04:23 24/04/2011

Tình hình Xyri diễn biến phức tạp

Ngày 24/4 (giờ VN), một ngày sau các cuộc đụng độ đẫm máu giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình Xyri, cảnh đổ máu vẫn diễn ra ở quốc gia Trung Đông này khi một số người đã trúng đạn khi tham gia lễ tang của những nạn nhân thiệt mạng trong cuộc đụng độ hôm trước.

Người Xyri tuần hành phản đối chính phủ tại thành phố đông bắc Banias ngày 24/4. Ảnh: AFP/TTXVN


Tân Hoa xã dẫn nguồn tin trên trang web Day Press cho biết, 3 người tham dự lễ tang ở ngoại ô thủ đô Đamát đã trúng đạn của những tay súng bắn tỉa nấp trên nóc các tòa nhà. Trước đó, kênh truyền hình al-Jazeera cho biết, ít nhất 7 người đã thiệt mạng trong những đám tang này. Theo hãng thông tấn nhà nước SANA của Xyri, những tay súng mang mặt nạ đi trên xe máy và ô tô đã bắn bừa bãi vào người dân ở miền nam Xyri, làm 8 người thiệt mạng và 28 người bị thương.

Trong khi đó, các hãng tin phương Tây cho biết, ít nhất 13 người tham dự các lễ tang đã bị bắn chết và hàng chục người bị bắt ở miền nam Xyri.
Trước tình hình trên, Bộ Ngoại giao Anh ngày 24/4 đã kêu gọi các công dân nước này rời khỏi Xyri nếu không có nhu cầu cấp thiết phải ở lại.
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh chính phủ Xyri đang phải đối mặt với làn sóng phản đối của cộng đồng quốc tế sau vụ đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình hôm 23/4 (giờ VN).

Nga hối thúc Xyri đẩy mạnh tiến trình cải cách chính trị, đồng thời cho biết Mátxcơva "rất quan ngại trước tình trạng gia tăng căng thẳng và những dấu hiệu đối đầu đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới người dân vô tội". Mátxcơva tin rằng chỉ có con đường đối thoại và cải cách sâu rộng về kinh tế, chính trị, xã hội mới mang lại sự phát triển ổn định và dân chủ cho Xyri. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi các bên ở Xyri ngừng ngay các hành động bạo lực và tiếp tục tìm kiếm những giải pháp hòa bình cho các vấn đề hiện nay.

Pháp cũng kêu gọi chính quyền Xyri tham gia ngay tiến trình đối thoại chính trị, trong khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon yêu cầu chính quyền của Tổng thống Bashar Al- Assad tôn trọng các quyền hợp pháp của người dân.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Jerzy Buzek, Ngoại trưởng Anh William Hague cùng lãnh đạo các nước Đức, Italia và Hy Lạp cho rằng, tình trạng gia tăng bạo lực ở Xyri là "không thể chấp nhận được", đồng thời yêu cầu Xyri phải trả tự do cho các tù chính trị và tiến hành cải cách toàn diện theo một lộ trình chặt chẽ.

Ngày 23/4 (giờ VN), hàng chục nghìn người đã biểu tình rầm rộ ở thủ đô Đamát và nhiều thành phố lớn của Xyri. Hãng SANA đưa tin lực lượng an ninh đã can thiệp bằng đạn hơi cay và vòi rồng để giải tán biểu tình. Các vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã làm ít nhất 80 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Đây được xem là một trong những ngày đẫm máu nhất kể từ khi làn sóng biểu tình bùng phát ở Xyri từ giữa tháng 3 vừa qua, bất chấp việc trước đó một ngày, Tổng thống Assad đã có nhiều động thái tích cực nhằm xoa dịu căng thẳng, trong đó có việc ký phê chuẩn bãi bỏ Luật tình trạng khẩn cấp được áp dụng hơn 48 năm qua và giải tán Tòa án An ninh quốc gia chuyên xét xử các tội phạm chính trị.

lHãng thông tấn chính thức JANA của Libi cho biết, các cuộc oanh kích của NATO, với sự tham gia lần đầu tiên của máy bay không người lái Predator của Mỹ, trong ngày 24/4 (giờ VN) đã làm nhiều người chết và bị thương. Nhiều khu vực quân sự và dân sự của Libi đã bị tấn công, trong đó có cả thủ đô Tripôli và thành phố Sirte - quê hương của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi. Thành phố lớn thứ ba là Misrata cũng tiếp tục phải hứng chịu hàng loạt tên lửa và đạn súng máy.

Vài giờ trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Libi Khaled Kaim tuyên bố, quân đội đã ngừng mọi chiến dịch tại Misrata để mở đường cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình trong 48 giờ tới, với nỗ lực thuyết phục phe đối lập hạ vũ khí của các quan chức bộ tộc địa phương.

Nhằm thực thi lệnh ngừng bắn tại Libi, Nga và Hy Lạp đã tiến hành các cuộc thảo luận riêng rẽ với chính phủ Libi. Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Libi Al-Baghdadi Al-Mahmoudi, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Mátxcơva có thể gửi các quan sát viên tới Misrata để giám sát lệnh ngừng bắn và mở đường cho một giải pháp hòa bình tại quốc gia Bắc Phi này. Tại cuộc gặp với người đồng cấp Hy Lạp George Papandreou, Thủ tướng Libi Al-Mahmoudi tái khẳng định cam kết của Tripôli đối với các nghị quyết của LHQ, đồng thời cho biết Libi nhất trí với sáng kiến hòa bình của Liên minh châu Phi (AU).

lNgày 24/4, những người biểu tình đã cắm trại ở thủ đô Xana và thành phố lớn thứ hai Taez của Yêmen để yêu cầu Tổng thống nước này Ali Abdullah Saleh phải từ chức ngay, bất chấp việc Đảng Đại hội Toàn dân (GBC) cầm quyền của ông đã chấp nhận kế hoạch từ bỏ quyền lực trong vòng 30 ngày theo đề xuất của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).

Người biểu tình phản đối sáng kiến của GCC vì cho rằng sáng kiến này chỉ nhằm giải quyết yếu tố khủng hoảng chính trị giữa hai chính đảng trong Quốc hội Yêmen, trong khi người biểu tình xuống đường đòi hỏi "có một sự thay đổi toàn diện". Họ cho biết sẽ chỉ chấp nhận việc Tổng thống Saleh "từ chức ngay lập tức".

Theo đề xuất của GCC, ông Saleh sẽ đệ đơn xin từ chức lên quốc hội trong vòng 30 ngày, sau khi thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống và một cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức trong vòng hai tháng sau.

Minh Dương