10:23 04/10/2021

Tình hình COVID-19 ngày 4/10: Toàn quốc thêm 5.383 ca nhiễm mới; Đề xuất chuyển bệnh nhân tại BV Việt Đức đến 3 viện khác

Ngày 4/10, dư luận quan tâm một số thông tin về dịch COVID-19 trong nước: Ghi nhận 5.383 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 6.144 ca nặng đang điều trị; Chùm lây nhiễm tại Bệnh viện Việt Đức thêm các ca dương tính; 17 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị công nhận kiểm soát được dịch; TP Hồ Chí Minh chấp thuận khôi phục lại 18 chặng bay nội địa đi các tỉnh, thành phố...

Ghi nhận 5.383 ca nhiễm mới SARS-CoV-2

Tính từ 17 giờ ngày 3/10 đến 17 giờ ngày 4/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.383 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; cả nước có 6.144 ca nặng đang điều trị.

Chú thích ảnh

Trong số các ca nhiễm mới có 1 ca nhập cảnh và 5.382 ca ghi nhận trong nước (tăng 15 ca so với ngày trước đó) tại 37 tỉnh, thành phố (có 2.690 ca trong cộng đồng). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 6.835 ca/ngày.

Kể từ đầu vụ dịch đến nay, Việt Nam có 813.961 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.269 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 809.375 ca, trong đó có 716.301 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 4/10, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 27.683 ca.Tổng số ca được điều trị khỏi là 721.480 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.144 ca.

Trong ngày, cả nước ghi nhận 130 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (93 ca), Bình Dương (20 ca), Long An (5 ca), Đồng Nai (5 ca), An Giang (3 ca), Cà Mau (1 ca), Vĩnh Long (1 ca), Đà Nẵng (1 ca), Tiền Giang (1 ca). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 149 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.845 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thêm ca dương tính thuộc chùm ca bệnh tại BV Việt Đức

Trong ngày 4/10, chùm ca bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ghi nhận thêm các ca nhiễm mới SARS-CoV-2; nâng tổng số ca nhiễm tại liên quan bệnh viện này lên 41 ca, trong đó tại Hà Nội lên 33 ca.

 

Chú thích ảnh

Như vậy, tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 4.010 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1603 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2407 caĐ

Bệnh viện Việt Đức đề nghị chuyển bệnh nhân sang 3 bệnh viện của trung ương và Hà Nội

Ngày 4/10, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cùng lãnh đạo Sở Y tế thành phố Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), quận Hoàn Kiếm đã tiếp tục làm việc với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về công tác phòng, chống dịch của Bệnh viện.

Chú thích ảnh
Phong tỏa tạm thời tòa nhà D của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện còn 1.054 bệnh nhân, 1.018 người nhà, hơn 1.000 nhân viên y tế đang có mặt trong khuôn viên bệnh viện. Đến nay tất cả những trường hợp này đã lấy mẫu xét nghiệm 2 lần.

Để giải toả và làm sạch bệnh viện, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã liên hệ với Bệnh viện đại học Y Hà Nội để chuyển bệnh nhân đến điều trị tiếp tục, dự kiến khoảng 200 người gồm cả bệnh nhân và người nhà; chuyển Bệnh viện Thanh Nhàn dự kiến 450 người; chuyển Bệnh viện Đức Giang 350 người.

Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng thông tin trong ngày 5/10, Bệnh viện sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lấy mẫu xét nghiệm lần 3. Do đó, Bệnh viện đề xuất, đối với trường hợp nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 hai mũi vaccine và 3 lần xét nghiệm âm tính trong 7 ngày, Bệnh viện sẽ bàn bạc với địa phương để có phương án xử lý phù hợp.

Riêng nhân viên y tế và người bệnh ở tầng 7, tầng 8 thực hiện nghiêm ngặt phong toả. Cơm, thực phẩm và nhu yếu phẩm được bộ phận chuyên môn mặc đồ bảo hộ vận chuyển lên tận nơi, để ở bàn đã chuẩn bị sẵn. Khi bộ phận này di chuyển thì những trường hợp đang cách ly tại 2 tầng này mới được ra lấy đồ.

Tại buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đã trực tiếp trao đổi qua điện thoại với Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về việc hỗ trợ nhận người bệnh và người nhà của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về tiếp tục điều trị. Lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã đồng ý.

Riêng với 2 bệnh viện của Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội cho biết, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đức Giang đều nhất trí hỗ trợ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Tối 4/10, một số bệnh nhân đang điều trị tại BV Việt Đức được chuyển sang Bệnh viện Thanh Nhàn đề tiếp tục điều trị.

Công an Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19

Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Thủ đô đang được kiểm soát khá tốt. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn rất cao. Dù vậy, nhiều người dân Hà Nội đã có biểu hiện chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch tại nơi công cộng, nhất là không thực hiện 5K.

Chú thích ảnh
Tổ công tác Y12/141 làm nhiệm vụ tại đường Thanh Niên. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Chiều 4/10, Công an thành phố Hà Nội cho biết, lực lượng công an tiếp tục duy trì kiểm tra chặt việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người dân và các phương tiện đi lại trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Qua công tác tuần tra, kiểm soát, ngày 4/10, lực lượng chức năng phát hiện 248 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh việc xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng đã tạm giữ 11 phương tiện, 39 giấy tờ, tước 7 Giấy phép lái xe; kiểm tra, phát hiện 23 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Các Tổ công tác 141 của Công an thành phố tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, hoạt động khép kín các khung giờ, tại tất cả “điểm nóng” về an ninh trật tự. Qua đó, các Tổ công tác 141 đã phát hiện, xử lý 39 trường hợp vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, đường sắt; tạm giữ 10 phương tiện, 9 giấy tờ, phạt tại chỗ 21 trường hợp. Tổ công tác còn phát hiện, bàn giao 2 vụ, 2 đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự cho đơn vị chức năng tiếp tục xác minh, xử lý.

17 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị công nhận kiểm soát được dịch

Chiều 4/10, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng,chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, đã có 17 quận, huyện và thành phố Thủ Đức có báo cáo đề nghị công nhận kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân phấn khởi khi được đi siêu thị mua sắm sau một thời gian dài "ai ở đâu ở yên đó".

Thông tin về việc kiểm soát dịch tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải cho biết, tính đến ngày 3/10, có 17 địa phương có báo cáo và đề nghị công nhận đã kiểm soát được dịch bệnh là thành phố Thủ Đức, Quận 1, 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình, huyện Nhà Bè, Cần Giờ và Củ Chi.

Năm quận, huyện còn lại, trong đó có 3 quận, huyện chưa có báo cáo thẩm tra, thẩm định của đoàn kiểm tra là Quận 4, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn; 2 đơn vị chưa được công nhận kiểm soát dịch gồm quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Ông Phạm Đức Hải cũng cho biết, trong 3 ngày qua đã có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị về nguồn nhân lực, máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất để chuẩn bị tiếp tục hoạt động. Nhiều quận, huyện đang làm việc với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để nắm thực trạng, tạo điều kiện cho các đơn vị này nhanh chóng trở lại sản xuất; đồng thời có thêm nhiều doanh nghiệp mới được hoạt động.

TP Hồ Chí Minh chấp thuận khôi phục lại 18 chặng bay nội địa đi các tỉnh, thành phố

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản khẩn gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị mở lại một số chuyến bay giữa TP Hồ Chí Minh với Hà Nội ngay trong tuần này. Sau khi tiếp nhận thông tin trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn phản hồi thống nhất với kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ mà Cục Hàng không xây dựng.

Theo đó, Cục Hàng không đã lên kế hoạch khôi phục 18 chặng bay đến sân bay Tân Sơn Nhất với tổng số 132 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày; trong đó, chặng TP Hồ Chí Minh - Hà Nội sẽ có 28 chuyến mỗi ngày, chặng TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng có 14 chuyến mỗi ngày... Thời gian triển khai bắt đầu từ 5/10.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, tần suất khai thác các chuyến bay đi/đến TP Hồ Chí Minh sẽ được triển khai theo lộ trình 4 giai đoạn mà Bộ Giao thông Vận tải đã nêu tại Quyết định 1740 ban hành ngày 30/9. Theo đó, ở giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày đầu), tần suất trên từng đường bay của các hãng không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu của tháng 4/2021; hành khách phải ngồi giãn cách trên máy bay.

Trong văn bản phản hồi, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị Cục Hàng không cho tổ chức một số chuyến bay khứ hồi trong tuần đối với chặng bay từ TP Hồ Chí Minh - Hà Nội để giải quyết một phần nhu cầu đi lại cấp thiết giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Sở dĩ UBND TP Hồ Chí Minh đưa ra đề nghị trên là trong hoàn cảnh UBND TP Hà Nội thống nhất quan điểm chưa mở lại đường bay với các tỉnh do lo sợ dịch bệnh xâm nhập. Tính đến nay, đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 2 tháng không có chuyến bay chở khách thường lệ. 

Trong quá trình khôi phục các đường bay, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu sân bay Tân Sơn Nhất phải đảm bảo các điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn; đồng thời hành khách tham gia hoạt động hàng không cũng phải tuân thủ theo Chỉ thị 18 mà UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành.

PV/Báo Tin tức