Châu Phi xuất hiện hai con "sư tử" về tăng trưởng kinh tế

Châu Á có "rồng" kinh tế thì châu Phi có "sư tử" khi hai nước châu Phi được dự báo có mức tăng trưởng kinh tế kỷ lục trong năm 2011 là Gana ( +12%) và Êtiôpia (+10%).

Theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), GDP của Gana chỉ trong vòng một năm sẽ tăng gấp đôi từ +5,9% (năm 2010) lên +12% (năm 2011) nhờ dầu mỏ. Ngân hàng Thế giới còn đưa ra con số cao hơn +13,4%. Trong khi đó tăng trưởng GDP của Tây Phi năm 2011 là 5,9% và của toàn châu lục chỉ đạt 3,7%.

Ảnh: Internet


Gana đang ở trong thời kỳ phát triển mạnh khi trong giai đoạn 1993- 2006 quy mô kinh tế của nước này đã tăng gấp 3 lần nhờ sự phát triển được nhà phân tích Adrien Hart đánh giá là "thần kỳ" dựa vào "vàng đen" và nền tảng xã hội vững chắc.

Hiện nay Gana sản xuất khoảng 80.000 thùng dầu/ngày và sẽ tăng lên 120.000 thùng/ngày từ tháng Tám tới. Gana đã phát hiện được một số mỏ mới và Tổng thống John Atta Mills dự tính sẽ xây thêm nhà máy lọc dầu thứ hai, đưa Gana thành nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai châu Phi, sau Nam Phi. Dầu mỏ là một động lực, nhưng không phải duy nhất của nền kinh tế Gana vì nước này còn là nhà sản xuất ca cao lớn thứ hai châu lục, sau Cốt Đivoa.

Nằm ở phía Đông vùng Sừng châu Phi, từ năm 2004 đến nay, Êtiôpia có mức tăng trưởng kinh tế dao động trong khoảng 8,8% (năm 2010) và 12,6% (năm 2005). Báo cáo của AfDB-OECD dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ lên mức 10% năm nay, cao thứ hai ở châu Phi và cao hơn nhiều so với các nước miền Đông (6,7%).

Trung Quốc hiện đã thay thế Đức để trở thành nước nhập khẩu hàng hóa chính và cũng chiếm luôn vị trí số một của Arập Xêút trong lĩnh vực xuất khẩu vào Êtiôpia. Trao đổi hàng hóa song phương đã tăng gấp 10 lần trong vòng 8 năm, từ 100 triệu USD năm 2002 lên hơn 700 triệu USD năm 2006 và hơn 1 tỷ USD trong thời kỳ 2009-2010.

Chính sách "Châu Phi của Trung Quốc" ở Êtiôpia, như ông Adrien Hart nhận xét, là một "thực tế" với sự có mặt của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực từ xây dựng, viễn thông đến sản xuất điện. Trung Quốc tham gia đa số các dự án sản xuất điện ở nước này, lĩnh vực được coi là chiến lược để một nước có thể phát triển kinh tế trong khi thiếu điện là một trong những trở ngại đối với tăng trưởng ở châu Phi.

Trần Mạch
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN