Thấy gì từ việc đồng USD mạnh lên?

Sự tăng giá của đồng USD đã trở thành một xu thế chủ đạo trên các thị trường tài chính toàn cầu thời gian gần đây, thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế.

Những điểm sáng - tối của kinh tế toàn cầu

Chỉ số "Dollar Index" - thước đo sức khỏe của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới - đã tăng lên mức cao kỷ lục kể từ đầu năm 2006. Tính từ tháng 7/2014 đến nay, đồng USD đã tăng tới 13% so với các đồng tiền thương mại chủ chốt: Tăng 9% so với đồng euro, 3,4% so với đồng bảng Anh và hơn 2,5% so với đồng yên Nhật và 40% so với đồng rouble. Mức tăng này đưa giá trị của đồng USD lên mức cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây.

Đồng USD mạnh lên gây ra những sức ép không nhỏ đối với các nền kinh tế đang phát triển, mới nổi.


Nền kinh tế Mỹ xuất hiện nhiều điểm sáng tích cực và diễn biến trái chiều so với phần còn lại của thế giới là tác nhân chính tạo ra xu hướng này.

Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, GDP quý III/2014 của Mỹ tăng 5% so với quý III/2013, cao hơn mức tăng 4,6% trong quý II/2014 và vượt mức dự kiến 4,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó. 5% cũng là mức tăng cao nhất trong một quý kể từ năm 2003. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, kết thúc năm 2014, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP khoảng 17.500 tỷ USD.

Các trung tâm kinh tế khác đã không có được đà tăng trưởng thuận lợi. Liên minh châu Âu (EU) chỉ tăng 1,1% trong năm 2014 và sẽ tăng trưởng âm vào năm 2015. Riêng khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) tăng trưởng âm 0,4% năm 2014. GDP của Nhật Bản trong quý III/2014 suy giảm 1,6% so với cùng kì năm ngoái, sau khi đã giảm 7,3% trong quý II, đưa kinh tế nước này rơi vào trạng thái suy thoái kĩ thuật. Trung Quốc cũng không còn duy trì được vị thế là “đầu tàu” tăng trưởng toàn cầu, khi mà GDP chỉ tăng khoảng 7,3% năm 2014 và dự báo là 6,6% trong năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức 9 - 10% thời kì trước.

Xu thế đối nghịch này đã tạo ra “sức ép” tăng giá với đồng bạc xanh trên cả 3 yếu tố chủ chốt: Cung - cầu; tâm lý và các vấn đề kĩ thuật.

Kinh tế tăng trưởng vượt kì vọng là lý do để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức tuyên bố ngừng áp dụng chương trình nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3) kể từ ngày 1/11/2014 với việc cắt giảm 15 tỷ USD còn lại của chương trình này sau 7 lần thu hẹp liên tiếp trước đó. Điều này đồng nghĩa với nguồn cung tiền bằng đồng USD ra thị trường giảm. Trong khi đó, Nhật Bản, EU và phần nào đó là Trung Quốc vẫn phải tiếp tục các chính sách nới lỏng tín dụng. Tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phải bơm ra một lượng vốn giá rẻ lên đến 1.000 tỉ euro để hỗ trợ cho các ngân hàng thành viên. Trong phiên họp ngày 21/1 tới đây, ECB nhiều khả năng sẽ tiếp tục phải đưa ra một gói kích thích mới. Tại Nhật Bản, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn cần tới các gói kích thích kinh tế, điển hình là việc Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) tăng lượng mua trái phiếu chính phủ và các khoản đầu tư tín thác thêm 30%. Nguồn cung USD giảm, trong khi cung của các đồng tiền mạnh khác lại tăng đương nhiên dẫn đến việc đồng USD tăng giá theo quy luật cung cầu.

Xét đến yếu tố tâm lý, khi kinh tế Mỹ nổi lên là điểm sáng của kinh tế toàn cầu vốn chưa ổn định, thiếu bền vững thì đồng USD và các loại tài sản cố định được định giá dựa trên đồng bảng xanh đương nhiên trở thành “điểm trú ẩn an toàn” đối với giới đầu tư toàn cầu. Nó cũng làm tăng nhu cầu mua USD của các quốc gia, tổ chức, cá nhân như là phương tiện cất trữ. Tâm lý thích găm giữ đồng USD vì thế sẽ trở nên phổ biến, tạo ra sức ép với đồng tiền này.

Cuối cùng, một loạt các yếu số khác cũng đưa đến đà tăng của đồng bạc xanh. Tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ tháng 12/2014 chỉ còn 5,6%, mức thấp nhất kể từ 11/2008. Mỹ cũng đã tạo ra cuộc cách mạng dầu đá phiến, giảm được lượng dầu phải nhập khẩu từ 80 - 100 tỉ USD/năm, giúp cải thiện cán cân thanh toán, thâm hụt ngân sách. Đặc biệt, dầu mỏ - nhân tố thường đi ngược với diễn biến đồng USD, trên thị trường thế giới đã có cú trượt dốc mạnh, xuống dưới 50 USD/thùng, giảm hơn 50% so với thời điểm tháng 6/2014. Cùng với đó là việc FED được cho là sẽ sớm tăng lãi suất trong khoảng quý I năm nay, sau khi đã duy trì quá lâu mức lãi suất 0%.
Tác động ảnh hưởng và xu thế

Do thị trường tiền tệ có tương tác mạnh đến mọi yếu tố của kinh tế toàn cầu - từ thương mại, tín dụng, lạm phát/giảm phát, hàng hóa, dịch chuyển dòng vốn… nên sự đi lên của đồng USD sẽ có tác động đa tầng đối với kinh tế Mỹ và phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các thị trường mới nổi.

Với Mỹ, nỗi lo về sự sụp đổ của đồng USD tạm thời bị đẩy lui. Đồng bảng xanh tăng giá so với các ngoại tệ khác sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ rẻ hơn, làm lợi cho người tiêu dùng Mỹ và đẩy lui những tiềm ẩn về lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Đây là một đặc điểm đáng chú ý, khi mà sản xuất, tiêu dùng nội địa chiếm đến 85% GDP của Mỹ, trong khi lĩnh vực xuất nhập khẩu chỉ chiếm 15%. Ở chiều ngược lại, các công ty Mỹ có hoạt động đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài sẽ chịu thiệt hại. Đồng USD mạnh lên đồng nghĩa với việc hàng xuất khẩu của Mỹ đắt đỏ hơn, kém cạnh tranh; cùng với đó, khoản lợi nhuận mà các doanh nghiệp này chuyển đổi và đưa về Mỹ sẽ co ngót lại. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây căng thẳng cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Mỹ, làm sụt giảm lợi nhuận của hàng loạt những ông lớn như Alcoa, Ford, GM, Coca-Cola, McDonald’s, Wal-Mart, Procter & Gamble… cùng với nguy cơ cắt giảm lao động trong nhiều ngành kinh tế.

Các thị trường mới nổi sẽ chịu tác động mạnh nhất từ việc đồng USD lên giá, với cảnh báo của nhiều chuyên gia về một “cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng” đối với các quốc gia có các khoản vay nợ bằng USD. Nhìn lại lịch sử, chính sự tăng giá của đồng bạc xanh đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở một loạt các nước Mỹ Latinh (những năm 1980) và Đông Nam Á (thập kỉ 1990). Theo thống kê của Ngân hàng thanh toán Quốc tế (BIS), 63% nợ quốc tế hiện nay là bằng đồng USD, 19% bằng đồng euro, 8% bằng bảng Anh và 3% bằng đồng yên Nhật Bản và vì thế nó tạo sức ép lên khả năng cân đối tài chính của các doanh nghiệp cũng như mức độ ổn định tài chính ở những nước này.

Không những vậy, giới đầu tư quốc tế rút bớt nguồn vốn đã đổ vào các thị trường mới nổi trước đây (ước tính lên đến 3.800 tỉ USD từ 2008 đến nay) và quay trở lại Mỹ. Điều này khiến cho giá trị đồng tiền của các nền kinh tế đang phát triển, mới nổi có xu hướng ngày càng yếu đi và khi kết hợp với sức ép về trả nợ nước ngoài thì nó thực sự trở thành mối nguy lớn. Ngoài Trung Quốc được cho là “an toàn” dựa trên lượng ngoại tệ hơn 4.000 tỉ USD, không một nước nào, kể cả Nga hay Brazil với dự trữ ngoại hối lần lượt là 361 và 375 tỉ USD, được phép chủ quan về nợ nước ngoài và sự mất giá của đồng tiền bản địa. Một số chuyên gia cho rằng việc đồng USD tiếp tục tăng giá có thể dẫn đến một làn sóng phá sản ở Nga, Brazil và các nền kinh tế mới nổi khác, tác động nghiêm trọng tới các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu.

Vấn đề đặt ra là đồng USD sẽ biến thiên theo xu hướng nào và Mỹ có thực sự muốn giữ đồng bảng xanh ở mức giá cao? Giới phân tích tài chính nhận định, bản thân FED cũng đã bắt đầu lo ngại về đồng USD đứng ở giá cao. Lawrence G. McDonald, Giám đốc cấp cao tại Quỹ Newedge USA, nguyên Phó Chủ tịch Tập đoàn Lehman Brothers bình luận, đồng USD tăng giá sẽ đẩy các khoản nợ doanh nghiệp, công ty tại Mỹ đến ngưỡng tiệm cận phá sản, tiềm ẩn rủi ro hệ thống và rằng đã đến thời điểm FED can thiệp để làm dịu tình hình. Chuyên gia này dẫn chứng ngành năng lượng Mỹ, với cuộc cách mạng dầu đá phiến thời gian gần đây. Tại thời điểm giá dầu đứng ở mức trên 100 USD/thùng, các công ty đã đua nhau vay nợ để mở rộng đầu tư, khai thác. Tính từ năm 2009 đến nay, họ đã vay tổng cộng 1.600 tỉ USD, đa phần là ở mức lãi suất cao. Nay khi giá dầu giảm mạnh thì những khoản nợ này thực sự là những quả bom nổ chậm, nhất là khi chúng được thanh toán bằng chính đồng USD. Các nhà đầu tư trái phiếu e ngại đồng USD mạnh lên đồng nghĩa với việc nhiều công ty không đủ khả năng trả nợ. Họ sẽ buộc phải bán tháo tài sản và đó có thể sẽ là điểm đầu tiên gây đổ vỡ.

Hoài Thanh






Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN