10:22 22/10/2020

Tình hình mưa lũ ngày 22/10: Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt

Ngày 22/10, vùng lũ Hà Tĩnh đã ngớt mưa, tại tỉnh Quảng Bình nắng đã xuất hiện trở lại, nước trên các sông đang xuống nhanh... nhưng nhiều khu vực vẫn bị chia cắt, cô lập do ngập sâu. Tranh thủ thời điểm này, công tác cứu trợ người dân vùng lũ được tích cực triển khai, nhằm sớm giúp đồng bào vượt qua hoạn nạn.

Nỗ lực ổn định đời sống của nhân dân

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thăm hỏi người dân xã Hải Định, huyện Hải Lăng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Tại Quảng Trị, ngày 22/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về công tác khắc phục hậu quả lũ lụt.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, lũ lụt diễn biến rất phức tạp từ ngày 7/10 đến nay đã khiến 98 trong tổng số 124 xã, phường, thị trấn của tỉnh bị ngập lụt, chia cắt. Toàn tỉnh có trên 61.000 hộ với gần 194.000 người bị ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt. Tỉnh đã sơ tán 15.000 hộ với hơn 49.000 người đến các địa điểm an toàn. Trên địa bàn tỉnh có 50 người chết, 4 người mất tích, 25 người bị thương do lũ lụt. Các tuyến Quốc lộ 15D, 9D, 49C, 9, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và các đường liên tỉnh bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng…

Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và cơn bão số 8 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Quảng Trị tiếp tục theo dõi sát tình hình và dự báo thời tiết, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai với các phương án sẵn sàng hơn, chủ động hơn, tuyệt đối không được chủ quan.

Tỉnh cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống thiên tai, quán triệt phương châm “phòng hơn chống”, “4 tại chỗ”, “địa phương và người dân là chính”; vận hành các hồ đập thủy lợi, thủy điện an toàn, đúng quy trình. Tỉnh cần tập trung bảo vệ tính mạng và tài sản, ổn định đời sống người dân; tích cực triển khai công tác cứu hộ cứu nạn và bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia công tác cứu hộ cứu nạn.

Tại Thừa Thiên - Huế, chiều 22/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đến thăm, tặng quà, chia sẻ với những mất mát của người dân bị thiệt hại trong đợt mưa lũ lịch sử tại huyện Phong Điền và Quảng Điền.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ mất mát với gia đình đồng chí Nguyễn Văn Bình, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đã hy sinh khi đi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Huyện Quảng Điền và huyện Phong Điền là hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ và sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng vừa qua. Có hơn 16.000 ngôi nhà ở huyện Quảng Điền, 13.000 ngôi nhà ở huyện Phong Điền bị ngập. Hàng trăm héc ta hoa màu, lúa bị hư hại do ngập chìm trong nước lũ, hệ thống đường giao thông bị hư hỏng lớn.

Chia sẻ với những khó khăn của người dân vùng lũ Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã trao tặng 400 triệu đồng cho người dân vùng lũ của 2 huyện Quảng Điền và Phong Điền. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã gửi 100 triệu đồng hỗ trợ cho Quỹ khuyến học của huyện Phong Điền.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng Đoàn công tác đã đến thăm và chia sẻ những khó khăn, mất mát với các gia đình bị thiệt hại trong mưa lũ và gia đình Liệt sỹ Nguyễn Văn Bình, cố Chủ tịch UBND huyện Phong Điền.

Tại Quảng Bình, ngày 22/10, tại tỉnh Quảng Bình nắng đã xuất hiện trở lại, thời tiết ấm lên, nước trên các sông đang xuống nhanh.

Chú thích ảnh
Hiện nay nước lũ tại tỉnh Quảng Bình đã bắt đầu rút, nhưng một số khu vực của huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh vẫn bị cô lập khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Do nước xuống nhanh nên đến ngày 22/10, Quốc lộ 1A đã thông tuyến hoàn toàn. Trong đó, tuyến Quốc lộ 1A cũ qua hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy vẫn còn một số điểm ngập nhẹ khoảng 0,3 m tại Km681 (qua xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) và Km68, Km697 (qua xã Hồng Thủy, xã Cam Liên, huyện Lệ Thủy). Các tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 12 C, 12A, 9C, 9B… còn một vài đoạn bị chia cắt, chủ yếu do sạt lở.

Hiện tại các khu vực bị ngập lụt tại huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, thị xã Ba Đồn nước đang xuống nhanh; chỉ còn khoảng 35.000 ngôi nhà còn bị ngập nước. Tuy nhiên, đến trưa 22/10, tại tỉnh Quảng Bình vẫn còn trên 140 thôn, bản bị chia cắt cô lập, trong đó khu vực biên giới có 52 thôn, bản bị chia cắt.

Chú thích ảnh
Người dân thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh đang phải dùng nước lũ để sinh hoạt. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Tính từ khi trận lũ lụt được coi là "đại hồng thủy" này xuất hiện, đến nay tại Quảng Bình đã có 8 người chết, 44 người bị thương. Thiệt hại về tài sản hiện chưa được thống kê.

Ngày 22/10, vùng lũ Hà Tĩnh cũng đã ngớt mưa nhưng theo thống kê sơ bộ từ ngành giáo dục tỉnh, đến nay còn khoảng 50 trường đang bị ngập, chủ yếu ở các xã Tân Lâm Hương, Thạch Thắng, Thạch Đài, Tượng Sơn (huyện Thạch Hà); các xã Cẩm Quan, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Quang, Cẩm Thành... (huyện Cẩm Xuyên) và ở các phường Nam Hà, Hà Huy Tập, Đại Nài... (TP Hà Tĩnh). Đến thời điểm hiện tại các trường đang chạy đua với thời gian, nước rút đến đâu vệ sinh trường lớp đến đó để sớm ổn định việc tổ chức dạy và học.

Chú thích ảnh
Lực lượng công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, giúp giáo viên phơi sách vở học tập. Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN

Thiết thực hướng đến đồng bào miền Trung

Tại Sơn La, ngay sau khi Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La phát động chương trình “1.000 bánh chưng ủng hộ miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, thiên tai”, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức và cá nhân trong toàn tỉnh quan tâm, hưởng ứng, ủng hộ với nhiều hình thức như tiền mặt, nhu yếu phẩm và các nguyên vật liệu để làm bánh chưng.

Bà Cầm Thị Chuyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La cho biết: Đây là chương trình kêu gọi được sự ủng hộ một cách nhanh nhất của nhiều tổ chức, cá nhân. Hiện nay, Hội đã tiếp nhận nguyên vật liệu để làm được khoảng 2.200 chiếc bánh chưng. Những hàng hóa, nhu yếu phẩm như quần áo, bánh chưng sẽ được Hội lái xe 26 Sơn La vận chuyển đến nhân dân vùng lũ miền Trung vào ngày 23 - 24/10, kịp thời chia sẻ, động viên người dân nơi đây qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Chú thích ảnh
Nhân dân tỉnh Sơn La tham gia chương trình“1.000 bánh chưng ủng hộ miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, thiên tai”. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Ngày 22/10, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai tổ chức phát động quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung đang “gồng mình” chống chọi với thiên tai. Trong buổi phát động, đã có hơn 2,5 tỷ đồng được quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận số tiền này và chuyển đến đồng bào các địa phương để giúp họ khắc phục thiệt hại trong thời gian nhanh nhất.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2619 ngày 21/10/2020 về việc thành lập đoàn công tác đi ủng hộ tại các tỉnh miền Trung, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Đoàn có 12 thành viên, do đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc làm Trưởng Đoàn. Đoàn công tác khởi hành vào sáng 22/10, tổ chức trao số tiền ủng hộ 2,5 tỷ đồng. Trong đó, tặng riêng huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt 1 tỷ đồng. Tại các tỉnh còn lại, Đoàn công tác tỉnh trao tặng mỗi địa phương 2 tỷ đồng.

Tại Quyết định 1629/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp trang thiết bị (xuồng cao tốc, nhà bạt cứu sinh, phao cứu sinh, bè nhẹ cứu sinh, bộ máy phát điện) từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh để khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ.

Sáng 22/10, ông Hà Văn Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện tại, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận được gần 6 tỷ đồng từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời chuyển vào hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung sớm khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Trước đó, để kịp thời chia sẻ những khó khăn, hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ, tỉnh Thanh Hóa đã ủng hộ Quảng Nam 1 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 500 triệu đồng, Quảng Bình và Quảng Trị, mỗi tỉnh 300 triệu đồng...

Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đoàn công tác đến các tỉnh miền Trung để hỗ trợ tiền, hàng hóa, cùng các nhu yếu phẩm như: Lương thực, thực phẩm, thuốc men, thiết bị y tế….

Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức gói hàng nghìn chiếc bánh chưng gửi đến đồng bào miền Trung đang chịu nhiều thiệt hại của thiên tai.

Chú thích ảnh
Các đoàn cứu trợ tập trung đưa những mặt hàng thiết yếu đến vùng bị nước lũ cô lập ở các xã của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Theo Hội Chữ thập đỏ thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, trong khoảng một tuần qua, đã có 25 chuyến xe thiện nguyện chở theo nhu yếu phẩm, hàng hóa cần thiết lên đường cứu trợ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, sau khi phát động Chương trình quyên góp ủng hộ miền Trung, đơn vị này đã nhận được gần 200 triệu đồng tiền mặt do các địa phương, đơn vị đến trao trực tiếp, số tiền quyên góp trong tài khoản đang được thống kê.

Trong khi đó, chương trình “Tuổi trẻ Lâm Đồng góp nắng gửi đến miền Trung” do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng phát động đã nhận được nhiều sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức. Đến ngày 22/10, tổng số tiền quyên góp được gần 200 triệu đồng, hơn 15.000 bánh tét, bánh chưng, hơn 5.000 thùng mì gói, gần 1.300 thùng sữa, hơn 30 tấn quần áo, chăn ấm và nhu yếu phẩm cần thiết.

Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng Trần Thị Chúc Quỳnh, dự kiến ngày 24/10, các chuyến xe yêu thương của Đoàn thanh niên sẽ lăn bánh đi cứu trợ bà con các tỉnh miền Trung. Hiện tại, Đoàn thanh niên vẫn tiếp nhận đóng góp của các nhà hảo tâm để các chuyến xe cứu trợ được nối tiếp dài mãi.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ người dân bị thiên tai. Theo đó, để công tác vận động quyên góp và hỗ trợ đúng quy định và thiết thực, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Chủ động ứng phó với bão số 8

Chú thích ảnh
Đường đi của bão số 8. Ảnh: nchmf.gov.vn

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, sáng 22/10, bão số 8 mạnh cấp 10, giật cấp 13, bão có sự tăng cấp nhanh nhưng có khả năng suy yếu khi vào gần bờ sau khi đi qua quần đảo Hoàng Sa.

Ông Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh: Bão số 8 vẫn là cơn bão phức tạp, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến của bão, tuy bão số 8 sẽ không gây mưa lớn như các cơn bão vừa qua (bão số 6, số 7) nhưng sẽ gây gió mạnh kèm dông, lốc trên các vùng biển rất nguy hiểm đối với tàu, thuyền, các hoạt động nuôi trồng thủy sản ven bờ. Đây là gió hoàn lưu sau bão và hoạt động mạnh của gió mùa Đông Bắc.

Từ ngày 22 - 23/10, nhiều khu vực giảm mưa hoặc hầu như không mưa, một số khu vực có nắng. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng mưa do hoàn lưu sau bão số 8 trong 3 - 4 ngày tới (từ ngày 24 - 26/10) tại khu vực miền Trung.

"Hiện tại, ngoài xa ở phía Đông Philippines đang hình thành một nhiễu động trên nền dải hội tụ nhiệt đới và có thể phát triển thành áp thấp nhiệt đới, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đang theo dõi chặt chẽ và sẽ thông tin khi có dấu hiệu hình thành áp thấp nhiệt đới và đi vào Biển Đông", ông Lâm lưu ý.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng Phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết, tính đến 6 giờ ngày 22/10, lực lượng biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 tàu với 289.299 lao động biết về diễn biến của bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm, trong đó, hoạt động ở khu vực Hoàng Sa có 19 phương tiện với 187 lao động.

Trước diễn biến phức tạp của bão, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), yêu cầu các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Công điện số 29 /CĐ-TWPCTT ngày 19/10 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Công điện số 30/CĐ-TW ngày 20/10 của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Tiếc thương đưa tiễn 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337

Chú thích ảnh
Lễ viếng và truy điệu 22 liệt sỹ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Sáng 22/10, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, Bộ Tư lệnh Quân khu 4; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân,  UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị cùng thân nhân các liệt sỹ, đã trang trọng tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu và tiễn đưa 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ ngày 18/10/2020 tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi vòng hoa viếng.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu đoàn đại biểu vào viếng các liệt sỹ. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Dự lễ viếng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình xúc động ghi vào sổ tang: “Vô cùng thương tiếc 22 đồng chí đã hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai ngày 18/10/2020. Đây là sự hy sinh to lớn để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân cả nước, đồng thời là nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp được của gia đình và người thân các đồng chí đã hy sinh.

Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận công lao, sự hy sinh to lớn của 22 đồng chí, những cán bộ, chiến sĩ quả cảm, sẵn sàng đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới để thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Tinh thần dũng cảm, sự hy sinh dũng cảm của các đồng chí đã góp phần tô thắm phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội cụ Hồ” và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Thay mặt Chính phủ xin gửi đến gia đình, người thân của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất, mong các gia đình, người thân hãy nén đau thương, mất mát, sớm vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các đồng chí!”.

Nhóm PV TTXVN - Hà Phương (tổng hợp)