02:00 10/02/2012

Tình hậu phương

Cũng có giây phút tâm hồn người chiến sỹ xao động, nhưng hậu phương, một điểm tựa vững chắc, như tiếp thêm sức mạnh, giúp họ vượt qua những khó khăn thử thách, thắp sáng mãi lên ngọn lửa niềm tin trung với Đảng, hiếu với dân, tô thắm thêm truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”…

Mùa xuân đã ngập tràn khắp đất trời. Từ đô thị đến làng quê, đi đâu ta cũng bắt gặp những gương mặt hân hoan, những câu chúc mừng một năm mới an khang, thịnh vượng. Mùa xuân này, hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ quê lúa Thái Bình không được sum vầy cùng gia đình. Các anh vẫn ngày đêm chắc tay súng giữ gìn biển trời thiêng liên của Tổ quốc. Cũng có giây phút tâm hồn người chiến sỹ xao động, nhưng hậu phương, một điểm tựa vững chắc, như tiếp thêm sức mạnh, giúp họ vượt qua những khó khăn thử thách, thắp sáng mãi lên ngọn lửa niềm tin trung với Đảng, hiếu với dân, tô thắm thêm truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”…

Nỗi niềm hậu phương

Đã quá 12 giờ đêm rồi mà căn phòng nhỏ đơn sơ của chị Nguyễn Thị Nhung – xã Đông Phong, huyện Tiền Hải vẫn heo sáng ánh đèn. Ngoài trời gió bấc miên man thổi vào lòng người một nỗi buồn da diết. Mà không buồn làm sao được khi chồng chị - thượng úy Đỗ Văn Điệp sỹ quan trẻ đang công tác nơi hải đảo xa xôi đằng đẵng mấy năm trời không về thăm gia đình. Có những lúc cơn sóng khát khao trào lên như muốn nhấn chìm Nhung xuống đáy. Nhưng rồi tình yêu, sự hi sinh cao cả của người lính nơi đảo xa đã cho chị một nghị lực phi thường, một niềm tin mãnh liệt.

Chị Hường chăm sóc mẹ chồng để chồng yên tâm công tác.

Nhung tâm sự: “Tuổi thanh xuân của mình còn đang rất tràn trề, là vợ ai chẳng mong ước được gần gũi chồng. Em rất nhớ chồng nhưng cũng chẳng biết làm sao. Cũng chỉ đến mức độ nào đó thì cũng phải nguôi ngoai đi thôi, tự mình động viên mình vậy thôi. Có những lúc em gọi điện hờn trách anh ấy nhưng cũng chỉ hờn yêu, trách nhớ mà thôi, trách để cho mình hả cơn giận dỗi thôi chứ em biết anh ấy cũng thiệt thòi nhiều lắm…”.

Chiều xuống, sương giăng mờ nhẹ làm cho căn nhà đơn sơ của vợ chồng đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Trung Kiên – hiện đang đóng quân ở đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa như chơi vơi trong tiếng nhạc du xuân xập xình đầu ngõ. Đưa chúng tôi vào phòng khách là mẹ của anh. Ở tuổi 80, lưng mẹ đã còng, gối đã mỏi. Chỉ vào gian nhà phía trong, mẹ bảo: ”Vợ nó đang khóc. Nghe đâu hồi chiều thằng Kiên điện thoại về nói Tết này không về được vì đơn vị đang trực chiến đấu. Rõ khổ, 15 năm lấy nhau là ngần nấy năm vợ chồng nó xa nhau. Thỉnh thoảng về thăm nhưng cũng chỉ là tranh thủ. Có năm, đến 25 Tết rồi mà chồng nó vẫn phải khoác ba lô ra đi. Cái Tết năm ấy cả gia đình đón giao thừa trong lặng lẽ. Cứ tưởng công tác nhiều năm rồi thì sẽ được ưu tiên. Vậy mà Tết này nữa là Tết thứ 3 nó không về nhà các anh ạ!”.

Biết có khách đến thăm, vợ anh Kiên, chị Nguyễn Thị Bích Hường ra tiếp. Miệng cười mà mắt chị đỏ hoe. “Chồng thường xuyên vắng nhà nên em cũng cố để quen. Nhưng các con của em, nhất là thằng bé nó nhớ bố lắm, nó cứ hỏi mẹ rằng bao giờ bố về? Em bảo cháu là tết này nữa bố không về mà nó chẳng tin. Những lúc bố gọi điện về nghe hai bố con nói chuyện mà thấy thương con và thương anh ấy vô cùng”, chị Hường tâm sự.

Tình yêu đã gắn kết Nguyễn Thị Mơ – thôn Tây Thượng Liệt, xã Đông Hải, huyện Đông Hưng với chàng sỹ quan Hải quân lãng tử phong trần. Rồi tình yêu đã cho họ một gia đình hạnh phúc với những đứa con đẹp như tranh. Biết lấy chồng lính đảo là phải xa cách, nhưng Mơ không nghĩ rằng nó lại xa cách đến thế. Mặc dù khoảng cách ấy đã được chị và chàng sỹ quan Bùi Văn Mạnh đảo Len Đao lấp đầy bằng nỗi nhớ thương khắc khoải và những cuộc điện thoại dài như bất tận… nhưng, xa vẫn hoàn xa. Thiếu vắng bóng anh gia đình như chênh chênh trong gió rét.

Chị Mơ bảo, cưới nhau tính đến nay cũng được 8 năm, nhưng thời gian anh được sum họp cùng gia đình cũng chỉ vỏn vẹn khoảng 6 tháng. Nếu thuận lợi thì một năm anh ấy về thăm mẹ con tôi một lần, còn Tết thì chủ yếu gặp nhau qua điện thoại. Duy nhất một cái Tết anh ấy được về là năm chúng tôi mới cưới nhau…”. Ngước nhìn tấm ảnh cưới, chị cười rồi nói với tôi: “Lấy chồng bộ độ nói chung là phải dũng cảm, phải chấp nhận khó khăn, vất vả, nhưng bù lại tôi luôn nhận được ở anh tình yêu thương, lòng thủy chung mà không phải cô gái nào cũng có được”. Chị Mơ khẳng định: “Nếu được lựa chọn lại tôi vẫn lấy chồng bộ đội”.

Những ngày Tết về, trong khi mọi người tấp nập chuẩn bị đón chào năm mới, thì chị Nguyễn Thị Duyên ở Trạm Y tế xã Quang Bình, Kiến Xương lại tất bật với chuyên môn nghiệp vụ của mình. Lén lau giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má, chị tâm sự: Ngày ngày chị cố tìm quên hình bóng của anh trong công việc gia đình và công việc ở trạm. Còn khi đêm đến, nỗi nhớ anh cứ cồn cào khắc khoải thôi thúc trong tâm can của người vợ trẻ. Chị bảo, xa chồng, phải cố gắng lắm em mới vượt lên được chính mình.

Cùng thắp sáng niềm tin

Khi tôi đến thăm gia đình thượng úy Phan Tuấn Dũng – bộ đội rađa Hải quân đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa đúng lúc vợ anh - chị Trịnh Thu Hà gọi điện hỏi thăm. Chút mặn mòi của biển cả theo sóng vô tuyến gửi tới vợ con những lời yêu thương da diết. Vị bánh chưng xanh quê nhà quyện cùng nỗi lắng sâu của người vợ thảo hiền thủy chung cũng theo cánh sóng gửi tới người lính đảo xa vị ngọt quê hương. Cuộc sống của người lính đơn giản là thế. Chỉ một lời động viên, chỉ một câu thề hẹn họ đã cùng nhau xây đắp nên một gia đình bền vững, hạnh phúc, mặc cho cơn bão thị trường đang vần vũ từng ngày.

Có lẽ, nhiều người đã từng tự hỏi, nếu lấy chồng bộ đội đóng quân nơi đầu sóng ngọn gió liệu rằng mình có đủ nghị lực để đón nhận và vượt qua tất cả những khó khăn trong cuộc sống khi không có bóng dáng chồng ở bên? Thế nhưng, hậu phương của chúng tôi không hề nghĩ vậy. Họ hi sinh, họ lặng lẽ, họ hạnh phúc, một hạnh phúc rất đỗi đời thường. Nơi đảo xa, dù bận việc học tập, rèn luyện, nhưng các anh vẫn dành nhiều thời gian cho gia đình, vợ con. Qua cánh sóng thông tin liên lạc mỗi tối các anh đều gửi lời động viên vợ, căn dặn con. Và không biết tự lúc nào câu chuyện cứ như trong mơ ấy đã dệt lên biết bao kỳ tích. Lòng trắc ẩn không còn. Chỉ còn lại tình yêu thương bao la vô bờ bến giữa hậu phương và tiền tuyến. Tình yêu ấy đã và đang chắp cánh cho con thuyền hạnh phúc. Và, con thuyền ấy sẽ cập bến bờ vinh quang của Tổ quốc khi các anh hoàn thành nhiệm vụ trở về.

Đô Thành