07:10 06/07/2014

Tình báo Mỹ giẫm lên vết thương chưa lành

Hệ quả vụ Mỹ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Angele Merkel còn chưa giải quyết xong thì quan hệ Mỹ - Đức lại tiếp tục "nổi sóng" với một vụ bê bối tình báo mới.

Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) từ lâu đã theo dõi điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng như các thông tin về công dân Đức. Chính giới, rồi dư luận Đức cũng đã làm rùm beng vụ việc, song Tổng thống Đức Joachim Gauck vẫn im lặng. Giờ đây, khi thông tin chính nhân viên Cơ quan Tình báo nước ngoài của Đức (BND) bị bắt vì nghi làm gián điệp cho Mỹ, vị nguyên thủ Đức đã phải lên tiếng.

"Thế là quá đủ!"

Tổng thống Đức Joachim Gauck yêu cầu Mỹ làm sáng tỏ những cáo buộc gián điệp


Theo Tổng thống Gauck, vụ nhân viên BND làm gián điệp cho tình báo Mỹ có nguy cơ gây tổn hại tới mối quan hệ Đức-Mỹ. Ông nhấn mạnh, nếu việc nhân viên BND đúng là hoạt động tình báo cho Mỹ, thì đó là sự đùa giỡn với quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết khăng khít giữa Đức và Mỹ. Ông nhấn mạnh nếu nghi án làm gián điệp là đúng, thì "như thế là quá đủ" và đã đến lúc Washington phải có câu trả lời rõ ràng. Những tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi văn phòng Tổng Công tố liên bang Đức xác nhận đang tiến hành điều tra một nhân viên 31 tuổi của BND, người bị bắt hôm 2/7 vì nghi hoạt động gián điệp cho Mỹ. Theo thông tin báo chí Đức, người đàn ông này đã bán các tài liệu mật của BND cho một đầu mối người Mỹ.

Theo các thông tin của nhật báo "Hình ảnh", từ năm 2012-2014, nhân viên BND đã đánh cắp 218 tài liệu mật của BND và lưu trữ trong một chiếc USB. Với vai trò là người "giúp việc" tại Vụ Các khu vực triển khai và Quan hệ quốc tế BND (gọi tắt là Vụ EA) vốn điều phối quan hệ của BND với các tổ chức tình báo nước ngoài, người nhân viên này được cho đã bán các tài liệu và đút túi 25.000 Euro. Theo một số nguồn tin, người này không phải được tình báo nước ngoài chiêu mộ mà tự mời chào để bán tài liệu. Trong khi đó, báo "Hình ảnh" cho biết người này đã nhận các chỉ thị trực tiếp từ Đại sứ quán Mỹ ở Berlin.

Đại sứ Mỹ có thể phải về nước

Theo báo "Hình ảnh Chủ nhật", Chính phủ Đức giờ đây yêu cầu Đại sứ quán Mỹ ở Berlin phải thay toàn bộ số mật vụ thuộc "Lực lượng tình báo hỗn hợp" trong Đại sứ quán. Thậm chí cũng không loại trừ khả năng yêu cầu Washington thay Đại sứ Mỹ hiện nay. Trong khi đó, nhiều chính trị gia Đức cũng đã lêu tiếng yêu cầu làm sáng tỏ vụ việc mới nhất này, đồng thời cảnh báo về những hậu quả tiêu cực cho mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Stephan Mayer, người phát ngôn nội vụ Nhóm nghị sĩ liên đảng bảo thủ CDU/CSU nhấn mạnh: “Nếu việc nhân viên BND làm việc cho Đại sứ quán Mỹ nhiều năm qua là đúng thì đây sẽ là sự xâm phạm nghiêm trọng tới niềm tin trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương”.

Đức không loại trừ khả năng yêu cầu Mỹ thay Đại sứ tại Berlin


Trước đó, Bộ Ngoại giao Đức cũng đã triệu Đại sứ Mỹ tại Berlin tới để làm sáng tỏ những thông tin liên quan. Báo chí Đức dẫn lời một quan chức Chính phủ Mỹ cũng đã bày tỏ lo ngại rằng vụ việc mới nhất này có thể gây tổn hại cho mối quan hệ vốn đang gặp nhiều sóng gió giữa Mỹ và Đức liên quan những cáo buộc nghe lén.

Đánh cắp cả tài liệu của Uỷ ban Quốc hội Đức?

Trong khi đó, một số báo và kênh truyền hình của Đức còn nghi người này đánh cắp thông tin của Uỷ ban Điều tra Quốc hội Đức về các hành vi do thám của NSA ở Đức để chuyển cho tình báo Mỹ. 3 trong số 218 tài liệu đã được chuyển cho tình báo Mỹ là những tài liệu của uỷ ban quốc hội Đức, dù những thông tin đó không phải là tài liệu tuyệt mật. Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện thông tin Uỷ ban điều tra của Đức bị theo dõi. Khi uỷ ban này bắt đầu hoạt động ba tháng trước đã có thông tin nói rằng các thành viên trong uỷ ban đã bị do thám.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Uỷ ban Điều tra Patrick Sensburg, người nhân viên BND không hề có những tài liệu nội bộ nhạy cảm của ủy ban, và tới lúc này, ông cũng chưa nhận được thông tin nói các tài liệu của uỷ ban bị gián điệp, khẳng định "mọi giấy tờ nội bộ đều được bảo quản an toàn". Ông nói: "Chúng tôi sử dụng điện thoại đã được mã hoá và luôn làm những gì có thể để đảm bảo an toàn cho các tài liệu".

Theo báo "Hình ảnh Chủ Nhật", người nhân viên BND nêu trên đã làm việc cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Một ngày trước khi bị bắt, người này còn chuyển các tài liệu mật của Uỷ ban Điều tra Quốc hội Đức về các hoạt động của NSA cho phía Mỹ. Tình báo Đức cũng tin chắc rằng CIA liên quan tới người nhân viên này của BND. Sau khi bị bắt, người này cũng đã thừa nhận làm gián điệp cho Mỹ từ ít nhất 2 năm nay và định kỳ hàng tuần phải chuyển tài liệu cho phía Mỹ. Các thông tin về Uỷ ban Điều tra Quốc hội Đức chính là sứ mệnh cuối cùng của người này trước khi bị bắt.

Trong bối cảnh vụ bê bối liên quan việc NSA theo dõi di động của Thủ tướng Merkel cũng như thu thập dữ liệu về công dân Đức chưa lắng xuống, và thực tế là Berlin đang tiến hành điều tra làm rõ các hành động do thám của NSA ở Đức cũng như những liên quan giữa tình báo Đức với NSA thì vụ việc mới nhất nêu trên như một mũi kim đâm sâu vào vết thương chưa lành trong quan hệ giữa Đức và Mỹ.


Bài, ảnh: Mạnh Hùng (Phóng viên TTXVN tại Berlin)