06:11 28/06/2020

Tình cảm gia đình gắn kết trong bối cảnh dịch COVID-19

Những ngày dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cả nước đồng lòng thực hiện biện pháp phòng chống, giãn cách xã hội cũng như sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát tại Việt Nam, đời sống của người dân có những xáo trộn. Tuy nhiên, mặt tích cực của nó là nhờ vậy mà các thành viên trong gia đình có thêm khoảng thời gian dành cho nhau.

"Thời gian vàng"cho gắn kết 

Trước kia, gia đình chị Đặng Thái Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) ít có thời gian gần gũi, chia sẻ với nhau. Công việc của chị khá bận, chồng lại thường xuyên công tác xa nhà nên vợ chồng ít có điều kiện tâm sự, còn với các con cũng không dành hết thời gian để quan tâm. Tuy nhiên, đợt giãn cách xã hội trong tháng 4/2020, các thành viên trong gia đình chị lại có thêm nhiều thời gian dành cho nhau. Những bữa cơm gia đình vừa ăn vừa theo dõi thời sự xem tin tức diễn biến của dịch bệnh, những lúc kèm con học online, hay việc cả nhà nhắc nhở nhau hạn chế ra đường, đeo khẩu trang phòng bệnh... mọi người cùng trò chuyện, quan tâm đầy yêu thương. Đây cũng chính là thời gian vợ chồng chị và các con được dịp bên nhau, trò chuyện, quan tâm và thấu hiểu nhau hơn. "Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng khiến mọi người yên tâm và hạnh phúc"- chị Thái Thanh tâm sự. "Những nguy hiểm của dịch bệnh bên ngoài khiến chúng tôi càng cảm thấy cần gắn kết, bao bọc, yêu thương nhau nhiều hơn"- chị Thái Thanh tâm sự.

Còn anh Nguyên Xuân Quang (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Đợt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra đường, chính quyền cấm tụ tập đông người, đóng cửa tạm thời các dịch vụ, cửa hàng quán xá… không cần thiết. Những quán nhậu đóng cửa nên anh bỏ được thói quen la cà. “Sau giờ làm việc tôi về thẳng nhà, căn nhà nhỏ bỗng trở nên ấm cúng, rộn ràng khi cả gia đình cùng hỗ trợ nhau mọi việc. Tôi dần nhận thấy bữa cơm gia đình rất giá trị, ăn cơm nhà ngon miệng, sức khoẻ được cải thiện đáng kể, có thêm thời gian quan tâm chăm sóc hỏi han ccon cái, cha mẹ, gia đình hạnh phúc hơn".

Em Phạm Như Ngọc, 12 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Đợt nghỉ học phòng dịch, em thấy những người thân trong gia đình gần gũi nhau hơn. Tuy việc học gián đoạn nhưng bù lại em có nhiều thời gian ở bên gia đình.  Việc học, em có thể nhờ bố mẹ hướng dẫn, lại được tâm sự nhiều với bố mẹ hơn, chia sẻ cho nhau những áp lực cuộc sống và học tập. Em còn phụ bố mẹ làm việc nhà, sau đó em với chị mình đã sáng tạo ra nhiều món ăn vặt thú vị khác nhau, và còn nâng cao khả năng làm đồ tái chế, thủ công”.

Ba câu chuyện của ba thành viên các gia đình khác nhau này cũng có thể gặp trong nhiều gia đình tại các đô thị Việt Nam hiện nay. Do bận rộn cuộc sống, đã có những thời gian dài mối quan hệ trong các gia đình trở nên khá lỏng lẻo do ít có điều kiện gần gũi, chia sẻ và gắn kết. Chính quãng thời gian ngắn khi được ở bên nhau hàng ngày, hàng giờ đã kết nối các mối quan hệ, giúp giải toả những hiểu lầm (nếu có), tìm kiếm những điểm chung hoà hợp để cùng thắt chặt tình thân.

Điều đáng mừng là sau đợt giãn cách xã hội,  đứng trước những hiểm nguy về dịch bệnh, mỗi người thêm thấm thía giá trị của tình cảm gia đình, và dần tự điều chỉnh các hành vi, để dành thêm thời gian bên nhau, xây dựng không khí gia đình gắn bó, yêu thương.

Thu hẹp khoảng cách thế hệ 

Chú thích ảnh
Các thành viên gia đình có nhiều thời gian hơn dành cho nhau trong mùa dịch COVID-19.

Có thể thấy, khi có nhiều thời gian hơn dành cho nhau trong mùa dịch này, các thành viên trong mỗi gia đình bình tĩnh để nhìn nhận, trân trọng những giá trị cốt lõi của cuộc sống. Sợi dây gắn kết yêu thương cũng được bền vững hơn khi mà họ đã xích lại gần nhau, có trách nhiệm với nhau, sẻ chia yêu thương và cùng nhau gánh vác mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Thêm nhiều thời gian, các thành viên có thể nói chuyện với nhau, hiểu thế giới của nhau và cố gắng giúp nhau hiểu sự khác biệt như thế nào giữa thế hệ trước với thế hệ sau. Chính sự tương tác này giúp cho hai hoặc nhiều thế hệ có thể dần hiểu được những thói quen, lối suy nghĩ, truyền thống của nhau, qua đó hiểu và nhận diện được những sự khác biệt này một cách rõ ràng nhất, tránh xảy ra những hiểu lầm sau này. Lắng nghe và chấp nhận những suy nghĩ  khác mình, sự giao tiếp cởi mở là một cách rất lành mạnh để thu hẹp khoảng cách thế hệ.

Cuộc sống hiện đại với quá nhiều sự bận rộn, mọi người đều tất bật, mải mê với công việc, mối quan hệ ngoài xã hội riêng của mình nên đôi khi, bữa cơm gia đình thời hiện đại cũng trở thành thứ xa xỉ. Sau cả một ngày đi làm mệt nhọc, hãy nghĩ đến bữa cơm gia đình như một cơ hội để mọi người có thể gắn kết và gần gũi với nhau hơn.

Bên cạnh đó, vào những ngày giãn cách xã hội phòng dịch,  các gia đình tổ chức các hoạt động chung cho các thành viên như: Cùng nhau nấu một bữa tối, cùng nhau xem một bộ phim, đọc sách hay xem lại ảnh trong cuốn album gia đình, cùng nhau làm việc nhà …Cả gia đình đều được sinh hoạt cùng nhau để thấu hiểu nhau ở mọi góc độ, từ đó trân trọng tình cảm gia đình. Mỗi hành động yêu thương sẽ góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình. Gia đình hạnh phúc là nền tảng cho thế hệ sau phát triển một cách lành mạnh.

Nâng cao giá trị văn hoá truyền thống

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2020 với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” là ngày để những con người Việt Nam hướng về cội nguồn, về người thân, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hoá cao quý của dân tộc.

Dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những xáo trộn không nhỏ trong xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người. Nhưng dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người tìm về giá trị gia đình, làm ấm thêm mái ấm, và có thời gian gần gũi với cha mẹ, con cái, những việc mà ngày thường bận rộn họ không thể có đủ thời gian làm được. Đồng thời, những giá trị văn hóa truyền thống gia đình vốn ít nhiều bị khuất lấp bởi nhịp sống hối hả cũng được khơi dậy.

Bồi đắp, lan tỏa giá trị văn hóa gia đình không chỉ giúp gia tăng sức mạnh cho “mỗi tế bào xã hội” trong cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID-19, mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi gia đình với cộng đồng, đất nước.

TS.Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: “Gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển từ những chuẩn mực giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử. Văn hóa ứng xử gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị truyền thống của người Việt Nam như  Sự hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, sự tôn trọng, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, anh em... Truyền thống gia đình người Việt Nam đáng quý nhất là dạy con biết "đối nhân xử thế", học trước hết phải học làm người, giáo dục đạo đức con người là gốc, dạy con phải báo hiếu với cha mẹ, con là niềm tự hào của cha mẹ…”. Chính vì thế, thời gian gần nhau để các thành viên trong gia đình truyền tải, bảo ban những giá trị văn hoá mang tính truyền thống lại càng trở nên quan trọng".

Những ngày qua, mỗi người trong chúng ta đều đã cảm nhận rất rõ về hơi ấm của tình thân trong gia đình. Và khi mùa dịch qua đi, chắc chắn điều đọng lại trong mỗi cá nhân là thói quen ăn uống sinh hoạt lành mạnh và dành thời gian nhiều nhất cho gia đình khi có thể.  Các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian và điều kiện gần gũi, quây quần bên nhau, chăm sóc, quan tâm đến nhau nhiều hơn, nhân lên nét đẹp hiếu thảo, tôn trọng nhau, nhất là việc con cái chăm lo cho bố mẹ già yếu; bố mẹ chăm lo, gần gũi, dạy bảo các con còn nhỏ, còn nhiều khiếm khuyết trong cuộc sống cũng như khả năng tự lập. Đây cũng là dịp để mỗi người xem xét, nhìn nhận lại mình, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, điều chỉnh suy nghĩ và hành động đúng đắn hơn, tốt đẹp hơn.  Mỗi gia đình hạnh phúc sẽ góp nên một phần không nhỏ, để xây dựng một xã hội văn minh, tràn đầy những giá trị tốt đẹp, nhân văn.

Hiền Anh/Báo Tin tức