05:06 10/05/2014

Tinh thần Điện Biên Phủ trong lòng nhân dân Cuba: Kỳ cuối: Phát huy tinh thần

Ở Cuba, nhân dân đã phát huy tinh thần Điện Biên Phủ để tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và phát động phong trào thi đua sản xuất trong nước với nhiều hình thức sáng tạo.

Ở Cuba, nhân dân đã phát huy tinh thần Điện Biên Phủ để tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và phát động phong trào thi đua sản xuất trong nước với nhiều hình thức sáng tạo.


Trong suốt thời kỳ Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân dân Cuba đã phát động “Phong trào sản xuất vì Việt Nam”, như phấn đấu 10 triệu tấn đường, phấn đấu thu hoạch đúng thời vụ trong các mùa mía… Trong các lực lượng vũ trang nhân dân, phong trào “Nâng cao ý thức cảnh giác sẵn sàng chiến đấu theo gương Việt Nam anh hùng” được phát triển khá rộng rãi. Trong các ngành, các giới, trong trường học liên tục phát động phong trào sống và lao động theo gương Việt nam dưới nhiều hình thức khác nhau.

 

Anh hùng Núp và huyền thoại Che Guevara (trái) tháng 7/1964 tại Cuba. Ảnh: TTXVN


Để hiểu thêm cuộc kháng chiến chống Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ của Việt Nam, Cuba đã cho dịch hàng loạt cuốn sách từ tiếng Việt sang tiếng Tây Ban Nha như: “Thông sử Việt Nam qua các giai đoạn”, “Việt Nam một thế kỷ đấu tranh”, “Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc với nhân vật Anh hùng Núp mà Cuba ngưỡng mộ nhằm phổ biến rộng rãi trong nhân dân và truyền bá sang các nước khác ở khu vực Mỹ Latinh.


Trong số các đợt hoạt động đáng được chú ý nhằm phát huy tinh thần Điện Biên Phủ là đợt hoạt động năm 1964, nhân kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và ký Hiệp nghị Giơnevơ 20/7 và đợt hoạt động cũng vào dịp này năm 1967, năm được Cuba đặt tên cho năm hành động là “Năm Việt Nam anh hùng”.


Vào dịp kỷ niệm năm 1964, Cuba tổ chức đợt đoàn kết từ ngày 15 đến ngày 23/7 với nhiều hoạt động độc đáo. Suốt gần 10 ngày, ngày cũng như đêm, bất chấp mưa nắng, cuộc chạy tiếp sức rước lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chặng đường dài hơn 1.000 km với sự tham gia của 1.500 thanh niên sinh viên và cả các lực lượng vũ trang cách mạng xuất phát từ thủ đô La Habana đến thành phố anh hùng Santiago de Cuba để tỏ tình đoàn kết với nhân dân miền Nam Việt Nam.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Lãnh tụ Cuba Fidel Castro huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” nhân chuyến thăm của lãnh tụ đến Việt Nam, tháng 9/1973. Ảnh: TTXVN

 

Tại hàng chục điểm dừng, Cuba tổ chức các cuộc mít tinh trọng thể, nói chuyện về Việt Nam. Ngày kết thúc đợt chạy tiếp sức rước cờ được tổ chức bằng một cuộc mít tinh lớn ngay tại nơi diễn ra cuộc tấn công pháo đài Moncada. Tại đây, Tư lệnh Raul Castro đọc bài diễn văn quan trọng và tiếp nhận lá cờ của Mặt trận rồi trao lại cho đại diện tiểu đoàn biên phòng Cuba đang bảo vệ ranh giới chủ quyền đất nước tại Guantanamo.


Đây cũng là dịp nhân dân Cuba tổ chức mít tinh lên án Mỹ và chính quyền Sài Gòn vi phạm nghiêm trọng Hiệp nghị Giơnevơ, hành động tàn sát những người yêu nước. Cuba còn phát hành các bản tin đặc biệt, nhiều tài liệu quảng cáo, tờ rơi, áp phích, bản đồ về chiến thắng Điện Biên Phủ, về việc ký Hiệp nghị Giơnevơ. Hàng trăm cuộc triển lãm ảnh về cuộc sống, lao động và chiến đấu của nhân dân Việt Nam cũng được trưng bày trong đợt này.


Một nét độc đáo của đợt hoạt động đoàn kết này là việc Cuba mời anh hùng Núp, người con của núi rừng Tây Nguyên, một trong những biểu tượng cao đẹp của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp sang Cuba tham dự các hoạt động kỷ niệm ngày ký Hiệp nghị Giơnevơ. Anh hùng Núp đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều tổ chức chính trị xã hội Cuba để nói chuyện về kinh nghiệm chống Pháp của đồng bào dân tộc miền núi. Có thể nói, đây là hình thức truyền cảm hứng từ chiến thắng Điện Biên Phủ cho nhân dân Cuba trong lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc.


Năm 1967 ở Cuba được gọi là “Năm Việt Nam anh hùng” nhằm phát động trong cả nước phong trào lao động theo gương Việt Nam. Trong năm, tất cả các ngành, các cơ quan, tổ chức… đều phát động những tháng thi đua, tuần thi đua với những ý nghĩa khác nhau. Tuần thi đua nhân kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ và ký Hiệp nghị Giơnevơ 20/7 được gọi là “Tuần quốc tế đoàn kết với Việt Nam” từ ngày 13 đến ngày 19/7/1967. Trong đợt kỷ niệm 20/7 này, Cuba còn tổ chức các cuộc thi thơ, ca, văn xuôi trong cả nước với đề tài ca ngợi cuộc đấu tranh của Việt Nam.


Những phong trào đó là nhận thức của nhân dân Cuba về Điện Biên Phủ mà người đầu tiên cảm nhận là Fidel Castro - linh hồn của cuộc cách mạng giải phóng, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Cuba. Ông đã rất nhạy bén với thời cuộc, sớm nhận thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập, tự do và bình đẳng. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Cuba nhanh chóng đến với Việt Nam. Bà Menba Hécnanđê - Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam - đã từng nói: “Chính Fidel Castro là người đầu tiên đã phát hiện ra Việt Nam và tìm thấy ở đây một tiềm năng cách mạng rất lớn, điều đang cần cho cách mạng Cuba”.


Vĩ lẽ đó, Cuba không những đến với Việt Nam khá sớm, mà còn thể hiện sự ủng hộ và đoàn kết với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam nhanh nhất, kịp thời nhất, triệt để nhất, đồng thời phát huy có hiệu quả tinh thần Điện Biên Phủ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


60 năm đã trôi qua, tinh thần Điện Biên Phủ của Việt Nam vẫn còn nguyên ý nghĩa đối với nhân dân Cuba trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

(PGS.TS Nguyễn Ngọc Mão - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)