06:05 07/06/2014

Tin tặc Trung Quốc đánh cắp gì của Mỹ?

Gần đây, 5 tin tặc quân đội Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc xâm nhập các công ty Mỹ, đánh cắp bí mật thương mại và bị buộc tội là gián điệp kinh tế. Trung Quốc coi cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ, “hư cấu” và “đạo đức giả”. Vụ việc đã khiến quan hệ hai nước thêm căng thẳng.

Gần đây, 5 tin tặc quân đội Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc xâm nhập các công ty Mỹ, đánh cắp bí mật thương mại và bị buộc tội là gián điệp kinh tế. Trung Quốc coi cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ, “hư cấu” và “đạo đức giả”. Vụ việc đã khiến quan hệ hai nước thêm căng thẳng.

 

Các tin tặc Trung Quốc bị Mỹ truy nã.


Theo các buộc của Bộ Tư pháp Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã nhằm vào “trái tim” của các doanh nghiệp Mỹ khi các nạn nhân trong vụ trên toàn là các tập đoàn khổng lồ của nước này. Danh sách nạn nhân gồm: Tập đoàn thép Mỹ US Steel - nhà sản xuất thép lâu đời nhất và lớn nhất của Mỹ; Alcoa - nhà sản xuất nhôm lớn thứ ba trên thế giới; công ty điện lực Westinghouse, một trong những công ty phát triển năng lượng hạt nhân hàng đầu thế giới; SolarWorld AG - một công ty công nghệ năng lượng mặt trời hàng đầu; và Nghiệp đoàn công nhân thép Mỹ - một trong số các công đoàn mạnh nhất của Mỹ.


Các tin tặc Trung Quốc bị cáo buộc đã đánh cắp những gì từ những công ty này và những thứ bị đánh cắp có tầm quan trọng thế nào?


1. Công nghệ năng lượng mặt trời


Các tin tặc đã bị cáo buộc đánh cắp sáng chế công nghệ về tấm năng lượng mặt trời và quy trình sản xuất của Công ty SolarWorld AG có trụ sở tại Đức. Với những thứ này, các nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời của Trung Quốc có thể chiếm đoạt thành quả nghiên cứu mà các nhà khoa học Mỹ và Đức đã mất hàng năm mới phát triển được.

Một binh sĩ gác tại tòa nhà được cho là “căn cứ” của “quân đoàn tin tặc bí ẩn” tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.


Theo Bộ Tư pháp Mỹ, tin tặc Trung Quốc Ôn Tân Dư đã đánh cắp hàng ngàn thư điện tử và các dữ liệu khác từ ba giám đốc điều hành cấp cao của SolarWorld năm 2012. Thông tin đánh cắp vừa giúp các công ty Trung Quốc tiếp cận với công nghệ của Mỹ vừa giúp Trung Quốc dự báo được đường đi nước bước của nhà quản lý Mỹ. Bày tỏ lo ngại về việc này, ông Ben Santarris, Giám đốc chiến lược của Solarworld AG, nói: "Có hàng ngàn thư điện tử với nhiều dữ liệu nhạy cảm bị xâm nhập và các thông tin này có thể phục vụ cho mọi hình thức cạnh tranh không lành mạnh".


2. Công nghệ nhà máy năng lượng hạt nhân


Trung Quốc đã đánh cắp công nghệ hạt nhân từ Công ty điện lực Westinghouse ở bang Pennsylvania. Đây chính là công ty đang đàm phán để chuyển giao công nghệ cho một công ty nhà nước của Trung Quốc. Tin tặc Sun Kailing, một trong các tin tặc bị Mỹ truy nã, được cho là đã truy cập vào máy tính của Westinghouse, ăn cắp thông số kỹ thuật và thiết kế các đường ống, trụ đỡ đường ống và thông tin tuyến đường ống. Nhờ đó, các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc có thể xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân đẳng cấp thế giới mà không cần phải tự mày mò nghiên cứu.

 

3. Thông tin nội bộ về chiến lược kinh doanh của Mỹ


Tin tặc Trung Quốc đã bắt đầu thâm nhập Công ty Westinghouse từ năm 2010 và tiếp tục đến năm 2011. Họ thậm chí đã tiếp cận được thông tin của tổng giám đốc điều hành công ty. Một số thư điện tử bị đánh cắp chứa thông tin về chiến lược kinh doanh của Westinghouse nhằm đạt được thỏa thuận với công ty nhà nước Trung Quốc nói trên.


Đó là một “chiêu” mà các chuyên gia cho rằng tin tặc Trung Quốc đã từng sử dụng trước đây để tạo lợi thế cho các công ty Trung Quốc trong đàm phán. Ông George Kurtz, Giám đốc điều hành của CrowdStrike, một công ty an ninh tư nhân theo dõi tin tặc được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, ví hành động của tin tặc Trung Quốc giống như việc một người đi quanh bàn đàm phán, nhòm vào ghi chép của đối thủ để xem họ sẽ trả mức giá nào, sau đó về chỗ mình và trả giá cao hơn.


4. Dữ liệu cho phép Trung Quốc “qua mặt” cơ quan quản lý Mỹ


Các công ty Mỹ, đặc biệt là trong ngành sản xuất và công nghiệp nặng, đã phải đối mặt với cơn “đại hồng thủy” hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà nhiều mặt hàng đã bị phán quyết là bán phá giá ở Mỹ hoặc là nhập khẩu với giá thấp hơn giá thị trường. Tập đoàn thép lớn nhất của Mỹ U.S Steel đã đệ đơn kiện Trung Quốc để có thể áp đặt mức thuế với các mặt hàng Trung Quốc và bảo vệ thị trường của mình.


Vào đầu năm 2010, khi U.S Steel đang vướng vào hai vụ tranh chấp thương mại quốc tế với Trung Quốc về mặt hàng thép nhập khẩu không công bằng, tin tặc Sun Kailing bị cáo buộc đã gửi một thư điện tử giả mạo có cài phần mềm độc hại vào máy tính của nhân viên U.S Steel, trong đó có cả máy tính của Tổng giám đốc điều hành John Surma. Nhờ thư này, tin tặc có thể tiếp cận được kế hoạch kiện tụng công ty Trung Quốc của U.S Steel.


Trong một vụ khác, nghiệp đoàn công nhân thép Mỹ đã phát hiện các máy tính của họ bị xâm nhập và nhiều thư điện tử có thông tin chiến lược nhạy cảm của người trong nghiệp đoàn, trong đó có cả chủ tịch nghiệp đoàn, đã bị đánh cắp. Các thông tin nhạy cảm có thể kể đến như nội dung các cuộc thảo luận nội bộ bàn về chiến lược nhằm làm giảm các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc được giao thương gian lận.


Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những cáo buộc trên của Bộ Tư pháp Mỹ chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Các tin tặc Trung Quốc và một số quốc gia khác liên tục nhằm vào cả nền kinh tế Mỹ nói chung, “hớt” sở hữu trí tuệ và tìm cách đánh bại các công ty Mỹ. Ông George Kurtz nói: “Bất kỳ công ty nào trong danh sách 1.000 công ty Mỹ lớn nhất của tạp chí Fortune đều chịu tình trạng này. Họ đều bị tin tặc tấn công bằng hình thức này hay hình thức khác hoặc đã gặp sự cố này kia. Có hai loại công ty: một loại biết là mình đã bị xâm nhập và một loại nói rằng họ chưa phát hiện ra điều này”.


Công Thuận