Trung Quốc kêu gọi ứng phó minh bạch với cúm H7N9

Ngày 10/4, Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã nhóm họp và kêu gọi các cơ quan chính phủ minh bạch và hiệu quả trong ứng phó với bệnh cúm gia cầm H7N9, căn bệnh đến nay đã làm 33 người nhiễm và 9 người tử vong.

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Chính phủ Trung Quốc kêu gọi tăng cường phối kết hợp nỗ lực giữa các cơ quan khác nhau cũng như tăng cường hợp tác quốc tế nhằm phòng chống và kiểm soát bệnh cúm gia cầm chết người H7N9. Các thông tin liên quan đến H7N9 và các biện pháp kiểm soát bệnh nên được công bố kịp thời và chính xác. Đồng thời, cần nỗ lực nâng cao ý thức của người dân về việc làm cách nào để tự bảo vệ mình khỏi bệnh cúm H7N9. Tuyên bố cũng cho biết chính quyền trung ương Trung Quốc đang theo dõi sát tình hình bệnh cúm này, công tác phòng và kiểm soát bệnh đang được tiến hành tích cực.

Nhân viên y tế kiểm tra các thông tin của "bệnh nhân" trong cuộc diễn tập khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi rút H7N9 tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy ngày 9/4. Ảnh: THX-TTXVN


Trong một diễn biến mới nhất cùng ngày, Phòng thí nghiệm ký sinh trùng gây bệnh, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, khẳng định không tìm thấy gien nào trong virus cúm H7N9 có nguồn gốc từ lợn. Kết quả trên đã loại trừ khả năng lợn là vật chủ trung gian truyền bệnh cúm gia cầm chết người này.

Theo các nhà nghiên cứu, quá trình kết hợp gien của virút này có thể xảy ra ở khu vực châu thổ sông Dương Tử, gồm Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô. Họ phát hiện ra rằng một loại virus trên chim hoang dã đến từ Triều Tiên và các khu vực khác ở Đông Á đã trộn lẫn với virus cúm gia cầm tìm thấy trên các con vịt và gà ở châu thổ sông Dương Tử trong quá trình chim di cư.

Nghiên cứu của phòng thí nghiệm trên cho thấy các đoạn gien H7 và N9 trong virút H7N9 giống với mẫu virus cúm gia cầm trong những con chim hoang dã đến từ Đông Á, trong khi 6 đoạn gien khác có nguồn gốc từ gà tại Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô. Liên quan đến câu hỏi tại sao virus H7N9 ít gây hại cho động vật hơn cho con người, các nhà nghiên cứu cho biết đó là vì sự biến đổi của virus. Hiện họ đang theo dõi sự biến đổi của gien N9.

Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên hoang dã Trung Quốc cho biết các chuyên gia và các nhà khoa học về động vật đã tăng cường theo dõi đường di cư của chim hoang dã nhằm ngăn chặn virus H7N9 lây lan.


TTXVN/Tin Tức

Bệnh nhân nhiễm virus cúm A (H7N9) đầu tiên xuất viện
Bệnh nhân nhiễm virus cúm A (H7N9) đầu tiên xuất viện

Một tin vui đã đến với các bệnh nhân nhiễm virus cúm A(H7N9) ở Trung Quốc khi giới chức y tế Thượng Hải cho biết bệnh nhân nhiễm virus cúm A(H7N9) đầu tiên đã bình phục hoàn toàn và được xuất viện cùng ngày sau quá trình điều trị đầy đủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN