10:20 09/10/2020

Tin nổi bật trong ngày 9/10

Bế mạc Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sau 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc; Làm rõ nguyên nhân, đôn đốc 18 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành kiểm kê đất đai 2019; 5 người chết, 8 người mất tích do mưa lũ ở miền Trung… là những thông tin nổi bật được bạn đọc quan tâm trong ngày 9/10.

Bế mạc Hội nghị lần thứ 13

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên bế mạc hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ngày 9/10, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, sau 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Các đồng chí Ủy viên Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, xác đáng vào các báo cáo, đề án.

Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn về: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo của Bộ Chính trị về các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị lần thứ 12 đến Hội nghị lần thứ 13; Báo cáo công tác tài chính Đảng năm 2019; xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị và ghi phiếu giới thiệu nhân sự các chức danh Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao thông qua Nghị quyết của Hội nghị.  Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc, nêu rõ một số vấn đề cần thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, xem xét khách quan, công tâm, toàn diện về dự kiến danh sách nhân sự tái cử và nhân sự lần đầu được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và các phương án lựa chọn; đồng thời phân tích, đánh giá, góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, bổ sung vào các báo cáo và phương án nhân sự.

Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự Trung ương khóa XII tái cử và nhân sự mới lần đầu được dự kiến giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (cả Ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết); bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII tái cử khóa XIII và giới thiệu nhân sự  mới lần đầu tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII. Kết quả rất tốt đẹp, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thống nhất rất cao với đề xuất của Bộ Chính trị.

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự căn cứ Nghị quyết của Hội nghị, Báo cáo kết quả giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và các ý kiến đóng góp của Trung ương, tiếp tục xem xét, rà soát thật kỹ, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Trung ương xem xét, quyết định thông qua tại các hội nghị Trung ương tiếp theo trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.

5 người chết, 8 người mất tích do mưa lũ ở miền Trung

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, mưa lũ ở khu vực Trung Bộ từ ngày 6 - 9/10 đã làm ngập lụt trên diện rộng tại Quảng Trị và ngập sâu tại Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế.

Chú thích ảnh
Nhân viên Công ty Điện lực Quảng Bình khắc phục sự cố do lũ lụt. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN

Tính đến sáng ngày 9/10 đã có nhiều thiệt hại về người và của do mưa lũ tại Trung Bộ và Tây Nguyên. Thống kê sơ bộ từ ngày 6 - 9/10, mưa lũ tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đã làm 5 người chết và 8 người mất tích. Trong đó, Quảng Trị bị thiệt hại lớn nhất, đã có 2 người chết và 6 trường hợp mất tích. Các địa phương khác cũng có thiệt hại về người do mưa lũ là Quảng Ngãi (1 người chết), Gia Lai (1 người chết), Đắk Lắk (1 người chết), Thừa Thiên - Huế (1 người mất tích), Gia Lai (1 người mất tích).

Thiệt hại về nông nghiệp, thủy sản của Quảng Trị cũng rất lớn khi có tới 538 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Trước đó, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho thấy, từ 19 giờ ngày 6/10 đến 19 giờ ngày 8/10, khu vực Trung Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 400-600mm, đặc biệt tại một số nơi ở tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tổng lượng mưa từ 800 đến 1.000mm.

Dự báo, trong các ngày 9/10 đến 10/10, các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi vẫn sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to với nguy cơ rất lớn về rủi ro thiên tai do mưa lớn. Cụ thể, tổng lượng mưa phổ biến ở khu vực này sẽ là 100-200mm, có nơi trên 300mm; ở Nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 10mm.

Làm rõ nguyên nhân, đôn đốc 18 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành kiểm kê đất đai 2019

Ngày 9/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân và Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương không hoàn thành tiến độ trong việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, Cục Viễn thám Quốc gia; Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Vụ Tài chính kế hoạch, Văn phòng Bộ cùng một số đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường ở địa phương.  

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính cho biết, tính đến ngày 8/10 đã có 27 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố đã gửi kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 về Tổng cục, trong đó có 18 địa phương chưa hoàn thành kiểm kê đất đai năm 2019. Trong số này có 14 địa phương chỉ mới hoàn thành kiểm kê đất đai cấp xã, cấp huyện và đang rà soát, chỉnh sửa và tổng hợp kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 cấp tỉnh.

Đó là các tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Đặc biệt, 4 tỉnh thậm chí chưa hoàn thành kiểm kê đất đai năm 2019 ở cấp huyện là Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa và Nghệ An. Ngoài ra, trên phần mềm TK online mới có 56 tỉnh, thành phố đưa toàn bộ dữ liệu cấp xã lên TK online.  

Tổng cục đã thành lập các đoàn công tác để kiểm tra đôn đốc đối với 4 tỉnh (Hà Giang, Hòa Bình, Kon Tum và Đắk Lắk) trong số 18 địa phương chưa hoàn thành việc kiểm kê đất đai cấp tỉnh năm 2019. Việc đôn đốc sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.  

Ông Đào Trung Chính cho biết thêm, nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do công tác chỉ đạo, triển khai ở các địa phương chưa quyết liệt; các địa phương chưa nhận được kinh phí hỗ trợ từ Trung ương; kinh phí địa phương nhiều tỉnh chậm được giao bổ sung (mặc dù dự toán kinh phí đã được UBND tỉnh phê duyệt), do đó chưa có cơ sở để đấu thầu để lựa chọn đơn vị thi công. Mặt khác, thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và công khai hồ sơ cũng như việc thực hiện đấu thầu được tiến hành qua mạng, dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu chậm.  

Bên cạnh đó, dù Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính" (dự án được phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-TTg) đã được thực hiện ở một số nơi, song nhiều địa phương chưa hoàn thành nên việc thống nhất đường địa giới kiểm kê đối với đơn vị hành chính cấp xã, huyện gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương có thay đổi địa giới hành chính cấp xã, huyện do thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính xã, huyện.  

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước, tỉnh Yên Bái bị chậm tiến độ kiểm kê đất đai là do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, trong đó có ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việc thiếu sự kiểm tra, đôn đốc của tỉnh đối với các huyện, xã cũng là một nguyên nhân.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, thời gian qua, công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất 2019 đã được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn. Các địa phương cũng thành lập Ban chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, kỳ kiểm kê lần này gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và do sự thay đổi địa giới hành chính cấp xã, huyện.  

“Công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng tới hoạch định phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là hiện nay các địa phương đang thực hiện quy hoạch cấp tỉnh. Nếu không có sổ kiểm kê đất đai thì không thể xác định nhu cầu sử dụng đất trong thời gian tới. Do đó, các địa phương cần hoàn thành việc kiểm kê đất đai và gửi báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20/10”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.

Phát hiện 3 xe ô tô sử dụng biển số quân sự và giấy tờ giả

Lúc 8 giờ 30 phút ngày 7/10, trong quá trình tuần tra, tổ Kiểm soát Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang phát hiện 3 xe ô tô tải thùng mang biển soát quân sự, chở 2.700 can dầu ăn (loại 25 lít/can) có dấu hiệu nghi vấn nên đã đưa về Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Hà Tiên để kiểm tra. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy cả 3 lái xe đều không phải là quân nhân, 3 xe ô tô mang biển kiểm soát quân sự: TK-65-65, TK-65-59, TK-65-79 và các giấy tờ theo xe đều không do Cục Xe - Máy, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng cấp.  

Theo điều tra ban đầu, chủ của 3 xe tải trên là ông Dương Văn Na, sinh năm 1962 (không phải là quân nhân), cư trú tại Khu phố 3, Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ông Na đã mua 3 xe ô tô tải thùng, biển số dân sự, hết niên hạn sử dụng. Để xe ô tô lưu hành, ông Na đã thuê một số đối tượng ở Thành phố Hồ Chí Minh (không rõ địa chỉ), dập biển số quân sự, làm giấy tờ giả của quân đội. Đồng thời, thuê Lâm Thành Hải, sinh năm 1986, thường trú tại Pháo Đài, Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; Trương Long Hải; sinh năm 1985, thường trú tại Đông Hồ, Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; Lê Kim Sơn, sinh năm 1987, thường trú tại An Phú, tỉnh An Giang điều khiển vận chuyển hàng hóa.

Vụ việc đã được cơ quan chức năng của Quân khu 9 bàn giao cho Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Kiên Giang điều tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bắt đối tượng làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Chú thích ảnh
Đối tượng Nguyễn Đức Duy tại cơ quan Công an. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an Tây Ninh đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Đức Duy (sinh năm 1993, thường trú huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) để điều tra làm rõ hành vi "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Trước đó, ngày 8/10/2020, tại một tiệm photocopy ở ấp Phước Đức B, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt khẩn cấp Nguyễn Đức Duy khi đối tượng đang làm giả các giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho các công nhân.

Qua điều tra xác định, Nguyễn Đức Duy làm việc tại một tiệm photocopy trên địa bàn huyện Gò Dầu. Nắm bắt được nhu cầu của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp muốn nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội mà không phải đi khám bệnh nên Duy đi tìm các mẫu giấy chứng nhận nghỉ việc của các trung tâm y tế rồi soạn lên máy tính sẵn.

Sau đó, khách hàng có nhu cầu, cung cấp thông tin để Duy điền vào mẫu và in ra. Mỗi tờ giấy chứng nhận giả nghỉ việc, Duy thu lợi 50 ngàn đồng. Tại thời điểm bị bắt, Duy đang in sẵn 3 mẫu giấy nghỉ việc giả mạo. Duy khai nhận, thời gian trước đó đã thực hiện làm giả rất nhiều giấy tờ cho công nhân có nhu cầu.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.  

V.T/Báo Tin tức