10:22 13/10/2020

Tình hình mưa lũ ngày 13/10: Vẫn chưa tìm thấy 30 người mất tích trong vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3

Ngày 13/10, các địa phương miền Trung tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, đặc biệt là vụ sạt lở tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) khiến 30 người mất tích.

Tập trung tìm kiếm 30 người mất tích theo ba hướng mục tiêu

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng trên đường vào khu vực sạt lở của Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Liên quan đến vụ sạt lở tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, tối 13/10, tại Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã họp với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quân khu 4 về triển khai các kế hoạch tiếp theo để sớm tiếp cận hiện trường.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương sẽ xây dựng phương án chặt chẽ để tìm kiếm 30 người mất tích; cử các lực lượng tinh nhuệ kết hợp với người dân thông thạo địa hình để tiếp cận hiện trường; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt đối với lực lượng tham gia tìm kiếm, hướng tới 3 mục tiêu là: khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 và Thủy điện A Lin B2; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng cơ động đến những vị trí đã được khai thông.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện nay, phần lớn công nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3 đã đi được về khu vực Thủy điện Rào Trăng 4 cách đó khoảng 10 km. Tối 13/10, lực lượng chức năng đưa đã  đưa 5 người bị thương về cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Điền, thị xã Hương Trà.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, do điều kiện thời tiết ở khu vực tìm kiếm có sương mù dày đặc, tối 13/10, lực lượng tham gia tìm kiếm sẽ tạm thời triển khai nhiệm vụ để đảm bảo an toàn.

Hiện nay, theo thống kê, 30 người gồm công nhân thi công Thủy điện Rào Trăng 3 cùng Đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quân khu 4 vào tiếp cận hiện trường chiều 12/10 đang bị mất tích. Đường đi từ Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 về Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 bị sạt lở nghiêm trọng, muốn tiếp cận phải bằng đường thủy nhưng nước chảy xiết. Hai Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 đều đang trong quá trình xây dựng.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo thực địa công tác tìm kiếm 30 người mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: TTXVN

Để đốc thúc công tác hỗ trợ, cứu nạn những người đang mất tích do sạt lở tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, ngay trong chiều 13/10, Đoàn công tác Trung ương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế).

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã gửi lời chia sẻ sâu sắc đối với mất mát, đau buồn, lo âu của những gia đình có người đang mất tích và chỉ đạo các lực lượng bằng mọi nguồn lực và phương tiện tìm cách tiếp cận, hỗ trợ cứu nạn những người đang mất tích.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tối đa cho Thừa - Huế, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là sớm tiếp cận hiện trường để tìm kiếm và sẵn sàng cứu chữa cho người bị thương. Bộ Quốc phòng cũng đã chuẩn bị 2 máy bay trực thăng để thực hiện nhiệm vụ trinh sát ngoài hiện trường. Hiện nay, cơn bão số 7 đang tiến vào đất liền có thể gây mưa lớn nên địa phương cần hết sức cảnh giác và đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ.

Chú thích ảnh
Nhiều tuyến đường tại thành phố Huế bị ngập từ 0,3 - 1m. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Để tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt và chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã ra thông báo tạm hoãn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 (trước đó, dự kiến tổ chức từ ngày 15 - 17/10/2020).

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa lũ đã khiến 6 người thiệt mạng; 84.963 nhà bị ngập lụt từ 1 - 2,5 m, một số nơi ngập cao hơn. Hầu hết các tuyến đường tỉnh, đường huyện đã ngập sâu, tắc giao thông, ngành giao thông đã rào chắn hạn chế đi lại. Hơn 332 ha hoa màu, 150 ha sắn, 1 ha cây ăn quả, 10 ha đất trồng hoa và 10.000 chậu hoa các loại bị hư hại…

Những ngày qua, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động lực lượng với hàng ngàn người, hàng chục phương tiện phục vụ công tác ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn cho người dân, tìm kiếm người bị mất tích, khắc phục khẩn cấp các thiệt hại.

Các địa phương nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ

Chú thích ảnh
Ngập lụt ở Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Tại Quảng Trị, mưa lũ đã làm 8 người chết, 5 người mất tích và 3 người bị thương. Toàn tỉnh có gần 41.000 hộ với trên 125.000 người ở hầu khắp các huyện, thị và thành phố bị ảnh hưởng do ngập lụt. Lũ lớn khiến tỉnh phải di dời trên 8.200 hộ với trên 25.000 người ở vùng ngập sâu, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Về nông nghiệp, có gần 800 ha ao hồ nuôi thủy sản, trên 1.200 ha rau màu bị ngập lụt hầu như mất trắng. Hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.

Hiện nay, ngập lụt vẫn diễn ra trên diện rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhất là ở vùng “rốn lũ” hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng nằm dọc theo sông Thạch Hãn và sông Ô Lâu. Chính quyền địa phương cùng các tổ chức, cá nhân tập trung cứu trợ người dân ở những địa bàn bị cô lập, trong đó ưu tiên cho công tác di dời, cấp phát mì ăn liền và nước uống đóng chai.

Công tác khắc phục sạt lở trên nhiều tuyến đường ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa cũng được thực hiện với tinh thần khẩn trương nhất. Mưa lớn những ngày qua khiến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn quan huyện miền núi Đakrông bị sạt lở tại Km252, Km255, Km267, Km273.

Chú thích ảnh
Điểm sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 9 đoạn qua huyện Đakrông, Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Đặc biệt, tuyến đường Quốc lộ 9 bị sạt lở, sụt lún nhiều vị trí, trong đó nghiêm trọng nhất là tại Km50+150 bị sạt lở với khối lượng đất đá lớn, gây tắc giao thông từ thành phố Đông Hà đi các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Lực lượng chức năng đã huy động nhiều phương tiện để khắc phục sạt lở trong thời gian sớm nhất, đồng thời ứng trực 24/24 giờ, cảnh báo người và phương tiện không qua lại để đảm bảo an toàn…

Tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, cơn mưa lớn kéo dài từ tối 10/10 đến sáng 12/10 khiến đất đá trên đồi cao khu vực Dốc đèo dài 5 cây thuộc tuyến đường Sao Bọng - Đăng Hà (nối Bình Phước với Lâm Đồng) bị sạt lở nghiêm trọng. Đất, đá, cây từ trên đồi đổ xuống, trôi thẳng xuống lòng đường gây ách tắc giao thông kéo dài khoảng 5 km.

Chú thích ảnh
Khu vực Dốc đèo dài 5 cây, mặt đường bị sụt lún sâu gần 40cm, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN

Đến ngày 12/10, trên tuyến đường này, đoạn Km18+400, đã xuất hiện vết rạn nứt, bề mặt một phần đường sụt xuống khoảng 36 cm với chiều dài khoảng 80m.

Ông Vũ Phú Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng), cho biết: Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại, chính quyền xã thống nhất phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Bình Phước tham mưu với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo các ngành có liên quan lập hai chốt ở hai đầu đoạn đường gãy, trực suốt ngày đêm, đồng thời làm rào chắn, cắm biển báo cấm các phương tiện có trọng tải 3,5 tấn trở lên lưu thông.

Theo thống kê Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão tỉnh Kon Tum, mưa lũ trong nhiều ngày qua đã làm sạt lở và gây ách tắc nhiều tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ, gây khó khăn cho người dân trong việc lưu thông.

Trước tình hình đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường điều động máy móc, nhân lực tổ chức khắc phục. Đến chiều 13/10, các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ đã cơ bản thông xe, việc đi lại bình thường. Hiện tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh còn bị ách tắc, đang được Công ty Cổ phần Xây dựng và quản lý công trình giao thông Kon Tum (đơn vị được giao quản lý) huy động máy móc, nhân công tập trung xử lý đất đá tràn mặt đường để sớm thông xe.

Chú thích ảnh
Công nhân Công ty Điện lực Kon Tum vượt qua các khu vực khó khăn để xử lý các vị trí cây ngã đổ vào đường dây. Ảnh: TTXVN phát

Trong khi đó, do mưa to, gió lớn, một số cây to đã gãy đổ vào đường dây điện khiến gián đoạn việc cung cấp điện tại thành phố Kon Tum và các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, thiệt hại trên 200 triệu đồng. Công ty Điện lực Kon Tum đã chỉ đạo điện lực các địa phương nhanh chóng xử lý các vị trí cây ngã đổ, sớm nối lại dòng điện cho người dân.

Ngay trong ngày 12/10, các vị trí ảnh hưởng tại thành phố Kon Tum, huyện Tu Mơ Rông, huyện Đăk Hà đã được xử lý, nối điện trở lại. Riêng các địa điểm tại huyện Kon Plông, do điều kiện di chuyển khó khăn, các vị trí cây ngã đổ ở xa trung tâm nên công tác khắc phục diễn ra chậm.
Đối với hai trường hợp tử vong tại huyện Đăk Glei và huyện Tu Mơ Rông, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng cơ quan chức năng tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân…

Phó Chủ tịch nước thăm hỏi, tặng quà người dân vùng lũ Quảng Bình

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao quà hỗ trợ Trường Mầm non Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, đam bảo an toàn để đón học sinh trở lại trường. Ảnh: Võ Dung/TTXVN

Chiều 13/10, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng Đoàn công tác Trung ương và tỉnh Quảng Bình đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của mưa lũ tại hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Tại huyện Quảng Ninh, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ với những khó khăn và thiệt hại mà mưa lũ đã gây ra cho nhân dân trên địa bàn huyện. Tại đây, Phó Chủ tịch nước trao hỗ trợ xã miền núi Trường Sơn 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ; đồng thời, tặng 60 suất quà (gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm…) cho các gia đình chính sách, hộ nghèo và trẻ em nghèo của 15 xã, thị trấn trong huyện.
 
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng Đoàn công tác đã đến thăm người dân vùng lũ huyện Lệ Thủy. Tại đây, Phó Chủ tịch nước động viên bà con bị ảnh hưởng do mưa lũ cố gắng vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Phó Chủ tịch nước lưu ý chính quyền và người dân không nên chủ quan, cần tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình thời tiết để chủ động, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó trên tinh thần “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng Đoàn công tác đã trao tặng, hỗ trợ cho các xã Liên Thủy và An Thủy (là những địa phương bị ngập lụt, thiệt hại nặng của huyện Lệ Thủy), mỗi xã 100 triệu đồng; trao tặng 50 suất quà (mỗi suất gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm khác) cho bà con xã Liên Thủy bị ảnh hưởng do thiên tai; trao 30 triệu đồng cho Trường Mầm non Liên Thủy, để sớm khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Chủ động ứng phó với bão số 7 giật cấp 12

Chú thích ảnh
Sơ đồ đường đi của bão số 7. Ảnh: KTVN

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai liên quan đến các vấn đề ứng phó với bão số 7 và tình hình mưa, lũ tại khu vực miền Trung ngày 13/10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định: Bão số 7, giật cấp 12 sẽ đi vào đất liền vào trưa và chiều 14/10. Bão sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng tới đất liền các tỉnh phía Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đêm 13/10, Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7 sau tăng lên cấp 8, vùng tâm bão sẽ mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Bão số 7 và hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn từ ngày 14 - 16/10, mưa to đến rất to có nơi trên 400mm, trọng tâm là khu vực Nam Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Đồng bằng Bắc Bộ đến hết ngày 16/10".

Theo ông Mai Văn Khiêm, mưa lớn khiến các sông ở khu vực Bắc Bộ lũ lên mức báo động 2-báo động 3 ở 1 vài nơi. Ngoài khơi Vịnh Bắc bộ gần khu vực bão có thể lên tới 6m, bão vào rất dễ kết hợp với triều cường gây ra những nguy cơ ngập lụt rất lớn ở khu vực phía Bắc.

Miền Bắc và miền Trung đang trong tình thế cực kỳ nguy hiểm, tại cuộc họp, đại diện Bộ đội Biên phòng và Văn phòng Ủy ban Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiến cứu nạn cho biết, đã kêu gọi các phương tiện di chuyển vào nơi an toàn, kiên quyết di dời người dân trên các lồng bè vào nơi tránh trú. Đồng thời, vận chuyển 18,5 tấn nương khô vào khu vực miền Trung để cứu đói cho người dân vùng ngập lụt, cử đoàn công tác vào khu vực thủy điện Phong Điền để ứng phó, khắc phục tình trạng sạt lở tại khu vực này.

Phát biểu Chỉ đạo cuộc họp, ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Bão di chuyển rất nhanh, dự báo ngày 14/10 sẽ ảnh hưởng vào đất liền nước ta, mưa lũ đang diễn biến phức tạp, nhiều khu vực ngập sâu, xuất hiện sạt lở ở khu vực miền núi.

Đề nghị tất cả các bộ ngành, địa phương triển khai nghiêm túc theo công điện của Thủ tướng chỉ đạo. Đồng thời, đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển, nơi neo đậu, theo dõi chặt chẽ tin bão và hướng dẫn để người dân di chuyển tàu thuyền vào nơi an toàn. Rà soát, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, cảng vụ hướng dẫn để người dân neo đậu, tránh trú an toàn nhất là ở các cửa sông. Quan tâm, chỉ đạo, đảm bảo an toàn trên các lồng bè, chòi canh vì nhiều nơi vẫn còn chủ quan, không chịu di dời vào nơi an toàn. Tiếp tục chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh. Di dời người dân ở những nơi xung yếu, nhà cửa yếu, thấp trũng…

Chú thích ảnh
Lực lượng đồn biên phòng Sầm Sơn (Thanh Hóa) tuyên truyền, thông báo cho các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương vào nơi tránh, tú bão an toàn. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Để chủ động ứng phó với diễn biến bão số 7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7 tăng cường thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Các địa phương tích cực theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện cũng như sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Hiện tại tỉnh Thanh Hóa có 610 hồ đập lớn nhỏ nhưng việc kiểm tra cho thấy, có tới 78 hồ chứa không đảm bảo an toàn. UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương sẵn sàng triển khai các phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt là tại các trọng điểm xung yếu về đê điều, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các công trình đang thi công dở dang

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 12 giờ ngày 13/10, Thanh Hóa đã kêu gọi 6.745 phương tiện với 24.535 lao động vào các nơi tránh trú bão an toàn; còn 466 phương tiện với 2.081 lao động đang hoạt động ở các vùng biển khác cũng đã nhận được thông tin về cơn bão và đang tìm về nơi tránh trú bão cũng như thường xuyên giữ liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương.

Tương tự, tỉnh Nghệ An cũng đang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống bão số 7 có nguy cơ đổ bộ vào địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Tàu cá vào bờ trú bão tại phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương và người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin cho các thuê bao vùng bị ngập lũ, các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng tránh. Hiện tại các cơ quan cứu hộ, cứu nạn của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cũng đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Theo báo cáo, Nghệ An có 3.485 phương tiện với 17.473 lao động đánh bắt hải sản trên biển. Đến chiều 13/10, có 120 phương tiện với 366 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển; 2 phương tiện với 12 lao động hoạt động ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ; có 26 phương tiện với 150 lao động đã vào tránh trú bão ở các tỉnh; 3.337 phương tiện với 16.945 lao động đang neo đậu tại bến.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu tranh thủ thu hạch rau màu chạy bão số 7 đổ bộ. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Toàn tỉnh có 19 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác, trong số đó có 8 hồ chứa đang vận hành theo quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả (sông Lam) và các hồ còn lại theo quy trình đơn hồ. Tất cả đã được phê duyệt các phương án phòng chống thiên tai và an toàn đập…

Tại tỉnh Hà Nam, để chủ động đối phó với bão số 7 và mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa còn lại, tránh để bị ngập đổ, hư hỏng do mưa úng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam, Công ty Cổ phần môi trường và công trình đô thị Hà Nam chủ động tiêu rút nước đệm, sẵn sàng tiêu úng hiệu quả cho diện tích trồng cây vụ đông, đồng thời xây dựng kế hoạch bơm tiêu úng cụ thể, chi tiết cho các Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu Công nghiệp Đồng Văn, vùng trũng, vùng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu trong trường hợp mưa lớn kéo dài.

Công ty Điện lực Hà Nam đảm bảo nguồn điện phục vụ cho bơm tiêu úng và thông tin liên lạc. Các cơ quan tuyên truyền bố trí thời lượng đưa tin về bão số 7 để nhân dân trong tỉnh biết, chủ động ứng phó… Các cơ quan, đơn vị cần theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, bão; thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực, trực ban, tuần tra canh gác, chủ động có biện pháp ứng phó với diễn biến của bão.

Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 14 - 16/10 ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.  
TTXVN - Hà Phương (tổng hợp)