Ông Kim Jong Un trực tiếp chỉ đạo vụ phóng vệ tinh ngày 12/12

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) sáng 14/12 đưa tin nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã trực tiếp chỉ đạo vụ phóng vệ tinh của nước này ngày 12/12 vừa qua và quan sát toàn bộ quá trình phóng.

Theo KCNA, ông Kim Jong Un đã ra chỉ thị bằng văn bản cho Ủy ban Công nghệ Vũ trụ Triều Tiên về việc phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3 (Quang Miêng Xâng-3) và có mặt tại Trung tâm Chỉ huy và Điều khiển vệ tinh vào lúc 9 giờ sáng ngày 12/12 (giờ địa phương), một tiếng trước khi vụ phóng được thực hiện.


 Ông Kim Jong Un trực tiếp chỉ đạo vụ phóng vệ tinh hôm 12/12.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh thành công của vụ phóng vệ tinh này "là một dịp để thể hiện lập trường kiên định của Triều Tiên thực hiện quyền hợp pháp sử dụng vũ trụ vào các mục đích hòa bình, phát triển khoa học công nghệ và kinh tế của đất nước". Ông cũng khẳng định Triều Tiên sẽ tiếp tục tiến hành các vụ phóng vệ tinh trong tương lai và đạt thành quả bước ngoặt trong các nghiên cứu khoa học.

Phản ứng về phát biểu trên của Nhà lãnh đạo Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cảnh báo "ông Kim Jong Un đang có lựa chọn sai lầm" khi chủ trương tiếp tục tiến hành các vụ phóng trong tương lai.

Vụ phóng vệ tinh của Triều tiên ngày 12/12 đã gây phản ứng mạnh từ các nước phương Tây vốn cho đây thực chất là một vụ thử tên lửa tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Giới chức tình báo Hàn Quốc cảnh báo khả năng Triều Tiên có thể tiến hành thử hạt nhân "bất cứ lúc nào" sau vụ phóng này.

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc ngày 13/12, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) Won Sei-hun cho rằng Triều Tiên đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ ba.

Nghị sĩ Chung Moon-hun thuộc Đảng Thế giới mới cầm quyền dẫn lời ông Won Sei-hun nhấn mạnh "Bình Nhưỡng có thể thử hạt nhân vào bất cứ thời điểm nào, có thể hôm nay hoặc ngày mai nếu họ muốn”.

Nhà chức trách Hàn Quốc cho biết quân đội nước này đang tăng cường theo dõi mọi di chuyển tại khu vực thử hạt nhân ngầm ở Punggye-ri, phía Đông Bắc Triều Tiên, nơi đã diễn ra hai vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng hồi năm 2006 và 2009.

Giới chuyên gia nhận xét rằng một vụ thử hạt nhân được tiến hành sau vụ phóng tên lửa là một động thái quen thuộc của Triều Tiên. Năm 2006, Bình Nhưỡng đã tiến hành thử hạt nhân lần thứ nhất chỉ ba tháng sau khi phóng thử tên lửa tầm xa Taepodong-2. Vụ thử hạt nhân lần thứ hai vào năm 2009, cũng diễn ra vào thời điểm 1 tháng sau khi phóng thử tên lửa.

Tiếp tục dư luận thế giới về vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên, Bộ Ngọai giao Panama ngày 13/12 ra một thông báo lên án vụ phóng này, coi đây là một hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, de dọa an ninh và hòa bình khu vực.

Cùng ngày, Chính phủ Chile cũng ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về động thái này của Triều Tiên đối với nền an ninh và hòa bình tại khu vực, đồng thời ủng hộ các nghị quyết của HĐBA yêu cầu Bình Nhưỡng kiềm chế, không có các hành động tương tự trong tương lai.

Chính phủ các nước Peru và El Salvador cũng bày tỏ quan ngại về vụ phóng tên lửa Unha-3 đưa vệ tinh của Triều Tiên lên quỹ đạo, kêu gọi các bên liên quan đối thọai trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và nhanh chóng tiến tới một sự đồng thuận và hiểu biết lẫn nhau, luôn đặt hòa bình và ổn định lên trên hết tại bán đảo Triều Tiên.




TTXVN/ Tin Tức

Người dân Triều Tiên ăn mừng phóng tên lửa thành công
Người dân Triều Tiên ăn mừng phóng tên lửa thành công

Bất chấp việc nước nhà có thể phải đối mặt với những trừng phạt sau vụ phóng tên lửa, người dân Triều Tiên đã có một ngày ăn mừng tưng bừng. Trong khi đó ở bên kia biên giới nhiều người Hàn Quốc xuống đường biểu tình phản đối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN