04:05 08/04/2021

Tin xấu độc bủa vây trẻ em trên không gian mạng - Bài cuối: Triệt vòi bạch tuộc

Trong thời gian qua, việc xử lý vi phạm liên quan đến thông tin xấu độc đã gia tăng đáng kể, nhất là dịp dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng lần thứ 3 vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, để giải quyết vấn nạn này cần sự giải quyết đồng bộ hơn.

Gia tăng xử phạt

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam có hơn 60 triệu người sử dụng internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỉ lệ chủ yếu. Bên cạnh những mặt tích cực của mạng xã hội thì cũng tồn tại nhiều rủi ro khi thông tin xấu, độc luôn xuất hiện. Đối tượng dễ bị ảnh hưởng xấu là trẻ em do sự nhận thức chưa hoàn thiện và sự hình thành nhân cách chưa đầy đủ.

Chú thích ảnh
Youtuber Thơ Nguyễn làm việc tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN phát

Thống kê từ Cục trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát lần thứ ba trong cộng đồng đầu năm 2021, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với đầu số điện thoại 111 tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi của phụ huynh. Các gia đình cảm thấy lo lắng, lúng túng khi phát hiện con em mình có truy cập vào những trang thông tin xấu, độc hại trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà.

Để xử lý thông tin xấu độc, theo PGS.TS Trần Thành Nam, Việt Nam cần có chiến lược đồng bộ hơn. Bên cạnh việc hoàn thiện về mặt luật pháp và sự vào cuộc của cơ quan chức năng xử phạt nghiêm những người phát tán thông tin xấu độc thì các địa phương, ngành chức năng cần mở rộng tuyên truyền, trang bị cho những công dân số tương lai những kỹ năng phòng ngừa thông tin xấu độc.

Theo ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), một số nền tảng xuyên biên giới như Youtube (Google), Facebook hay Tiktok đều có các bộ phận, triển khai các giải pháp công nghệ để chủ động phát hiện, xử lý thông tin xấu độc với trẻ em và phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam khi được yêu cầu gỡ bỏ thông tin xấu độc.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập đường dây “nóng” với các nền tảng xuyên biên giới nêu trên để kịp thời xử lý các nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa, lịch sử và các giá trị đạo đức của Việt Nam, đặc biệt là các nội dung không phù hợp cho trẻ em.

Để phát hiện sớm và từ đó xử lý nhanh những nội dung không phù hợp cho trẻ hoặc những nội dung mà trong đó trẻ em là đối tượng bị xâm hại, Cục An toàn thông tin đang triển khai thành lập Mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (nòng cốt là Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - VNCERT, cơ quan trực thuộc Cục ATTT) gồm các cơ quan chức năng liên quan (Bộ TT&TT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet (ISP), các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp, tổ chức, hội, hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông trong và ngoài nước, KOLs (người có ảnh hưởng trên mạng)... Một trong các nhiệm vụ của Mạng lưới này là tiếp nhận, phân loại các phản ánh về nội dung không phù hợp với trẻ em trên môi trường mạng để chuyển các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Cách thức tiếp nhận qua Internet (trang web của Mạng lưới), qua số điện thoại đường dây nóng hoặc qua thư điện tử. Càng nhiều người biết đến mạng lưới, việc phát hiện và xử lý sẽ càng nhanh.

Về các giải pháp công nghệ, Bộ TT&TT đang nghiên cứu triển khai: Thiết lập Hệ thống tích hợp thông tin và quy trình tự động tiếp nhận các phản ánh về nội dung không phù hợp, các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng từ các nền tảng trên không gian mạng (trong nước lẫn xuyên biên giới) đặt tại Cục ATTT. Từ đó để giải quyết kịp thời và có số liệu thống kê cụ thể về thực trạng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Giải pháp tiếp theo là nghiên cứu xây dựng công cụ phân tích hình ảnh/video clip để tìm các nội dung mà trong đó trẻ em là đối tượng bị xâm hại tình dục (Child Sexually Abused Materials - CSAM), phát hiện sớm và yêu cầu các doanh nghiệp/đơn vị liên quan gỡ bỏ kịp thời. Song song với việc tự xây dựng công cụ này, Bộ cũng đang làm việc với các doanh nghiệp như Microsoft, Google để tìm hiểu công nghệ tương tự cũng như các tổ chức quốc tế để phối hợp triển khai giải pháp này một cách hiệu quả ở phạm vi khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Chuyển đổi số đang diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trẻ em là công dân số tương lai và cần được trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet an toàn, tự bảo vệ mình trên môi trường mạng - gọi là Bộ kỹ năng số cho trẻ em theo từng lứa tuổi. Ví dụ như kỹ năng: Đặt mật khẩu, không chia sẻ thông tin với người lạ, nhận diện nguy cơ lừa đảo, xử lý tình huống và biết cách chia sẻ, cầu cứu trên môi trường mạng... Các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng Bộ kỹ năng số này và từng bước lồng ghép vào nội dung giảng dậy của bộ môn tin học các cấp.

Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa bộ quy chuẩn nhận diện tin xấu độc vào giảng dạy bộ môn Tin học theo từng lứa tuổi. Nếu chương trình này triển khai sẽ phổ cập kỹ năng phòng chống tin xấu độc tới 90% trẻ em Việt Nam.

Bên cạnh đó là sự hợp tác của các mạng xã hội khi tham gia xử lý tin xấu độc trên mạng xã hội. “Những nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới phát tán thông tin tại Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Từ vụ Thơ Nguyễn, có thể thấy nền tảng Tik Tok đã nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng khi xóa những thông tin cảnh báo không phù hợp với trẻ em; trong khi đó kênh YouTube rất chậm trễ”, luật sư Nguyễn Minh Anh đánh giá.

Sự vào cuộc từ cộng đồng, gia đình

Theo thống kê, đến cuối năm 2020, Cục Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã hợp tác với YouTube để ngăn chặn và xử lý các kênh đăng tải video vi phạm thuần phong mỹ tục, hạn chế bật chức năng kiếm tiền của những nội dung nhảm nhí. Theo đó, 29.009 video vi phạm pháp luật đã bị gỡ bỏ, hàng ngàn video có nội dung không phù hợp khác bị xóa khỏi nền tảng. Facebook cũng đã gỡ 2.311 bài viết và 330 fanpage về quảng cáo game, cờ bạc, đổi thưởng cùng 2.200 link quảng cáo hoạt động buôn bán, dịch vụ bất hợp pháp.

Chú thích ảnh
Tuyên truyền kỹ năng phòng thông tin xấu độc tới học sinh tại một số trường học tại Hà Nội.

Thực tế cho thấy, các kênh Youtube thu lợi lớn từ quảng cáo nên giải pháp mà Bộ Thông tin và Truyền thông hướng đến là chặn nguồn thu từ quảng cáo với những kênh tuyên truyền nhảm nhí, xấu độc.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ đã đạt được thỏa thuận với YouTube khi nhận được phản ánh của cơ quan chức năng Việt Nam về việc các chủ kênh vi phạm pháp luật, thì nền tảng này sẽ dừng việc ăn chia tiền quảng cáo. Đồng thời, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm một số cá nhân sản xuất nội dung xấu, độc.

Còn theo lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục sẽ đề nghị Google chặn, khóa tài khoản các kênh thường xuyên có nội dung độc hại hoặc có thể không trả tiền quảng cáo cho những kênh đó.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng: Hiện cơ quan quản lý đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 181 năm 2013 về quảng cáo. Trong đó có bổ sung quy định là những người cung cấp nội dung quảng cáo xuyên biên giới không chỉ tuân thủ nội dung quảng cáo mà còn phải quản lý cả nội dụng khi phát trên mạng và phải có khả năng kiểm soát, ngăn chặn, gỡ bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm đăng phát trên nền tảng của mình. Đồng thời là việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Việt Nam.

Theo thống kê, thị trường quảng cáo trực tuyến từ Việt Nam trị giá 400 triệu USD mỗi năm và 70% dòng tiền đổ về mạng xã hội lớn như Google, Facebook… Do đó, việc quy định nghĩa vụ thuế với Việt Nam và kiểm soát dòng tiền nếu nội dung vi phạm pháp luật sẽ là chế tài mạnh tay xử lý những video phản cảm cố tình dùng chiêu trò câu view.

Tuy nhiên, việc phạt tiền, phạt hành chính hay ngăn chặn các kênh chỉ có thể hạn chế được phần nào vấn nạn này. Vì lợi nhuận, những người làm nội dung sẽ tìm cách lách luật, đưa những nội dung của mình tiệm cận vào mức độ bị phạt, bị cấm. Do đó, sự chung tay lên án của dư luận, cộng đồng như vụ Youtuber Thơ Nguyễn là một hình thức tẩy chay của xã hội với những chủ kênh tung thông tin xấu độc.

Do đó, cùng với hành động từ cơ quan quản lý Nhà nước thì cộng đồng và phụ huynh cũng cần chung tay xử lý. “Nếu phụ huynh nếu thấy những nội dung không phù hợp, cần có bộ lọc trước khi cho con em tiếp xúc…”, ông Lê Quang Tự Do khuyến cáo.

Cách làm đơn giản, hiệu quả nhất là người xem khi thấy kênh, nội dung xấu, độc thì nên lập tức bấm nút report (báo cáo vi phạm quy tắc cộng đồng theo luật của YouTube). Nếu nhiều người cùng report, kiên quyết không theo dõi trang thường xuyên chia sẻ nội dung thiếu lành mạnh, sẽ tạo ra làn sóng phản đối.

“Cộng đồng cùng chung tay nêu ý kiến với những mạng xã hội nhiều người dùng như Facebook, TikTok, YouTube, yêu cầu họ phải có trách nhiệm bảo vệ người dùng, bảo vệ trẻ em. Mục đích chính trong tất cả các chiêu trò trên mạng là kiếm tiền bằng câu view, câu like. Chúng ta cần phát động các chiến dịch ‘báo xấu’. Khi cộng đồng mạng, các bậc phụ huynh chung tay ‘báo xấu’ liên tục, các video xấu, độc sẽ không còn đất sống. Về lâu dài, pháp luật cần có quy định chi tiết, cụ thể hơn để xử lý những trường hợp vi phạm”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chia sẻ.

Còn theo Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó Cục trưởng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, không gian mạng phát triển, gắn với sự gia tăng của các loại hình truyền thông xã hội, tuy nhiên hoạt động trao đổi, đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng diễn ra hết sức phức tạp. Tin giả, tin sai sự thật đã và đang có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò điều hành của Chính phủ, uy tín và hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, đến hành động của một bộ phận người dân khi tham gia môi trường mạng.

Năm 2020, Bộ Công an phát hiện hơn 800.000 tin giả, bài viết có nội dung sai sự thật liên quan đến dịch bệnh COVID-19 được đăng tải trên không gian mạng, chủ yếu là mạng xã hội. Qua đó, Bộ Công an đã phối hợp xử lý gần 600 đối tượng, cá nhân vi phạm.

“Bên cạnh đó, thông tin làm nhục, vu khống, bôi nhọ, xúc phạm cũng diễn ra nhức nhối trên không gian mạng, xâm phạm trực tiếp quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; thậm chí nhiều vụ việc gây hậu quả đáng tiếc như án mạng, dẫn đến tự tử, cố ý gây thương tích… Thông tin kích động bạo lực, lệch chuẩn đạo đức xã hội đang tác động ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam, nhất là với nhóm yếu thế cần được quan tâm bảo vệ như trẻ em, học sinh”, Đại tá Trương Sơn Lâm cho biết.

Từ góc độ những bác sĩ giải quyết những trường hợp là nạn nhân của tin xấu độc, Ths.BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần nhi và trẻ vị thành niên (Viện Sức khỏe tâm thần- Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Vì có 2 mặt lợi và hại nên cha mẹ không nên cấm tuyệt đối trẻ tiếp cận với mạng xã hội; tuy nhiên phải hướng con sử dụng một cách hợp lý. Sự hợp lý là đúng thời gian, thời điểm, cho trẻ sử dụng một thời lượng nhất định trong ngày vì internet vẫn có tác dụng giúp trẻ tiếp cận công nghệ số, phát triển tốt hơn khi tiếp cận các thông tin hợp lý, có thể giải trí cho trẻ sau thời gian học tập. Đặc biệt cha mẹ phải có sự kiểm soát các nội dung mà trẻ tiếp cận trên mạng”.

Cũng theo TS.BS Ngô Anh Vinh, với trẻ nhỏ và trẻ trong lứa tuổi vị thành niên, vấn đề giám sát của bố mẹ là rất quan trọng, nhất là việc trẻ sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên cha mẹ cần chú ý, với trẻ vị thành niên, sự giám sát phải phù hợp với sự phát triển của đứa trẻ cả về tâm lý, sinh lý. Khi giám sát trẻ, cha mẹ cần tuân thủ nguyên tắc: Tôn trọng, biết lắng nghe, không phán xét, có thời gian chia sẻ, tâm sự với trẻ, bố mẹ nên phân tích với trẻ những tác hại của sử dụng mạng internet không đúng cách. Bố mẹ cũng có thể giám sát qua thời gian chơi, thống nhất thời gian chơi, thời gian sử dụng điện thoại, thiết bị vào mạng trong ngày, định hướng xem nội dung như thế nào. Thậm chí định hướng cho trẻ sử dụng vào mục đích tốt, đúng mức.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần có sự phối hợp với nhà trường trong quan sát trẻ, tổ chức các hoạt động vui chơi hợp lý ngoài giờ học, nhất là với những trẻ có dấu hiệu dễ sa đà vào mạng xã hội để sớm có định hướng cho trẻ, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

 

Xuân Minh – Tạ Nguyên/Báo Tin tức