04:15 29/04/2018

Tình người trên đỉnh đèo Lò Xo

Chỉ cần nhận được thông tin có vụ tai nạn là những người dân trên đỉnh đèo Lò Xo lập tức có mặt, cùng với lực lượng chức năng khẩn trương cứu nạn và bảo vệ tài sản cho những người không may bị tai nạn giao thông ở khu vực này.

Sự có mặt kịp thời của họ đã cứu sống nhiều người. Những việc làm ý nghĩa của người dân đang được dệt nên bởi tình thương, tình người trên đỉnh đèo Lò Xo - nơi giáp ranh hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

Đoàn viên thanh niên xã Đăk Man, huyện Đăk Glei tham gia cứu hộ, cứu nạn trên đèo Lò Xo.

Cứu người từ cái tâm

Đã hơn 10 năm tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn tại khu vực đèo Lò Xo, anh Đinh Văn Hoàng (32 tuổi, thôn Măng Khênh, xã Đăk Man, huyện Đăk Glei) không nhớ số lần anh đã tham gia ứng cứu tai nạn giao thông. Dù mưa hay nắng, chỉ cần một tin báo, anh Hoàng lập tức lên đường tới hiện trường, để cùng với lực lượng chức năng cứu hộ hành khách bị nạn. Chính sự có mặt kịp thời của những người dân bình thường như anh Hoàng đã kịp thời đưa người bị nạn đi cấp cứu, giành lại sự sống.

“Đến bây giờ, mình không nhớ được là đã tham gia cứu bao nhiêu vụ tai nạn. Cứ nghe anh em báo có tai nạn là đi ngay tới hiện trường xem có giúp được gì không. Nhiều hôm đêm khuya, đang ngon giấc nhưng có tai nạn cũng dậy đi, vì thấy thương người ta lắm. Trong khu vực này, nhiều anh em chỉ cần có tin báo tai nạn là lập tức tới hiện trường ứng cứu, kể cả người đồng bào Giẻ - Triêng”, anh Hoàng cho biết.

Sau bao nhiêu lần tham gia cứu hộ cứu nạn các trường hợp bị tai nạn trên đỉnh đèo Lò Xo, nhớ nhất đối với anh Hoàng là vụ tai nạn xe khách Hoàng Sơn vào năm 2014, tại Km 1406+500. Chiếc xe khách lao xuống vực ở độ sâu 98 m vào giữa trưa làm một người chết và hàng chục người bị thương. “Lúc đấy cả nhà đang ăn cơm thì nghe tin có tai nạn, tôi cùng các anh em khác tới hiện trường. Chứng kiến nhiều người la hét, máu khắp người ở dưới vực sâu, tôi cùng anh em và lực lượng chức năng trực tiếp xuống vừa trấn tĩnh người bị nạn vừa tìm cách đưa người bị thương nặng lên trước để đi cấp cứu kịp thời”, anh Hoàng kể lại.

Anh Hoàng cho biết thêm, từ lúc xe gặp nạn đến lúc cứu hộ xong kéo dài từ 11 giờ đến hơn 17 giờ. Có lẽ từ lúc tham gia cứu hộ cứu nạn trên khu vực đèo Lò Xo này, cuộc cứu nạn xe khách Hoàng Sơn là vất vả và gian nan nhất.

Anh Đinh Văn Hoàng, người dân thôn Măng Khênh, xã Đăk Man, huyện Đăk Glei - một trong những người dân tiêu biểu có nhiều đóng góp vào công tác cứu hộ, cứu nạn trên đỉnh đèo Lò Xo.

Sau mỗi lần tham gia cứu hộ, cứu nạn, anh Hoàng cũng như nhiều người dân, đoàn viên thanh niên khác lại quay về với cuộc sống hàng ngày. Người lên rẫy trồng trọt, người sửa chữa xe máy, người làm việc trong các cơ quan. Với những con người ở đây, cứu người là từ cái tâm, từ tình yêu thương của con người.

“Mình cứu người là từ cái tâm của mình chứ không phải làm để đợi được trả ơn. Tất cả anh em ở đây khi tham gia cứu hộ, cứu nạn là chỉ mong cứu chữa kịp thời các trường hợp bị tai nạn, góp phần giảm thiểu những thiệt hại, mất mát về người và của”- anh Hoàng cho biết.

Tình người trên đỉnh đèo Lò Xo

Đèo Lò Xo có chiều dài hơn 20 km nối tỉnh Kon Tum và Quảng Nam với nhiều đoạn đèo dốc, quanh co; quanh năm thời tiết sương mù bao phủ. Sinh sống trên khu vực đèo Lò Xo chủ yếu là cộng đồng người dân tộc Giẻ - Triêng với quan niệm người chết vì tai nạn giao thông, bom mìn, thú rừng cắn chết… là không được ai cứu giúp, trừ người nhà nạn nhân. Vì vậy, trước đây, dù thấy tai nạn, người dân hầu như không tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Tuy nhiên, trước những nghĩa cử cao đẹp của các đoàn viên thanh niên, cán bộ xã Đăk Man, những người như anh Hoàng, anh Giáp (cán bộ kiểm dịch)… đã khiến nhiều người dân Giẻ - Triêng thay đổi quan niệm. Dần dần, quan niệm không cứu người bị nạn đã được xóa bỏ. Những việc làm kịp thời của đồng bào dân tộc thiểu số Giẻ - Triêng trên đỉnh đèo Lò Xo trong công tác cứu hộ, cứu nạn thực sự góp phần lớn giảm thiểu những tổn thất về người và của trong các vụ tai nạn giao thông.

Anh Xiêng Văr Thiên, Công an xã Đăk Man, huyện Đăk Glei cho biết: Trước đây, quan niệm của người dân Giẻ - Triêng là rất kỵ cứu người bị tai nạn giao thông. Bởi người dân nghĩ nếu mình cứu giúp, cái hồn oan uổng đó sẽ nhập vào mình, bắt mình đi theo nó. Nhưng những năm gần đây, nhận thức của người dân đã thay đổi. Bây giờ, nghe tin báo tai nạn là người dân đều tham gia cứu hộ. Nhiều người bây giờ là lực lượng chính của Đội cứu hộ, cứu nạn, có nhiều đóng góp trong công tác cứu hộ cứu nạn ở xã.

Hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên khu vực đèo Lò Xo có sự góp công rất lớn của người dân tộc Giẻ - Triêng, đoàn viên thanh niên xã Đăk Man, huyện Đăk Glei.

Trên đèo Lò Xo có nhiều "điểm đen" về tai nạn giao thông, người dân sinh sống thưa thớt nên công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tai nạn giao thông gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều năm qua, lực lượng cứu hộ tại chỗ là những người dân, đoàn viên thanh niên sinh sống trên đỉnh đèo này đã góp phần rất lớn vào công tác cứu hộ, cứu nạn. Không chỉ kịp thời ứng cứu các trường hợp bị tai nạn, bảo quản đồ đạc cho hành khách gặp nạn mà còn góp phần cứu chữa kịp thời tính mạng của nhiều hành khách bị thương nặng. Bây giờ, mặc dù mưa hay nắng, không quản ngại gian khổ, chỉ cần một tin báo có tai nạn là những người dân, thanh niên của xã Đăk Man kịp thời có mặt để cùng với lực lượng chức năng ứng cứu.

Trung úy Đinh Lê Mạnh Hùng, cán bộ Cảnh sát giao thông - Trạm Cảnh sát giao thông Ngọc Hồi cho biết: Trong thời gian qua, sự góp sức của các thành viên trong đội cứu hộ, cứu nạn là người dân, đoàn viên thanh niên khu vực đèo Lò Xo đã góp phần cứu hộ, cứu nạn kịp thời các trường hợp bị tai nạn, giảm thiểu các thiệt hại về người và của.

Những việc làm thấm đẫm tình người này rất xứng đáng được trân trọng và cần được biểu dương, nhân rộng.

Bài và ảnh: Quang Thái (TTXVN)