Châu Âu: Tìm giải pháp cho khủng hoảng nợ công

Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố các quy định mới, trong đó buộc các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ và cho phép EC áp đặt trừng phạt đối với các ngân hàng tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tài chính mới.

Quy định mới được đưa ra trong nỗ lực tăng cường khả năng phục hồi của 8.200 ngân hàng trong Liên minh châu Âu (EU) sau khi nhiều ngân hàng đã được cứu trợ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ủy viên phụ trách các thị trường nội khối của EU, Michel Barnier, khẳng định châu Âu sẽ đi tiên phong trong việc thực thi thỏa thuận toàn cầu Basel III được ký tại Basel (Thụy Sỹ) tháng 9/2010 về quản lý tiền vốn và khả năng thanh khoản của các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ phải nắm giữ "vốn nhiều và hiệu quả hơn" để tự chống chọi với các cú sốc tài chính xảy ra trong tương lai, thay vì phụ thuộc vào các gói cứu trợ tài chính của chính phủ. Ông Barnier cho biết các ngân hàng châu Âu, hiện chiếm 53% tài sản ngân hàng toàn cầu, sẽ phải tăng gấp ba mức vốn điều lệ hiện nay lên 460 tỷ euro vào năm 2019.

Ngoài ra, EC còn đề xuất rằng các nhà giám sát tài chính EU cần phải được tăng thêm quyền lực để giám sát các ngân hàng chặt chẽ hơn cũng như áp đặt các lệnh trừng phạt khi họ phát hiện rủi ro ở mức cao.

Ngày 21/7 các nhà lãnh đạo Eurozone đã nhóm họp khẩn cấp tại Brúcxen (Bỉ) để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp để tránh nguy cơ tạo ra hiệu ứng "đôminô" vỡ nợ công trong Eurozone khi mà có tới gần 1/3 số nước thành viên đang bị nghi ngờ về khả năng trả nợ, dẫn tới có thể làm lung lay cả vị thế của đồng tiền chung châu Âu.

Theo Chủ tịch EC, Jose Manuel Barroso, tình hình rất nghiêm trọng, đòi hỏi phải có phản ứng, nếu không hậu quả tiêu cực sẽ không chỉ tác động tới tất cả các nước châu Âu, mà còn lan ra toàn thế giới". Do vậy, Hội nghị thượng đỉnh lần này ít nhất cũng phải thống nhất được các biện pháp rõ ràng để đảm bảo tính bền vững cho khu vực tài chính công của Hy Lạp.


Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng nếu không nhất trí được một giải pháp có hiệu quả, thì "cái giá phải trả" sẽ là quá đắt, không chỉ đối với Eurozone, mà cả nền kinh tế toàn cầu.

Trước thềm Hội nghị, Đức và Pháp - hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone - đã đạt được "lập trường chung" về gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp, nước hiện đang phải "gánh" núi nợ công lên tới 340 tỷ euro, chiếm 150% GDP và không còn khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Hoàng Hà
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN