thiểu nhưng đóng góp cho bảo hiểm lớn hơn khiến thu nhập thực tế giảm đi nhưng phải hiểu là khoản tiền này là để tiết kiệm lúc trẻ để bù đắp cho lúc già. Về hưu muốn lương cao thì phải đóng bảo hiểm xã hội cao nhưng để mức cao quá trong khi người lao động chưa đảm bảo mức sống tối thiểu đang là áp lực cho cả chủ sử dụng lao động và người lao động.

Xin cám ơn ông!

Xuân Minh (thực hiện)