06:18 05/06/2014

Tình hình Biển Đông sẽ được bàn thảo tại SOM ASEAN

Vấn đề Biển Đông và tình hình căng thẳng hiện nay ở khu vực sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị SOM ASEAN, SOM ASEAN +3 (diễn ta từ 6-10/6 tại Myanmar)”, ông Lê Hải Bình, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định tại cuộc họp báo quốc tế chiều nay về tình hình Biển Đông.

“Vấn đề Biển Đông và tình hình căng thẳng hiện nay ở khu vực sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị SOM ASEAN, SOM ASEAN +3 (diễn ta từ 6-10/6 tại Myanmar)”, ông Lê Hải Bình, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định tại cuộc họp báo quốc tế chiều nay, 5/6, về tình hình Biển Đông.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (đứng) tại cuộc họp báo chiều 5/6. Ảnh: Thu Hằng


Từ 6- 10/6 sẽ diễn ra hội nghị SOM ASEAN, SOM ASEAN +3. Tình hình Biển Đông liệu có được đưa ra hội nghị lần này và nếu có thì sẽ được đưa ra như thế nào, thưa ông?


Ông Lê Hải Bình: Từ 6-10/6, tại Myanmar sẽ diễn ra hội nghị các quan chức cấp cao (SOM ASEAN) và các hội nghị liên quan; trong đó có các hội nghị SOM ASEAN + 3 (ASEAN + Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), hội nghị SOM chuẩn bị cho hội nghị cấp cao Đông Á, hội nghị chuẩn bị cho hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, hội nghị chuẩn bị cho diễn đàn an ninh khu vực ARF. Tại các cuộc họp này, các quan chức cấp cao của các nước sẽ kiểm điểm việc tiến hành và thực thi lộ trình tiến đến cộng đồng ASEAN, bàn các biện pháp để xây dựng lòng tin, những biện pháp liên quan đến hoạt động ngoại giao... Đoàn Việt Nam sẽ do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu sẽ tham dự và có đóng góp tích cực tại các hội nghị lần này.


Việc duy trì hòa bình, ổn định an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực là lợi ích, là nghĩa vụ của các nước trong và ngoài khu vực. Tất cả những vấn đề ảnh hưởng đến hòa ình, an ninh, ổn định, an toàn hàng hải ở khu vực đều sẽ được bàn thảo ở các hội nghị của khu vực, trong hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng như hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24. Vấn đề Biển Đông và tình hình căng thẳng hiện nay ở khu vực cũng sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị lần này ở mức độ phù hợp.


Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển Việt Nam, chúng ta đã sử dụng đường dây nóng giữa hai nước nhiều lần, nhiều cấp độ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chưa có động thái nhượng bộ nào. Nhiều chuyên gia của nước ngoài và Việt Nam nhận định rằng, đường dây nóng dường như đã bị “chết”. Ông có bình luận gì về ý kiến này?


Ông Lê Hải Bình: Đường dây nóng chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi cả hai bên đều có thiện chí, đều có mong muốn giải quyết trên cơ sở hòa bình. Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực để đối thoại với phía Trung Quốc nhưng thiện chí chỉ đến từ một phía thì đường dây nóng cũng như mọi nỗ lực không phát huy kết quả.


Huyền Tím- Thu Phương