Hy Lạp lại tổng tuyển cử

Ngày 17/6, các điểm bỏ phiếu trên khắp Hy Lạp đã mở cửa để phục vụ cuộc tổng tuyển cử được tổ chức lại với một ý nghĩa quyết định, theo đó, số phận của quốc gia “chồng chất nợ nần” này sẽ được định đoạt, hoặc sẽ tiếp tục các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, hoặc ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).


Phiên đổi lính gác trước cổng Quốc hội Hy Lạp một đêm trước ngày bầu cử 17/6 quyết định “số phận” Hy Lạp trong Eurozone.

Khoảng 9,8 triệu cử tri Hy Lạp bắt đầu đi bỏ phiếu từ lúc 4 giờ GMT (11 giờ VN) trong cuộc bầu cử được dự đoán sẽ chứng kiến cuộc đua tranh gắt gao giữa đảng Dân chủ Mới theo đường lối bảo thủ vốn ủng hộ các gói cứu trợ tài chính của các định chế quốc tế và đảng Syriza cánh tả, phản đối chính sách chi tiêu khắc khổ.


Trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ngày 6/5 vừa qua ở Hy Lạp, không đảng nào hội đủ đa số ghế quá bán để giành quyền tự đứng ra thành lập chính phủ. Đảng Dân chủ Mới dẫn đầu, nhưng cũng chỉ giành 19,18% số phiếu, tương đương 109 ghế trong tổng số 300 ghế tại quốc hội, ít hơn nhiều so với 151 ghế cần thiết để có thể giành quyền tự đứng ra thành lập chính phủ. Đảng Syriza về thứ hai với 16,3% số phiếu (tương đương 50 ghế).


Chín ngày đàm phán thành lập chính phủ mới sau tổng tuyển cử đã liên tục thất bại do những ý kiến trái chiều giữa hai đảng giành nhiều ghế nhất về kế hoạch cứu trợ dành cho Hy Lạp. Tổng thống nước này Karolos Papoulias ngày 16/5 buộc phải tuyên bố Hy Lạp sẽ tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn lại vào ngày 17/6.

 

“Cuộc bỏ phiếu của nỗi tuyệt vọng”?


Trong bối cảnh người dân Hy Lạp tham gia cuộc bầu cử có thể quyết định tương lai của họ trong Eurozone, việc các chính đảng đang mâu thuẫn gay gắt không thể tìm được tiếng nói chung báo hiệu một tương lai đầy bất ổn đối với đất nước này.


Hai đối thủ chính là đảng Dân chủ Mới và đảng Syriza đều cam kết thành lập một chính phủ có trách nhiệm đàm phán lại các điều kiện hà khắc của gói cứu trợ mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Hy Lạp, tuy nhiên họ muốn đàm phán theo các điều khoản riêng của mình.


Theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất được công bố hồi đầu tháng này, vấn đề hiện nay là không đảng nào có khả năng nắm quyền điều hành nếu không thành lập liên minh, và theo nhận định của giới phân tích, ngay cả việc thành lập một chính phủ liên minh mong manh cũng khó.


Giới phân tích nhận định, bất kỳ chính phủ nào ở Hy Lạp trong tương lai cũng đều phải đối mặt với một nhiệm vụ bất khả thi, đó là vừa phải làm hài lòng những người dân đang kêu gọi giảm bớt chính sách “thắt lưng buộc bụng” được áp đặt trong hai năm qua, vừa phải đáp ứng được điều kiện của các chủ nợ EU và IMF rằng Hy Lạp phải tuân thủ chính sách này.


Nếu cánh tả cực đoan giành được đa số tại quốc hội để thành lập chính phủ, Hy Lạp có khả năng ra khỏi Eurozone. Sự kiện này sẽ là cơn địa chấn cho cả Hy Lạp lẫn EU. Có ý kiến cho rằng, rất nhiều người theo dõi cuộc bầu cử quốc hội lần thứ hai tại Hy Lạp với con mắt bi quan. “Đây là cuộc bỏ phiếu của nỗi tuyệt vọng” là lời của Bộ trưởng Nội vụ Hy Lạp Antonis Manitakis. Là người phụ trách cuộc bỏ phiếu, ông Manitakis nói rằng, “do sự nghiệt ngã của chính sách “thắt lưng buộc bụng” nên đối với rất nhiều người Hy Lạp, cam kết siết chặt ngân sách với châu Âu bị coi là nguyên nhân của các bất hạnh, chứ không phải là hệ quả của tình trạng khủng hoảng”.


Xem ra, điều tưởng chừng như không thể tưởng tượng nổi lại sắp xảy ra. Các ngân hàng, các chính phủ và các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho khả năng Hy Lạp ra khỏi Eurozone - một động thái có thể khiến tình hình bất ổn lan khắp hệ thống tài chính toàn cầu. Viễn cảnh xấu nhất có thể xảy ra là các chính phủ không thể trả nổi những khoản nợ của mình, mọi người đột ngột rút tiền gửi của họ ra khỏi các ngân hàng châu Âu và tình trạng thu hẹp tín dụng diễn ra trên toàn thế giới.


Các chủ ngân hàng - những người đang lên kế hoạch dự trù cho sự ra đi của Hy Lạp - nói rằng họ tin các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải hành động. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác đã rút ra kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và sẽ nỗ lực để ngăn chặn viễn cảnh kinh hoàng này lặp lại một lần nữa.


Hồng Hạnh (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN