“Con sâu làm rầu nồi canh”

Chuyện ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn ngày 25/4 cùng lãnh đạo ngành du lịch Hà Nội trực tiếp đến xin lỗi bà Schultz Ilona Jane, một khách du lịch người Úc bị người lái xích lô "chặt" 1,3 triệu đồng cho cuốc xe từ phố Ông Ích Khiêm về đến Hàng Trống... được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Từ sự việc trên, người đứng đầu ngành du lịch thừa nhận rằng, tuy chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng nếu không có giải pháp ngăn chặn, nó sẽ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Những ai quan tâm đến du lịch Việt Nam, chắc hẳn sẽ khấp khởi mừng với con số hơn 6 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm qua. Với lợi thế về điều kiện địa lý, với sức thu hút của một đất nước có nhiều di sản thế giới, có nền chính trị, xã hội ổn định,... "ngành công nghiệp không khói" không chỉ đem lại nguồn thu lớn cho đất nước, mà còn là một kênh quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.


Dẫu vậy, vẫn có những chuyện phiền lòng trong việc tạo dựng một môi trường du lịch thân thiện với du khách. Đã có không ít khách du lịch trở thành nạn nhân của tình trạng chèo kéo, chặt chém tại các khu du lịch, tham quan. Nhẹ thì bị ép giá, mua phải hàng rởm, hàng giả; nặng thì bị lường gạt, bị móc túi tiền bạc, tư trang… Công ty Viettravel cho biết, trung bình mỗi tháng họ có từ 5-7 khách du lịch nước ngoài bị móc túi hoặc bị cướp giật đồ. Đó chính là nỗi ám ảnh của rất nhiều khách quốc tế khi đến Việt Nam. Thực tế, việc khách du lịch nước ngoài bị hét giá, “chặt chém” đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, số trường hợp khách du lịch kịp thời khai báo như vị khách người Úc là hiếm gặp. Dù hành động xin lỗi kịp thời của vị lãnh đạo Tổng cục Du lịch rất đáng hoan nghênh, thế nhưng nếu sự việc tương tự lại tái diễn, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Chẳng lẽ cứ mỗi lần như vậy, người lãnh đạo của ngành lại phải đích thân đi… xin lỗi du khách!


Sự việc một blogger nổi tiếng người Mỹ nói xấu du lịch Việt Nam đăng tải trên Huffingtonpost đầu năm ngoái dù bị dư luận trong nước phản ứng dữ dội, song những gì bài viết đề cập đã khiến nhiều người phải suy nghĩ. Chúng ta không thể ngăn được việc du khách nói xấu về du lịch Việt Nam, song qua đó cũng cho thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền địa phương có điểm du lịch.


Tuy chưa có con số thống kê chính thức các trường hợp khách du lịch bị “chặt chém”, hay bị cướp giật đồ (bởi không phải người nào cũng đi trình báo cơ quan chức năng như vị du khách người Úc), nhưng nếu tiếp tục xem nhẹ và không quy rõ trách nhiệm, thì hậu quả của nó sẽ không nhỏ. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, khoảng 80-85% số du khách nước ngoài được hỏi, họ đều trả lời không muốn quay trở lại Việt Nam. Một mặt do họ cảm thấy nhàm chán với những sản phẩm du lịch trùng lặp, mặt khác là ấn tượng xấu về những vấn nạn ăn xin, bán hàng rong, chèo kéo, chèn ép du khách, môi trường và an toàn tại các điểm du lịch.


Để môi trường du lịch thật sự trong sạch, có lẽ chỉ hô hào thôi chưa đủ. Ðã đến lúc, các cơ quan chức năng phải có những biện pháp đồng bộ, kiên quyết để xử lý triệt để và làm thay đổi căn bản ý thức làm du lịch chộp giật.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN