07:19 29/07/2016

Tin tưởng chương trình hành động nhiệm kỳ mới

Phóng viên TTXVN tại một số địa phương ghi nhận ý kiến cử tri về phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016 sáng 29/7.

Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật Pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2017. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Qua theo dõi các nội dung tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, đặc biệt là phiên thảo luận diễn ra sáng 29/7, nhiều cử tri tỉnh Hà Giang bày tỏ tin tưởng các lãnh đạo cấp cao được Quốc hội khóa này bầu ra sẽ phát huy tốt vai trò trách nhiệm, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Theo cử tri Trần Tiến Túc, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, ông rất vui mừng, phấn khởi vì thấy các vị lãnh đạo cấp cao vừa được Quốc hội khóa XIV bầu đều là những người có đủ đức đủ tài lãnh đạo đất nước, sẽ phát huy hết vai trò trách nhiệm, quan tâm hơn nữa đến các lĩnh vực của xã hội, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. 

Cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội khóa này nghiên cứu, quan tâm sâu sắc hơn đến đồng bào các dân tộc, phát triển kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng ở những vùng khó khăn của tỉnh Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung. Còn cử tri Lò Đức Chìu ở thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang kỳ vọng đại biểu Quốc hội khóa này sẽ giải quyết những ý kiến và mong muốn của cử tri đã phản ảnh trước cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. 

Ông Chìu tin tưởng Quốc hội khóa này sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đối với các vấn đề như kênh mương hóa nội đồng, xây dựng các công trình giao thông nông thôn để con em đến trường và người dân đi lại được thuận tiện...

Cũng như nhiều cử tri ở tỉnh cực Bắc Hà Giang, cử tri tỉnh Kiên Giang đánh giá cao sự nhập cuộc quyết liệt, khẩn trương hành động của Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ nhiệm kỳ mới đã điều hành quyết đoán, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cử tri đặt trọn niềm tin vào bản lĩnh của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của đất nước với tinh thần nói đi đôi với làm, hành động theo đúng những gì đã cam kết...

* Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Qua theo dõi phiên thảo luận, cử tri đánh giá cao Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Cử tri Trần Cảnh Nhất (Luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) đánh giá, trong báo cáo Thủ tướng đã mạnh dạn nêu lên những khó khăn, tồn tại và cả những bất cập như vấn đề nợ công, việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả, một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí lớn, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý đầu tư, khai thác, thu phí tại nhiều dự án BOT còn bất hợp lý, thiếu công khai, minh bạch; quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí, bội chi nhân sách liên tục ở mức cao trong nhiều năm. 

Xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế. Tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực triển khai chậm, còn lúng túng. Đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai và sự cố môi trường. 

Cải cách hành chính, năng lực xây dựng, thực thi pháp luật, cơ chế chính sách vẫn còn hạn chế, còn đùn đẩy trách nhiệm, phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp... Cử tri Trần Cảnh Nhất cho rằng đây cũng chính là lời hứa của Thủ tướng trước cử tri, trong thời gian đến Chính phủ sẽ sớm khắc phục để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tâm đắc với những giải pháp mà Thủ tướng đề ra trong thời gian tới, cử tri Nguyễn Ngọc Minh, cán bộ hưu trí sinh hoạt tại Câu lạc bộ Thái Phiên (Đà Nẵng) cho biết: Trong các giải pháp, tôi rất tin tưởng vào việc xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, mà theo Thủ tướng là tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, lấy lợi ích quốc gia và phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao nhất. 

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi, hội nhập quốc tế; phát huy mạnh mẽ dân chủ gắn với thượng tôn pháp luật. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật kỷ cương. Tập trung rà soát quy trình, quy chế làm việc, phân công, phân cấp, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật...

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt (Trưởng khoa Kinh tế phát triển, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra những góp ý cụ thể về tái cơ cấu đầu tư công. Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt cho rằng cần quyết liệt thực hiện chủ trương lập và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 cũng như có những giải pháp nhằm khắc phục các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chủ trương đúng này; đồng thời cần hoàn thiện các chiến lược và hành lang pháp lý cho việc quản lý rủi ro đối với nợ công và nợ nước ngoài, nhất thiết mọi khoản đầu tư từ các khoản vay nợ phải được công khai và minh bạch hóa.

Áp lực kiểm soát nợ công có thể ảnh hưởng phần nào đến các mục tiêu đầu tư phát triển hoặc ngay cả thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Nhà nước vẫn cần thực hiện giảm bội chi ngân sách bằng việc đẩy mạnh việc xã hội hóa các dịch vụ công theo lộ trình hợp lý. Theo Tiến sỹ Việt, hiện mức thuế và phí ở Việt Nam khá cao so với mặt bằng khu vực.

Do vậy, nhất thiết phải rà soát và bãi bỏ các loại phí, lệ phí, các khoản huy động từ dân không phù hợp đi kèm với tiến trình cải cách thủ tục hành chính, tinh giản và tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính ở tất cả các cấp đúng với chủ trương Nhà nước kiến tạo phát triển; đồng thời thực hiện tốt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Còn cử tri Trịnh Văn Tính (Giám đốc Công ty cổ phần Linh Giang, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: Điều quan trọng là cần đảm bảo mục tiêu duy trì lạm phát ở mức 5%, duy trì lãi suất ở mức độ hợp lý cũng như đảm bảo tỷ giá ổn định. Có như thế doanh nghiệp trong và ngoài nước mới yên tâm mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu nhằm tận dụng các cơ hội hội nhập mới. 

Riêng về TPP, bên cạnh cơ hội mang lại, thách thức của nó không hề nhỏ, đặc biệt trong công tác thể chế hóa các quy tắc của TPP hiện nay còn gặp nhiều lúng túng. Bên cạnh đó, việc thiếu sự chuẩn bị sẵn sàng đối với các quá trình hội nhập nói chung và TPP nói riêng của người dân và doanh nghiệp sẽ khiến họ bị tác động đầu tiên trước áp lực cạnh tranh mới khi những hàng rào thuế quan và phí thuế quan được dỡ bỏ theo cam kết.

* Tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn

Từ Kiên Giang, góp ý thêm về các giải pháp của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội thời gian tới, cử tri Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho rằng, cần chú trọng vấn đề tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững và hiệu quả.

Cử tri đề xuất trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần khẩn trương, năng động và có quyết sách, giải pháp hữu hiệu đột phá vào các lĩnh vực mũi nhọn để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, nông sản hàng hóa có sức cạnh tranh cao, tăng lợi nhuận cho nông dân. Điển hình như lĩnh vực trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất nước, các địa phương trong vùng cần quy hoạch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nông nghiệp chất lượng cao. Việc quy hoạch cần đảm bảo vừa tạo ra sản lượng lúa góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa tạo ra lúa nguyên liệu chất lượng cao cung ứng cho chế biến xuất khẩu gạo…

Theo cử tri Đỗ Minh Nhật, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp đột phá tái cơ cấu hiệu quả nền nông nghiệp cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Tại tỉnh Lâm Đồng, cử tri Bon Yo Soan, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, kỳ vọng: “Tôi mong rằng việc xây dựng các đề án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục được Quốc hội chú trọng trong thời gian tới. Đặc biệt là những chính sách hỗ trợ kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc vùng sâu, tăng thu nhập bình quân của bà con, qua đó kéo giảm khoảng cách giàu - nghèo giữa các địa phương ngay tại Lâm Đồng cũng như những nơi khác trong cả nước”.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Đức (Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng) góp ý, việc nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như Lâm Đồng cần được mở rộng hơn nữa. Để làm được điều này, Quốc hội cần có những chương trình, mục tiêu để có sự chung tay của 3 nhà: Nhà nước, nhà khoa học và nhà nông, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế ở những vùng sâu, vùng xa hay những địa phương thuần nông nghiệp như Lâm Đồng.

* Tiếp tục quan tâm bảo vệ môi trường

Góp ý về công tác bảo vệ môi trường, c ử tri Nguyễn Xuân Niệm (Phó Giám đốc S ở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang) cho rằng , cần xử lý nghiêm những cán bộ, cơ quan trong quản lý không thực hiện đúng quy định bảo vệ môi trường; các đề án đánh giá tác động môi trường của những nhà máy lớn có tầm ảnh hưởng môi trường rộng lớn cần được công khai, minh bạch để cộng đồng biết và cùng kiểm tra. 

Các cơ quan chuyên môn về môi trường của địa phương hay Trung ương cần tăng số điểm đo định kỳ của trạm giám sát về môi trường gần các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đồng thời có quy chế phối hợp kiểm tra định kỳ hay đột xuất sự hoạt động của hệ thống xử lý môi trường, trong đó có môi trường nguồn nước thải của tất cả các công ty, nhà máy chế biến, khu công nghiệp ở trên bờ đặc biệt là gần biển. Cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ và xem xét lại dự án nhà máy giấy tại Hậu Giang trước nguy cơ "bức tử" sông Hậu...

Cử tri Nguyễn Ngọc Minh, cán bộ hưu trí sinh hoạt tại Câu lạc bộ Thái Phiên (Đà Nẵng) nhận xét: Phần chất vấn của các đại biểu tại phiên họp sáng nay đã nêu lên những vấn đề rất sát sườn với những diễn biến thực tế và cũng chính là những mong mỏi của cử tri như ý kiến của đại biểu Trần Công Thuật (tỉnh Quảng Bình) đặc biệt quan tâm đến sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung thời gian qua đã tác động lớn đến đời sống người dân. 

Cử tri Nguyễn Ngọc Minh đồng tình khi đại biểu Thuật cho rằng, ảnh hưởng sự cố môi trường đến Quảng Bình rất nặng nề và hết sức nghiêm trọng, kéo lùi sự phát triển của tỉnh, kể cả về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự bất ổn định và làm giảm lòng tin của nhân dân. Ngoài ra, cử tri Quảng Bình rất quan tâm đến việc làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố môi trường biển vừa qua, coi đây là bài học lớn, sâu sắc trong lĩnh vực đầu tư, ứng phó các sự cố môi trường trong hoạt động kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững...

Phóng viên TTXVN tại các địa phương