10:21 25/10/2020

Tình hình mưa lũ ngày 25/10: Mưa to trở lại gây khó công tác cứu nạn

Do ảnh hưởng của cơn bão số 8, từ đêm 24/10, một số tỉnh miền Trung tiếp tục có mưa to trở lại sau 3 ngày tạnh ráo. Công tác tìm kiếm cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 buộc phải tạm dừng, hoạt động cứu trợ người dân ở “rốn lũ” Quảng Trị cũng gặp phải không ít khó khăn…

Tạm dừng tìm kiếm 12 công nhân mất tích tại Rào Trăng 3

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ di chuyển về Thủy điện Rào Trăng 4 để đảm bảo an toàn. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 25/10, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, lực lượng cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã tạm dừng việc tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích do ảnh hưởng của cơn bão số 8.

Mưa lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế từ đêm 24/10 có nguy cơ gây ra sạt lở và lũ cao. Vì vậy, lực lượng cứu hộ được yêu cầu không đưa thêm người vào hiện trường tìm kiếm tại Thủy điện Rào Trăng 3 và di chuyển về Thủy điện Rào Trăng 4 (huyện Phong Điền) chờ lệnh. Khi thời tiết thuận lợi, các lực lượng lại tiếp tục tranh thủ thời gian, với tinh thần trách nhiệm cao nhất để khẩn trương tìm kiếm những công nhân bị vùi lấp.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ di chuyển về Thủy điện Rào Trăng 4 để đảm bảo an toàn. Ảnh: TTXVN phát

Hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhận tại Thủy điện Rào Trăng 3 đang gặp nhiều khó khăn khi diễn biến các cơn bão, áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đông rất phức tạp, nguy cơ bão chồng bão tại Thừa Thiên - Huế. Tại hiện trường, có khoảng hàng trăm mét khối đất đá cần đào bới, nạo vét; phương tiện cơ giới rất khó vào. Đặc biệt, xuất hiện một số khối bê tông lớn đè trên khu vực nghi có nạn nhân trong khi nguy cơ sạt lở xảy ra rất cao.

Tính đến sáng 25/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy được 5 thi thể công nhân bị mất tích do sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra vào ngày 12/10 vừa qua; trong đó, lực lượng chức năng đã xác định được danh tính 2 nạn nhân. 12 nạn nhân khác đang được tích cực tìm kiếm không kể ngày đêm suốt nhiều ngày qua

Chú thích ảnh
Cây cối nằm ngổn ngang, đất đá bồi lấp tạo nên cảnh tan hoang sau trận lũ quét, cô lập hoàn toàn xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Ảnh: TTXVN phát

Ngày 25/10, do ảnh hưởng của cơn bão số 8, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa trở lại, gây khó khăn cho việc tiếp cận những địa bàn còn bị chia cắt, cô lập để cứu trợ người dân bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng do lũ lụt vừa qua.

Từ chiều 24/10, điểm sạt lở tại Km166 trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi từ tỉnh Quảng Bình vào hai xã bị cô lập hoàn toàn là Hướng Lập, Hướng Việt, huyện Hướng Hóa đã được khắc phục và thông xe tạm thời. Xe ô tô bán tải có thể đi vào được xã Hướng Lập nếu trời không mưa. Tuy nhiên, sáng 25/10, do ảnh hưởng của bão số 8, ở hai xã Hướng Lập và Hướng Việt đã có mưa to. Đồn biên Phòng Hướng Lập thuộc Biên phòng Quảng Trị khuyến cáo: Các đoàn cứu trợ hoãn chuyến đi đến hai xã Hướng Lập, Hướng Việt do có nhiều điểm sạt lở núi.

Xã Hướng Lập có hơn 1.640 dân, Hướng Việt có gần 1.750 người, phần lớn là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống, bị cô lập hoàn toàn và mất liên lạc từ ngày 17/10, do đường vào các xã này là đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt lở nghiêm trọng. Đoàn công tác 23 người gồm lực lượng Biên phòng Quảng Trị và cán bộ y tế huyện Hướng Hóa, đã băng rừng 30 km để tiếp cận xã Hướng Việt, nhằm hỗ trợ người dân hai xã bị cô lập. Đoàn đã cấp phát khẩn cấp 5 tấn gạo, 1.000 thùng mì cứu trợ cho người dân hai xã nói trên.

Chú thích ảnh
Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đi bộ băng rừng 30 km để vào xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa. Ảnh: TTXVN phát

Đến nay, nhiều xã ở hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa vẫn bị chia cắt cô lập. Tại huyện Hướng Hóa, ngoài hai xã Hướng Việt, Hướng Lập vẫn đang bị chia cắt còn có các xã Hướng Sơn, Húc, Ba Tầng, Hướng Linh, Hướng Lộc phương tiện cơ giới không vào được trung tâm xã do đường bị sạt lở. Tại huyện Đakrông, nhiều thôn ở 4 xã: Hướng Hiệp, A Vao, Tà Long, Ba Nang bị chia cắt do sạt lở đất, ô tô không vào được, xe máy cũng rất khó khăn. Mưa trở lại do ảnh hưởng của bão số 8 khiến nguy cơ sạt lở đất ở vùng miền núi, đường thêm lầy lội, nước sông, suối có thể dâng cao… khiến việc tiếp cận để cứu trợ người dân thêm khó khăn và nguy hiểm.

Khẩn trương thông tuyến, tiếp tục cứu trợ người dân vùng lũ

Chú thích ảnh
Các lực lượng ngành giao thông vận tải Quảng Bình đang xuyên đêm mở đường, thông tuyến chạy đua với bão số 8. Ảnh: Nguyễn Văn Tý/TTXVN

Tại Quảng Bình, do liên tiếp phải gánh chịu những đợt mưa lũ vừa qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn bị thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tại khu vực miền núi của tỉnh đã xuất hiện hàng trăm điểm bị sạt lở, với khối lượng lên đến hàng vạn mét khối đất, đá. Nhằm đảm bảo lưu thông, phục vụ công tác cứu nạn trong mưa lũ, lực lượng ngành giao thông vận tải tỉnh thường xuyên phải căng mình, làm việc thâu đêm.

Tại khu vực từ Km136+850 đến Km137+350 trên quốc lộ 12A, đoạn qua xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, toàn bộ nền mặt đường bị đẩy trồi, đứt gãy, trượt về phía suối với khối lượng hàng vạn mét khối đất, đá. Trong điều kiện thời tiết bất lợi, trời liên tục mưa, nguy cơ sạt lở thường trực, các cán bộ, công nhân ngành giao thông vận tải Quảng Bình vẫn đang nỗ lực cố gắng hết sức mình để sớm khắc phục sự cố. Làm ngày không kịp, họ phải làm cả đêm, tranh thủ từng giờ, từng phút khắc phục sạt lở.

Ông Ngô Văn Trung, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng tổng hợp 2 Quảng Bình cho biết, đây là khu vực sạt trượt lớn, phức tạp nên tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn. Vì vậy, khi trời ngừng mưa thì đơn vị tranh thủ, huy động tối đa lực lượng, phương tiện máy móc khắc phục không kể ngày hay đêm.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình, mưa lũ đã làm hệ thống giao thông trên toàn tỉnh thiệt hại nặng nề, trong đó riêng các tuyến do Sở quản lý cần đến gần 100 tỷ đồng để khắc phục bước 1. Đặc biệt, tại nhiều tuyến đường độc đạo dẫn lên các xã miền núi của tỉnh như: Quốc lộ 9B, Quốc lộ 9E, Quốc lộ 12A, Tỉnh lộ 562 (đường 20 Quyết Thắng), Tỉnh lộ 558C... nền mặt đường bị sạt lở nghiêm trọng, làm cô lập hoàn toàn các xã ở khu vực này.

Chú thích ảnh
Một điểm bị sạt lở taluy dương nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 9E. Ảnh: Nguyễn Văn Tý/TTXVN

Ngày 25/10, Tổng cục Dự trữ Nhà nước phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Lễ tiếp nhận và phân bổ hàng cứu trợ đến các địa phương, nhân dân trong tỉnh phục vụ ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt.

Tại buổi lễ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuyển cấp cho tỉnh Thừa Thiên - Huế 250 tấm bạt nhựa và 50 máy lọc nước do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ; 500 bộ dụng cụ sửa nhà và 650 bộ dụng cụ làm bếp từ nguồn viện trợ của Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA). Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp 2 máy phát điện loại 30KVA, 3 xuồng cao tốc các loại, 28 nhà bạt các loại, 2.000 phao áo, 1.000 phao tròn, 30 phao bè. Cục cứu hộ - Cứu nạn trực tiếp bàn giao 3 xuồng cứu sinh, 36 máy phát điện loại 5 - 7KV, 1.000 áo phao, 10 máy bơm chữa cháy và 10,5 tấn lương khô.

Chú thích ảnh
Phân bổ hàng hóa, thiết bị hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt. Ảnh: Mai Trang/TTXVN

Ngay sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định phân bổ các hàng hóa, vật tư, trang thiết bị này về các đơn vị, địa phương để kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định cuộc sống và sẵn sáng ứng phó với các đợt thiên tai tiếp theo phía trước.

Mưa lũ trên địa bàn tỉnh những ngày qua tại Thừa Thiên - Huế đã làm 29 người chết, 14 người mất tích, 36 người bị thương, nhiều nhà cửa, vật chất của nhân dân bị hư hỏng nặng, sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ, bị đình trệ dài ngày; nhiều diện tích nông nghiệp, thủy sản bị mất trắng; công trình hạ tầng dân sinh y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng.

Bão số 8 suy yếu, bão số 9 có thể gây mưa lớn và kéo dài

Chú thích ảnh
Vị trí và đường đi của bão số 8 lúc 16h ngày 25/10. Ảnh: KTVN

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 25/10, khi đi vào vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 26/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ)… Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50 - 150 mm/đợt, có nơi trên 200 mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.

Về cơn bão số 9 đang có xu hướng mạnh lên và hướng vào Biển Đông, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bão số 9 sẽ đi vào Biển Đông trong ngày 26/10 và di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng. Bão số 9 có thể gây ra gió mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 15 ở Biển Đông; cấp 11 - 12, giật cấp 14 ở vùng biển ven bờ các tỉnh, thành phố thuộc Trung Bộ.

Trên Biển Đông, sóng biển có thể cao từ 8 - 10 m, vùng ven biển Trung Bộ từ 5 - 7 m; trọng tâm là khu vực vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Khu vực ven biển từ Quảng Nam đến Bình Định có thể có nước dâng do bão tới 1m.

Từ ngày 27/10 đến ngày 29/10, bão số 9 có thể gây mưa to đến rất to cho khu vực Trung Bộ (200 - 350 mm/đợt). Hoàn lưu sau bão kết hợp không khí lạnh có thể gây mưa lớn kéo dài cho các khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể có mưa đặc biệt to (trên 500 mm/đợt).

Ông Mai Văn Khiêm khuyến cáo: Trong thời gian trên, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi khu vực Trung Bộ có nguy cơ xảy ra cao đến rất cao. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến cụ thể của cơn bão rất mạnh này để chủ động phòng tránh.

Nhóm PV TTXVN - Hà Phương (tổng hợp)