Châu Âu tiếp tục thắt chặt an ninh

Trước nguy cơ những vụ khủng bố tương tự như ở Pháp có thể lan rộng, các nước châu Âu tiếp tục thắt chặt an ninh nhằm bảo vệ công dân nước mình.

Cảnh sát Brussels (Bỉ) phong tỏa khu vực nghi ngờ có bom ở Brussels ngày 14/1. Ảnh: AFP-TTXVN


Theo phóng viên TTXVN tại Italy, ngày 16/1, Viện công tố Rome và cảnh sát thủ đô đã yêu cầu các cơ quan truyền thông lớn có trụ sở ở Rome phải gia tăng các biện pháp an ninh nhằm đối phó với nguy cơ khủng bố, bao gồm việc canh gác cửa ra vào các tòa soạn báo, hãng thông tấn và đài truyền hình, lắp đặt các thiết bị dò kim loại, các camera an ninh phải nối với các trung tâm kiểm soát của cảnh sát và hiến binh.

Cảnh sát cũng đã được tăng cường ở khu vực quanh đài truyền hình nhà nước RAI và hãng tin ANSA, trong khi các cơ quan thông tin trực thuộc Vatican cũng được cảnh sát Italy tuần tra bảo vệ. Các trường học ở vùng Lazio và thủ đô Rome đã cảnh báo học sinh và các gia đình không đến thủ đô Paris (Pháp) và khu vực lân cận trong thời gian này.

Các viện công tố ở nhiều thành phố Italy cũng đang điều tra hơn 30 người Hồi giáo sống ở nước này bị cho là có "cảm tình" với phong trào thánh chiến Hồi giáo. Hiện Italy đã đặt mức cảnh báo cao nhất sau khi các nguồn tin tình báo Mỹ và Israel khẳng định Italy và Vatican sẽ là mục tiêu tấn công tiếp theo của lực lượng phiến quân "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Ngày 15/1, cảnh sát Đức đã bắt giữ một đối tượng tình nghi ủng hộ IS. Tổng công tố liên bang Đức cho biết đối tượng trên là Ayub B, 26 tuổi, mang quốc tịch kép Đức và Tunisia, vừa trở về sau thời gian ở Syria. Người này được cho là đã tham gia các khóa huấn luyện chiến đấu của IS tại Syria từ tháng 5-8/2014.

Giống như các quốc gia Tây Âu khác, Đức đang nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng của tư tưởng Hồi giáo cực đoan trong thanh niên. Một vài người trong số đó muốn tới Syria hay Iraq để chiến đấu cùng lực lượng thánh chiến IS. Giới chức Đức cũng lo ngại rằng những đối tượng cực đoan này có thể trở về nước để lên kế hoạch tấn công. Hiện có ít nhất 550 người Đức đang tham chiến tại Syria và khoảng 180 người đã trở về nước.

Các biện pháp thắt chặt an ninh tại các nước châu Âu được triển khai tích cực hơn sau vụ tấn công khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan nhằm vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris (Pháp) và các vụ bắt cóc con tin sau đó khiến 17 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.


TTXVN/Tin tức
Hiểm họa khôn lường
Hiểm họa khôn lường

Trước hiểm họa khủng bố hiện hữu rõ rệt hơn bao giờ hết tại châu Âu, cảnh báo khủng bố đã được nâng lên mức cao nhất kể từ sau vụ 11/9, bởi nhiều nguồn tin tình báo thu thập được cho thấy các cuộc tấn công ở Pháp có thể chỉ là sự khởi đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN