04:11 16/04/2016

Tình người trên phố

Đâu đó trên đường phố TP Hồ Chí Minh xuất hiện hình ảnh bình trà đá, tủ thuốc, tiệm bơm vá xe, tủ bánh mì... với lời ghi “Miễn phí” đã khiến những người đi đường không khỏi cảm kích, xúc động. Bởi những nghĩa cử dù rất bé nhỏ ấy nhưng chất chứa cả một tấm lòng thơm thảo, thấm đẫm tình người.

1. Dạo quanh đường phố Sài Gòn, không khó để bắt gặp hình ảnh những bình trà đá với dòng chữ đánh máy hoặc ghi tay nguệch ngoạc trên thân bình dòng chữ “Trà đá miễn phí” ngay góc ngã tư, hay dưới bóng cây râm mát bên vệ đường... Và không biết tự bao giờ, hình ảnh chiếc bình trà đá miễn phí đã trở nên quen thuộc đối với bất cứ ai đang sinh sống ở thành phố ồn ào, náo nhiệt này.

Những bình trà đá nghĩa tình đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người Sài Gòn.

Những chiếc bình trà đá miễn phí ấy, đã giúp những người lao động nghèo như các cụ ông, cụ bà bán vé số, bác xe ôm, chị công nhân, hay đứa bé đánh giày... có thể xua đi cái oi nồng giữa buổi trưa hè và tiếp tục bước đường mưu sinh. Giờ đây, trà đá - một thứ nước uống rẻ tiền và quá quen thuộc, không còn là món trà đá bình thường, mà nó đã trở thành một món “đặc sản” của người Sài Gòn đối đãi với nhau. Đó chính là sự sẻ chia quí giá, đầy ý nghĩa nhân văn!

2. Một buổi sáng đầu tháng 4, hòa cùng dòng người đông đúc trên đường, một cụ ông đã ngoài 60 tuổi, chậm rãi điều khiển chiếc xe lăn lắc tay với những chiếc lốp đã xẹp lép tự bao giờ. Cụ đến góc ngã tư Cống Quỳnh - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) nơi người thợ sửa xe tốt bụng Phạm Văn Lương mưu sinh gần 20 năm qua, để bơm. Chỉ sau vài phút, ba chiếc lốp của chiếc xe lắc tay đã căng đầy hơi và “tiền công” nhận được không phải là những tờ tiền mà chính là cái bắt tay, ánh mắt tràn ngập niềm vui và lời cảm ơn của cụ ông gửi đến người thợ tốt bụng ấy.

Anh Phạm Văn Lương đang bơm xe cho người khuyết tật.

Gần 20 năm qua, tiệm sửa xe vỉa hè ở góc ngã tư của anh Lương luôn có một tấm bảng nhỏ ghi dòng chữ “Người khuyết tật - bơm vá miễn phí”. Anh không thể nhớ nổi đã bao lần bơm, vá những chiếc xe lăn tay, lắc tay của người khuyết tật, nhưng anh luôn nhớ những nụ cười, lời cảm ơn của những con người bị thiệt thòi được cảm thấy ấm lòng bởi việc làm hết sức bé nhỏ của mình.

3. Như thường lệ, đúng 11 giờ trưa, quán cơm Nụ Cười ở số 6, đường Hồ Xuân Hương (quận 3) lại bắt đầu nhộn nhịp, thực khách đứng xếp thành hai hàng trật tự và trên tay mỗi người cầm sẵn tờ tiền mệnh giá 2.000 đồng. Thực khách của quán là những người nhặt ve chai, bán vé số; những ông lão, bà lão gầy gò, hốc hác vì đói hay những đứa trẻ, bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Da liễu cách đó không xa. Còn bên trong quán, hàng chục thực khách ngồi xung quanh những chiếc bàn được xếp ngay ngắn thành hàng dài để dùng bữa cơm trưa.

Người nghèo dùng cơm ở quán cơm Nụ Cười với giá 2.000 đồng.

Hai nghìn đồng chỉ có thể mua được một điếu thuốc hay một ly trà đá, thế nhưng ở đây, hai nghìn đồng mua được cả một suất cơm với đầy đủ canh, rau, thịt và thêm phần chuối tráng miệng. Không chỉ có thế, hai nghìn đồng còn mua được những nụ cười hạnh phúc của những con người đang khốn khó đúng như tên gọi “Quán cơm Nụ Cười”. Ở quán cơm này, chúng ta thấy tình yêu thương, trách nhiệm với xã hội được toát lên từ những người giàu lòng nhân ái và thấy được những con người tuy nghèo khó nhưng vẫn giàu lòng tự trọng.

4. Giữa trưa, ngay đầu con hẻm số 92 đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), anh Đỗ Văn Út (54 tuổi) đang kiểm đếm số thuốc tây được xếp ngăn nắp trong chiếc tủ nhôm kính treo trên vách tường. Bên ngoài mặt kính tủ là hàng chữ được ghi theo kiểu rất bình dân và hài hước của người Nam Bộ: “Tủ thuốc từ thiện - Xin đừng phá em!”. Anh Út cười nói: “Tủ thuốc có cách đây 6 năm rồi. Lúc đầu, tui chỉ làm chiếc tủ rồi mua các loại thuốc tây bỏ vào đó. Mình đâu có khóa nên mấy lần bị trộm mất. Thấy vậy mình làm khóa và ghi rõ là thuốc từ thiện nên giờ không có ai lấy của mình nữa”.

Tủ thuốc tây từ thiện của anh Đỗ Văn Út đã giúp đỡ rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

Trong chiếc tủ là đủ loại thuốc tây để điều trị các loại bệnh thông thường như nhức đầu, cảm sốt, tiêu chảy... Mỗi ngày, rất đông người lao động nghèo như buôn bán ve chai, vé số, hay anh xe ôm... đến lấy thuốc khi chẳng may đổ bệnh khi đang trên đường. Theo lời anh Út, thời gian đầu, cơ số thuốc mà anh trang bị khá ít nhưng hiện nay nhiều người biết đến việc làm ý nghĩa này và đã tham gia góp sức cùng anh. “Thuốc tây hiện có nhiều lắm nên mình phải theo dõi hạn sử dụng. Một phần để lại đây, phần khác mình đem vào các mái ấm, nhà chùa để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn khác nữa”, anh Út chia sẻ.

5. Hàng ngày, những ai thường đi trên giao lộ Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) đều quá quen thuộc với tấm biển chỉ đường đi đến Bệnh viện Từ Dũ. Anh Nguyễn Văn Nam, chủ nhân của tấm bảng, chia sẻ: Vì quá nhiều người hỏi đường và đôi khi bận việc buôn bán hoặc đi đâu đó, không thể giúp hết những người cần đến bệnh viện, nên anh đã nghĩ ra ý định làm tấm bảng hướng dẫn này.

Tấm bảng chỉ đường đến Bệnh viện Từ Dũ của anh Nguyễn Văn Nam ở góc đường Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3).

Đã 7 năm trôi qua, dù không ai yêu cầu, không ai trả lương, tấm bảng hướng dẫn đầy nghĩa tình của người bán hàng kiếm sống trên vỉa hè vẫn xuất hiện ở góc giao lộ này bất kể trời nắng hay ngày mưa. Một việc làm dù nhỏ nhoi nhưng đã giúp ích cho rất nhiều người, mang đến cuộc sống nhiều điều ý nghĩa và để thấy được một điều ở Sài Gòn là “nghĩa tình không bao giờ thiếu”.
Bài và ảnh: Anh Đức