05:00 30/05/2013

Tin tặc Trung Quốc tấn công bí mật quân sự Mỹ

Thiết kế của một số hệ thống vũ khí nhạy cảm và quan trọng bậc nhất của Mỹ có thể đã lọt vào tay tin tặc Trung Quốc, báo cáo mật của Ban Khoa học Quốc phòng (DSB) - một nhóm cố vấn cấp cao về phát triển khoa học quân sự của Lầu Năm góc - cho biết.

Thiết kế của một số hệ thống vũ khí nhạy cảm và quan trọng bậc nhất của Mỹ có thể đã lọt vào tay tin tặc Trung Quốc, báo cáo mật của Ban Khoa học Quốc phòng (DSB) - một nhóm cố vấn cấp cao về phát triển khoa học quân sự của Lầu Năm góc - cho biết.

 

Âm mưu đánh cắp thiết kế quân sự


Tờ Washington Post ngày 28/5 dẫn báo cáo nói trên nói rằng tin tặc Trung Quốc đã tìm cách thu thập các bản thiết kế vũ khí và đây là một phần trong chiến dịch gián điệp nhằm vào các cơ quan chính phủ và các nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Mỹ. DSB cho biết tin tặc đã tiếp cận được bản thiết kế của hơn 20 loại vũ khí tối quan trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa, máy bay chiến đấu và tàu hải quân, cùng 30 công nghệ quốc phòng khác. Các công nghệ tiên tiến bị lộ có thể làm suy yếu lợi thế quân sự của Mỹ khi xảy ra xung đột.


 

Thiết kế tàu tác chiến ven bờ (LCS) của Mỹ là một trong các mục tiêu tấn công của tin tặc Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Các bản thiết kế bị tin tặc Trung Quốc xâm nhập bao gồm hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Patriot và hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Hải quân Mỹ. Các thiết kế máy bay chiến đấu và tàu chiến cũng nằm trong số mục tiêu bị tấn công, trong đó có thiết kế máy bay tàng hình F-35, máy bay chiến đấu F/A-18, máy bay Osprey V-22, trực thăng Black Hawk và mẫu tàu tác chiến ven bờ mới.


Các chương trình vũ khí bị tấn công đều do các nhà thầu quốc phòng lớn phát triển như Boeing, Lockheed Martin, Northrop Grumman và Raytheon. Người phát ngôn của Northrop Grumman nói: “Số vụ tin tặc tìm cách chọc thủng hệ thống mạng của chúng tôi đang tăng ở mức đáng báo động”.


Một báo cáo khác do Lầu Năm góc gửi tới Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng 5 cũng nói rằng gián điệp mạng của Trung Quốc muốn đánh cắp thông tin về kế hoạch quân sự và chính sách đối ngoại của Mỹ. Báo cáo nhận định chiến dịch do thám mạng này giúp quân đội Trung Quốc "xây dựng một bức tranh về mạng lưới quốc phòng, hậu cần và các thực lực quân sự có liên quan của Mỹ - những thông tin có thể khai thác nếu xảy ra khủng hoảng". Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng George Little phủ nhận ý kiến cho rằng các vụ gián điệp mạng có thể khiến thực lực quân sự của Mỹ bị "xói mòn".

 

Tin tặc phủ mây đen quan hệ Mỹ - Trung


Mặc dù báo cáo của DSB không nói rằng chính phủ Trung Quốc có liên quan đến các vụ tấn công nói trên, vấn đề an ninh mạng sẽ là một trong những quan ngại chính mà Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra tại các cuộc gặp chính thức với Trung Quốc. Vấn đề an ninh mạng dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận trong các cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel với các nhà lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc cuối tuần này tại hội nghị an ninh Shangri La ở Singapore. Đây cũng sẽ là một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ở bang California vào đầu tháng 6 tới.


Ông Tom Donilon, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, người đang có mặt tại Bắc Kinh để chuẩn bị nội dung cho cuộc gặp cấp cao, đã cảnh báo rằng các vụ tấn công mạng ngày càng gia tăng có thể làm tổn thương mối quan hệ giữa hai nước. Trước đó, ông Donilon nhận định rằng các cuộc tấn công qua mạng đã đạt một quy mô chưa từng có và kêu gọi chính phủ Trung Quốc nghiêm túc điều tra các cáo buộc về các vụ tin tặc có nguồn gốc từ nước này.


Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc đứng đằng sau các chiến dịch do thám mạng nhằm vào lợi ích của Mỹ, cho rằng những cáo buộc này là vô trách nhiệm và không có bằng chứng.


Thùy Dương (tổng hợp)