09:20 02/09/2016

Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Cách mạng tháng Tám

Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 mang những giá trị nổi bật, thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam, đến nay tiếp tục soi sáng cho chặng đường Đổi mới và Hội nhập của đất nước.

Dựa vào sức mình là chính

Tinh thần độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là sự kế thừa truyền thống của dân tộc qua lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất, tự lực, tự cường để dựng nước và giữ nước. Việc nghiên cứu lịch sử dân tộc cùng với quá trình tổ chức và lãnh đạo toàn dân đấu tranh giải phóng dân tộc đã giúp Hồ Chí Minh rút ra kết luận mang tính tổng kết: Việt Nam “là một dân tộc tự lực, tự cường”.

Ngày 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh: Tư liệu - TTXVN

Thực hiện phương châm độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên thắng lợi. Khi cả thế giới còn đang phải dồn toàn lực chống lại cuộc chiến tranh phát-xít, các lực lượng chính trị lớn trên thế giới chưa biết và hầu như không quan tâm đến cách mạng Việt Nam, khi cả dân tộc “đang hấp hối trong vòng tử địa” thì Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên cường tự lực, chủ động, sáng tạo chuẩn bị lực lượng mọi mặt cho Cách mạng Việt Nam có thể đón và tận dụng triệt để thời cơ lịch sử.

Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng tháng 8/1945, viết: “Chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi của ta và đồng minh”. Cũng ngay trong những ngày tháng 8/1945 sôi sục không khí khẩn trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Bằng sức lực, trí tuệ của toàn dân tộc, Cách mạng đã thắng lợi trên cả nước trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng.

Sáng tạo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, toàn dân tộc

Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cùng với đường lối, mục tiêu và các chính sách kinh tế - xã hội đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh cũng đã thành công trong việc đưa ra mô hình tổ chức Mặt trận Việt Minh. Cùng với việc xây dựng và thường xuyên củng cố tổ chức cả ở cấp trung ương và các cấp địa phương, các hình thức tổ chức đoàn thể quần chúng rộng rãi như phụ lão, thanh niên, phụ nữ, nhi đồng, công nhân, nông dân, quân nhân cứu quốc... có ý nghĩa rất quan trọng để tập hợp đồng bào trong Mặt trận Việt Minh. Đường lối, chính sách đúng đắn và tổ chức phù hợp chính là cơ sở để Việt Minh phát triển rộng rãi và nhanh chóng trở thành lực lượng vô địch dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng và phát triển trong sự nghiệp Đổi mới. Điểm chung Độc lập tự do đã gắn kết toàn dân tộc năm xưa. Điểm chung Giữ vững độc lập, thống nhất, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh gắn kết mọi người dân Việt Nam hôm nay. Đi cùng với điểm tương đồng này là các chính sách cụ thể đối với mỗi tầng lớp, tạo ra động lực mới thúc đẩy phong trào cách mạng của nhân dân, phát huy mọi năng lực của toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh mới, đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn luôn dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - đó là bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó chính là sự kế thừa và phát triển những di sản tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân, đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới.

Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại

Luôn nhấn mạnh cần đem sức ta giải phóng cho ta, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá cao và luôn trân trọng mọi sự giúp đỡ quốc tế, tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực cho cách mạng Việt Nam. Đây là tư tưởng lớn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện thành công trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Tư tưởng đó được tiếp tục kế thừa và phát triển trong sự nghiệp Đổi mới. Trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay, các nguồn lực đầu tư, viện trợ, hợp tác là được khẳng định là những nhân tố quan trọng từ bên ngoài để tăng cường cho những nỗ lực bên trong.

Một trong những bài học kinh nghiệm thành công của cách mạng Việt Nam là: Đã kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Kinh nghiệm này cần tiếp tục được phát huy trong giai đoạn mới bằng nhiều biện pháp, chủ trương, đường lối cụ thể. Trong việc kết hợp những nhân tố bên trong với những nhân tố bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì nhân tố bên trong, sức mạnh dân tộc giữ vai trò quyết định. Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng. Hai nguồn lực này gắn kết với nhau thành sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước.

Ngữ Thiên