Đằng sau sự sụt giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc

Lần đầu tiên sau 3 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lại quay trở về dưới ngưỡng 8%. Đành rằng khi quy mô kinh tế tăng lên, việc giữ tốc độ tăng trưởng cao không phải là chuyện dễ dàng, nhưng dường như mọi người đã quen với việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao và là động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới như từng thể hiện sau cơn “sóng thần tài chính” năm 2008 nên, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm xuống, nỗi lo đã vội dấy lên.

Tuy nhiên, phải thấy rằng đầu tháng 3 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 là 7,5% và tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong thời gian thực hiện Quy hoạch Phát triển Kinh tế, Xã hội 5 năm lần thứ 12 được thiết kế ở mức 7%. Điều đó có nghĩa, chính phủ Trung Quốc sớm có sự chuẩn bị cho khả năng kinh tế giảm tốc và chủ động thuận theo xu thế phát triển kinh tế. Đồng thời, do việc duy trì tăng trưởng kinh tế trên 8%/năm thông qua đầu tư của chính phủ không thể đạt được thành công lâu dài vì nó mang tới sự thấu chi quá lớn về tài lực, nhân lực cũng như tài nguyên môi trường. Hơn nữa, tăng trưởng như vậy không chỉ không thể nào mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, mà còn gây ra không ít rủi ro bởi mở rộng tăng trưởng tín dụng mạnh đã hình thành bong bóng nhà đất và do vấn đề quản lý, nên còn làm nợ xấu ngân hàng tăng lên.

Tăng trưởng kinh tế quý II/2012 của Trung Quốc chậm lại là kết quả của chính sách điều tiết vĩ mô đối với thị trường bất động sản. Ảnh: Internet


Chính vì vậy, tăng trưởng GDP quý II/2012 của Trung Quốc tuy chỉ đạt 7,6%, thấp nhất trong 3 năm lại đây, làm một số nhà đầu tư thất vọng, nhưng rõ ràng là đang đi về hướng mục tiêu điều tiết vĩ mô, về căn bản không trượt ra ngoài quỹ đạo quy hoạch phát triển kinh tế lâu dài của chính phủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc GDP quý II/2012 của Trung Quốc quay trở về dưới ngưỡng 8% còn là kết quả của chính sách điều tiết vĩ mô đối với thị trường bất động sản của chính phủ Trung Quốc. Nhiều năm qua, do mở van tín dụng, nên thị trường bất động sản Trung Quốc khởi sắc mạnh mẽ, trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng nếu việc xây dựng nhà thúc đẩy tiến trình đô thị hóa và sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nhà đất giúp nâng cao toàn diện mức độ phúc lợi về nơi ăn chốn ở của người dân, kiểu tăng trưởng như vậy sẽ không phải là vấn đề. Theo chuyên gia phân tích Dị Hiến Dung, nghiêm trọng ở chỗ thị trường bất động sản phát triển với tốc độ chóng mặt đã trở thành công cụ đội giá các loại tài sản ở Trung Quốc, công cụ để một nhóm người giành lấy tài sản của đại đa số người dân.


“Bất động sản hóa” nền kinh tế, bài học đã có ở Ailen và đang gây ra những khó khăn lớn tại Tây Ban Nha, đặc biệt là đối với ngành ngân hàng. Chính sách điều tiết thị trường bất động sản của Chính phủ Trung Quốc có thể nói là hành động chặn trước, không để nền kinh tế phải đối mặt với nguy cơ “bất động sản hóa” và đưa tăng trưởng GDP theo hướng chất lượng. Bởi đối với người phương Đông nói chung và người Trung Quốc nói riêng, tư tưởng “an cư lạc nghiệp” vẫn còn in đậm. Tiền tích lũy mua nhà vô hình trung đã trở thành lực cản đối với việc phát triển tiêu dùng trong nước. Điều này là rất quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới đi xuống, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do nhu cầu bên ngoài thu hẹp.


Cũng giống như năm 2008, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang đứng trước hai con đường. Thứ nhất là lựa chọn giống năm 2008, toàn lực duy trì tăng trưởng và nói như tờ Thương báo Bắc Kinh, kết quả là đã đánh mất cơ hội tốt để điều chỉnh cơ cấu kinh tế, làm cho mâu thuẫn tầng sâu của nền kinh tế tích lũy dày thêm. Thứ hai là chỉ cần tốc độ tăng trưởng kinh tế không giảm xuống mạnh, tận dụng triệt để thời cơ này, ra sức thúc đẩy cải cách thị trường và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, không phải là thực hiện tăng trưởng dựa trên việc tăng thêm đầu tư tài nguyên, mà là tiến hành mở rộng không gian thị trường, giảm giá thành gia nhập thị trường, thông qua cải cách để giải phóng sức sống của sự phát triển kinh tế.


Những gì mà Trung Quốc đang tiến hành cho thấy nước này đang hướng về việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Thời kỳ tăng trưởng kinh tế tốc độ cao dựa trên giá thành lao động thấp, hi sinh môi trường để đổi lấy giá thành tài nguyên thấp, đầu tư chính phủ với quy mô lớn có thể nói đã trở thành quá khứ. Giảm tốc đang là xu thế lớn của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, nhưng sự giảm tốc đó không đồng nghĩa với một tín hiệu xấu. Cộng thêm việc Chỉ số Quản lý sức mua ngành phi chế tạo tăng trở lại, Chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới vẫn giữ ở mức cao…, cho dù CPI tháng 6 của Trung Quốc chỉ tăng 2,2%, là mức thấp nhất trong 29 tháng qua, không thể nói kinh tế Trung Quốc đã bước vào giảm phát. Chính vì vậy, theo nhiều nhà phân tích, thị trường nên loại bỏ nếp hằn tư duy rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao, không nên quá lo lắng về việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đi xuống.

Hà Ngọc(P/v TTXVN tại Hồng Công)

Trung Quốc duy trì chính sách tiền tệ thận trọng
Trung Quốc duy trì chính sách tiền tệ thận trọng

Ngày 13/7, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tái khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách tài chính linh hoạt và chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2012.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN