11:15 17/11/2015

Tỉnh đi, châu Âu: Nga đâu phải là kẻ thù

Sau những vụ tấn công khủng bố diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp), các quốc gia châu Âu phải dần nhận ra: Chính họ đang tự gieo hạt mầm chết chóc khi tiếp tục mù quáng ủng hộ chính sách đối ngoại của Mỹ.


Binh sĩ Mỹ trong cuộc tập trận ở căn cứ quân sự Adazi, Latvia ngày 7/5. Ảnh: Reuters

Trong gần 2 năm, Washington đã sử dụng châu Âu như một thứ công cụ trong cuộc chiến khuất phục nước Nga và gần như không mảy may bận tâm đến hậu quả, trước là ở Ukraine và giờ là tại Syria. Và cứ mỗi một bận về phe với Washington chống lại Nga, châu Âu lại một bận đi ngược lại chính lợi ích của mình. Kết quả là, châu Âu đã phải trả giá.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mối hiểm họa châu Âu đang phải đối mặt là quá lớn, và Paris, Brussels hay Berlin cũng đều không thể phí phạm đồng minh, rào cản do Mỹ lèo lái dựng lên giữa châu Âu và Nga phải bị dỡ bỏ. Nếu phương Tây tiếp tục hành xử với Nga như với kẻ thù trong bối cảnh cả hai đang phải đương đầu với một kẻ thù chung, đó sẽ chỉ là sự nối dài của những điều ngớ ngẩn. Cũng cần thấy rằng những mối đe dọa như tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không thể bị giải trừ khi các quốc gia còn chưa hợp tác.

Không có lời bao biện nào cho hành vi khủng bố. Đó là sự thật, và sự thật là thông điệp này thường được nghe thấy từ những chính trị gia hiếu chiến của phương Tây. Nói cách khác, đây là cách nói và cách hiểu để bào chữa cho việc gieo rắc “khủng bố và bạo lực” của mình vào cuộc đấu tranh chống khủng bố và bạo lực của kẻ khác. 

Những vụ tấn công khủng bố như vừa qua ngoài việc gieo rắc tang thương, còn là cơ hội cho những chính sách hiếu chiến như vậy trỗi dậy. Và các chính phủ hướng những hoang mang và sợ hãi của người dân vào việc ủng hộ tạo ra thêm nhiều chiến tranh và thêm nhiều bạo lực để cuối cùng sẽ chỉ kéo theo sợ hãi, chết chóc, hủy diệt và chủ nghĩa khủng bố.

“Chúng ta sẽ tiếp tục dẫn đầu cuộc chiến, và sẽ không có sự khoan nhượng nào”. Đó là những bình luận đầu tiên của Tổng thống Pháp Francois Hollande sau những  vụ tấn công kinh hoàng ở kinh đô ánh sáng. Dựa vào thông điệp này của vị chính khách đứng đầu nước Pháp, châu Âu có thêm lí do để sợ hãi chặng cuối của cuộc hành trình.

Vụ khủng bố Paris chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chương trình nghị sự quanh những vòng đàm phán đa phương mới về vấn đề Syria diễn ra tại Vienna (Áo). Và vẫn còn cơ hội để các quốc gia châu Âu, bao gồm cả Pháp, chống lại mệnh lệnh của Washington, đồng thời xem xét nghiêm túc hơn bản kế hoạch 8 điểm do Nga đề xuất gần đây cho một thỏa thuận hòa bình Syria bởi rõ ràng, ủng hộ chính sách vũ trang, đào tạo và dung dưỡng các nhóm nổi dậy “ôn hòa” ở Syria của Washington vốn đã chứng minh không có tác dụng trong cuộc chiến chống IS, không nằm trong lợi ích tối ưu của châu Âu.

Lẽ dĩ nhiên, Mỹ sẽ không ngừng tạo ra áp lực với châu Âu. Chính quyền Obama đã cho thấy việc hợp tác ngang bằng với Nga không phải là điều Mỹ muốn thực hiện. Và trên bàn đàm phán tại Vienna, Washington sẽ cố gắng chớp thời cơ, giành thế áp đảo.

Bản thân việc tối 13/11, khi Tổng thống Pháp còn chưa kịp đưa ra phát biểu trước công chúng và cuộc vây hãm vẫn đang diễn ra ở thủ đô Paris, Tổng thống Barack Obama đã đưa ra bình luận của mình, đủ nói lên thái độ của Mỹ. Nhưng điểm khác biệt là trong lúc nước Mỹ vẫn bình yên đến thời điểm này, châu Âu lại đã ngấm mùi khủng bố.

Binh sĩ Pháp được triển khai tại Tháp Eiffel hiện đã bị đóng cửa. Ảnh: CNN

Nước Pháp đang khóc thương cho những chương kết đột ngột và đau đớn của những mảnh đời dang dở. Nhưng chắc chắn, thời điểm chính sách đối ngoại dẫn dến những gì vừa diễn ra ở ngay thủ đô quê hương họ sẽ đến.

Liệu chính phủ Pháp có tỉnh táo khi dính líu đến các nhóm cực đoan ở Syria? Năng lực an ninh và tình báo của chính phủ đến đâu khi dù giám sát hàng trăm công dân Pháp trở về từ Syria, vẫn không thể dự báo trước và chặn đứng những cuộc khủng bố này? Liệu trong số những người tị nạn chạy loạn theo chính sách mở cửa của châu Âu có kẻ nào muốn hãm hại họ hay không?

Nhưng thắc mắc là một chuyện, liệu các nhà lãnh đạo của châu Âu có thể lắng nghe và thấu hiểu hay không lại là một chuyện khác. Dĩ nhiên, cội rễ của vấn đề đến từ trước cả Syria. Mỹ đã giao cho châu Âu cây bút để tự kí bản án tử hình khi cựu Tổng thống Mỹ George Bush quyết định xâm lược Iraq và mở đường cho một nhóm tàn bạo như IS trỗi dậy từ sự chém giết và hủy diệt.

Chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa toàn cầu và những cuộc tấn công đẫm máu vừa qua ở Paris đã chứng minh rằng không ở đâu trên Trái đất có thể miễn nhiễm với mối đe dọa này, dù đó là một địa điểm diễn ra một buổi hòa nhạc nhỏ vào một buổi tối thứ sáu, một trận bóng giao hữu giữa các quốc gia láng giềng hay một nhà hàng Campuchia kín đáo trong khu dân cư Paris.

Bài học để lại cho nước Pháp sau vụ việc vừa qua là việc Pháp không thể vừa công khai chống chủ nghĩa khủng bố, lại đồng thời xem những tên khủng bố tàn bạo vào loại bậc nhất hành tinh chỉ là một vấn đề của chính sách đối ngoại. Pháp lại càng không thể phục tùng những lợi ích địa chính trỉ ích kỷ, phân loại tốt xấu giữa hàng ngũ khủng bố bởi khủng bố không hoạt động theo cách phân loại chủ quan của nước Pháp hay bất kì quốc gia nào.

Vào thời điểm này không quốc gia nào có giải pháp để giải quyết vấn đề IS, không phải Washington, không phải Paris và cũng không phải Moskva. Dù không có một giáo trình diệt trừ nhóm khủng bố này, song Pháp hoàn toàn có thể tham khảo danh sách những chiến lược đã thực hiện và được kiểm chứng thất bại của các nước.

Sẽ là không tỉnh táo nếu tiếp tục cho phép Washington thổi bùng lên ngọn lửa trên thứ hàng rào vô dụng giữa châu Âu và Nga. Các quốc gia cần gác lại những khác biệt nhỏ để giải quyết mối đe dọa chung toàn cầu. Chừng nào Châu Âu còn mù quáng chưa tỉnh ngộ, chừng đó Nga còn chưa được đặt vào vị trí đúng là đối tác trong cuộc chiến chống IS, và cũng sẽ chừng đó thời gian lục địa già phải tự mình sẵn sàng đương đầu với những bạo lực và máu me không bao giờ chấm dứt, hoặc ở đất nước Syria hoặc ngay tại khoảng sân trước nhà.

Anh Minh (Theo RT)