07:09 03/07/2021

Tinh tinh Ham - Nhà du hành NASA đầu tiên bay vào vũ trụ

Năm 1961, Ham đã đi vào lịch sử khi trở thành con tinh tinh đầu tiên sống sót sau một chuyến bay vũ trụ. Mặc dù trở về Trái đất như một ngôi sao, quá trình huấn luyện Ham từng gây tranh cãi.

Chú thích ảnh
Tinh tinh Ham ngồi trong ghế phi hành gia với người huấn luyện Edward Dittmer (trái)

Dự án Mercury, chương trình chuyến bay vũ trụ có người lái đầu tiên của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), đã đặt mục tiêu đưa được phi hành gia lên quỹ đạo Trái đất và trở về an toàn. Với sự trợ giúp của tinh tinh Ham, chương trình đã được thực hiện thành công hơn 3 tháng sau đó.

Kể từ cuối thập niên 1950, cuộc đua vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô nóng lên từng ngày. Người Liên Xô đã đưa những chú chó lên quỹ đạo, chứng minh rằng động vật có vú có thể sống sót trong vũ trụ. Còn NASA muốn chứng tỏ rằng loài người có thể hoạt động trong môi trường phi trọng lực, và dự án “astrochim” (phi hành gia tinh tinh) đã ra đời.

Mặc dù chuyến bay vào không gian của chú tinh tinh Ham chỉ kéo dài 16 phút rưỡi, nhưng dữ liệu mà nó cung cấp cho các kỹ sư NASA là vô giá đối với tương lai của chuyến bay vũ trụ. Chuyến bay cũng đã biến tinh tinh Ham trở thành một trong những con vượn nổi tiếng nhất hành tinh.

Tinh tinh Ham chào đời vào tháng 7/1957 tại Cameroon, khi đó thuộc Pháp. Năm 2 tuổi, con tinh tinh đực đã bị những người săn bắt động vật bắt được trong tự nhiên và bán lại cho Trang trại Chim hiếm ở Miami, bang Florida (Mỹ).

Không quân Mỹ đã mua Ham và 39 ứng cử viên đồng loại khác để chuẩn bị cho sứ mạng tại Căn cứ không quân Holloman ở Alamogordo, New Mexico. Tại đây, các nhà khoa học NASA đã đưa toàn bộ những con tinh tinh trải qua một loạt bài kiểm tra và cuối cùng lựa chọn Ham vì trực giác nhạy bén của nó.

Chú thích ảnh
Tinh tinh Ham được huấn luyện tại cơ sở của NASA ở New Mexico năm 1960. Ảnh: NASA

Trước công chúng, NASA chỉ gọi Ham bằng bí danh đơn giản là “Số 65”, vì sợ báo chí sẽ gán cho nó một cái tên bông đùa nếu sứ mệnh Mercury không diễn ra như kế hoạch. Tên “Ham”, vốn đặt theo tên của Trung tâm Y tế Hàng không Vũ trụ Holloman nơi “Số 65” ở, chỉ được đặt cho chú tinh tinh sau khi con vật trở về Trái đất một cách an toàn.

“Chú ta thật tuyệt vời”, người huấn luyện Edward Dittmer cho biết. “Ham đã thể hiện rất tốt và là một chú tinh tinh rất dễ huấn luyện. Tôi ôm lấy nó và Ham giống như một chú bé vậy”.

Sử dụng một quy trình gây tranh cãi được gọi là “điều kiện né tránh” (avoidance conditioning), NASA đã huấn luyện Ham thực hiện những nhiệm vụ đơn giản trong môi trường áp lực để xem liệu có an toàn khi để một phi hành gia kiểm soát phi thuyền bay vào vũ trụ.

Ham bị giật điện qua các điện cực gắn vào bàn chân nếu chú ta không kéo được cần gạt trong vòng 5 giây sau khi nhìn thấy ánh sáng xanh nhấp nháy. Một bài kiểm tra khác yêu cầu Ham chọn hình dạng phù hợp trong một loạt ba hình không khớp với những hình khác. Một khi bay vào quỹ đạo Trái đất, chú ta cũng sẽ phải làm như vậy.

Chú thích ảnh

Vào ngày 31/1/1961, tinh tinh Ham được gắn các cảm biến theo dõi các chỉ số sự sống của mình và được cột vào một chiếc ghế có tên là “biopack”, từ đó chú ta sẽ thực hiện các nhiệm vụ của mình, được giám sát bởi hệ thống máy tính từ mặt đất.

Sau khi được phóng lên trong một chuyến bay bán quỹ đạo, tàu Mercury-Redstone 3 đã lướt đi với vận tốc 9.371 km/h và đạt đến độ cao 251km phía trên Trái đất. Thông số này nhanh hơn 2.200 km/h và cao hơn 67km so với kế hoạch của NASA do tình trạng mất áp suất không khí trong khoang tàu, gây ra bởi một vết nứt.

May mắn thay, bộ đồ phi hành gia của Ham đã bảo vệ chú tinh tinh, và các nhà khoa học xác nhận rằng một loài động vật có vú có thể hoạt động trong không gian. Sau 16 phút 39 giây, chuyến bay kết thúc. Ham trải qua 6 phút rưỡi trong tình trạng không trọng lượng hoàn toàn.

Tuy nhiên vết nứt đã gây ra nhiều vấn đề hơn, và Ham đã hạ cánh cách xa nơi dự kiến tới hơn 200km, trên Đại Tây Dương. Tàu USS Donner chờ sẵn để đón chú tinh tinh đã mất nhiều giờ chuyển hướng đến điểm hạ cánh mới để giải cứu “phi hành gia”. Trong khi đó, nước biển tràn vào khoang qua vết nứt đến mức nguy hiểm, trước khi tàu kịp giải cứu Ham đến nơi an toàn.

Chú thích ảnh
Tinh tinh Ham trên tàu USS Donner sau khi được cứu. Ảnh: NASA

Mặc dù Ham dường như đã mỉm cười trong những bức ảnh chụp lại cuộc giải cứu thành công, nhưng nhà linh trưởng học Jane Goodall cho rằng đó là dấu hiệu của sự sợ hãi. “Tôi chưa bao giờ thấy nét kinh hoàng như vậy trên khuôn mặt của một con tinh tinh”, bà nói với tờ Guardian. Ham thậm chí còn kịch liệt từ chối ngồi lại ghế phi hành gia để chụp ảnh sau khi kết thúc sứ mạng.

Chuyến bay thử nghiệm của tinh tinh Ham đã cung cấp cho NASA dữ liệu cần thiết để thực hiện thành công chuyến bay đưa Alan Shepherd Jr. trở thành người Mỹ đầu tiên bay vào không gian vào ngày 5/5/1961.

Sau khi trở về Trái đất, tinh tinh Ham trở thành “người nổi tiếng” trên truyền thông, chú ta xuất hiện trên trang bìa tạp chí LIFE và thậm chí trong một bộ phim với Evel Knievel.

Nhưng ánh hào quang sớm tan biến, Ham được chuyển đến Vườn thú quốc gia ở thủ đô Washington D.C vào năm 1963 và sống 17 năm trong cô độc. Sau đó, con vật trải qua 3 năm ở Sở thú Bắc Carolina cùng với những con vượn khác, trước khi qua đời vào ngày 19/1/1983, ở tuổi 25, quá trẻ với một con tinh tinh.

Chú thích ảnh
Ham được chôn cất tại Đại sảnh Danh vọng Không gian Quốc tế ở bang New Mexico, Mỹ. Ảnh: Wikimedia Commons

Viện Smithsonian hy vọng sẽ trưng bày thi thể của Ham, nhưng sự phẫn nộ của công chúng đã buộc họ phải xem xét lại. Tờ Washington Post viết: “Hãy nói về cái chết không được tôn trọng. Nói về những tiền lệ đáng sợ - điều đó đủ khiến bất kỳ cựu chiến binh vũ trụ nào cũng phải lo lắng về việc anh ấy sẽ được đối xử như thế nào sau khi qua đời”.

Sau khi khám nghiệm tử thi, bộ xương của Ham đã được lấy ra và ngày nay vẫn được lưu giữ trong Bảo tàng Y tế và Dược Quốc gia ở Maryland. Phần còn lại của hài cốt được chôn cất tại Đại sảnh Danh vọng Không gian Quốc tế ở Alamogordo, tiểu bang New Mexico – nơi bắt đầu sự nghiệp của Ham.

“Alan Shepard là một người anh hùng, không nghi ngờ gì về điều đó. Nhưng bất cứ khi nào mọi người gọi Shepard là người Mỹ đầu tiên trong vũ trụ, tôi muốn nhắc họ về một con tinh tinh đã đi trước anh ấy”, nhiếp ảnh gia Ralph Morse, người đã chụp ảnh Ham cho tạp chí LIFE, nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo ATI)