11:21 06/11/2020

Tin nổi bật trong ngày 6/11

Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành tại nghị trường Quốc hội về các vấn đề "nóng"; Việt Nam có thêm 5 ca mắc mới COVID-19 đều là ca nhập cảnh đã được cách ly ngay; khởi tố 4 đối tượng vận chuyển 51 kg vàng qua biên giới; xét xử phúc thẩm vụ án Phúc XO và đồng phạm... là những thông tin thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội trong ngày 6/11.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn rõ ràng, đúng trọng tâm

Ngày 6/11, ngày đầu tiên Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Đây cũng là phiên cuối cùng về hoạt động chất vấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nhằm đánh giá lại một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Ngay sau phát biểu khai mạc, Quốc hội đã nghe: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày các báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Tiếp đó, đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về các nội dung trên. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã trả lời các câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.

Hàng loạt các vấn đề "nóng" được dư luận quan tâm đã được chất vấn và các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời đúng trọng tâm như:

Trong lĩnh vực Giáo dục - đào tạo, các đại biểu tập trung chất vấn về: Kinh phí đổi mới chương trình sách giáo khoa; giải pháp giảm tải cho giáo viên; khối lượng kiến thức trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp; về tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục; nguyên nhân của việc nơi thừa, thiếu giáo viên; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…

Đối với lĩnh vực Thông tin và truyền thông, các đại biểu chất vấn về: Việc triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam; sự khác nhau giữa Chính phủ số và Chính phủ điện tử; giải pháp phát triển Chính phủ điện tử trong thời gian tới; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; việc thực hiện quy hoạch báo chí; tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí; giải pháp thúc đẩy sự phát triển của mạng xã hội Lotus; vấn đề tin giả, tin xấu, độc trên không gian mạng; việc quản lý nhà nước đối với mạng xã hội…

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đại biểu tập trung chất vấn về: Những giải pháp căn cơ trong phòng, chống thiên tai; nguyên nhân cơ bản của hiện tượng lũ lụt tại miền Trung; giải pháp đối với vấn đề biến đổi khí hậu; việc xây dựng các công trình đầu tư chống biến đổi khí hậu ở một số địa phương; nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng độ che phủ rừng của Việt Nam thấp hơn các nước lân cận; giải pháp đối với nguy cơ tuyệt chủng động vật hoang dã ở Việt Nam; giải pháp trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp; tổ chức thị trường nông nghiệp; việc sắp xếp tổ chức hệ thống quản lý thú y ở cơ sở; xây dựng bản đồ các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chỉ đạo, nghiên cứu vắc-xin dịch tả lợn châu Phi và xây dựng chương trình phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh giai đoạn 2020-2030 theo Nghị quyết 100 của Quốc hội…

Đối với lĩnh vực Quốc phòng và an ninh, các đại biểu chất vấn về: Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật an ninh mạng; giải pháp phòng chống tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em; vấn đề đạo đức công vụ của lực lượng công an; giải pháp bảo đảm môi trường an ninh mạng; bảo đảm quyền của luật sư trong hoạt động điều tra…

Đối với lĩnh vực Văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, các đại biểu chất vấn về những giải pháp và tiến độ nghiên cứu vắc-xin trong phòng, chống COVID-19 ở Việt Nam; vấn đề quản lý các khu du lịch có sản phẩm văn hóa có yếu tố tín ngưỡng; việc triển khai hướng dẫn thi hành Luật Du lịch…

Đối với lĩnh vực Lao động, thương binh, xã hội, các đại biểu chất vấn về: Biện pháp khắc phục sự chênh lệch giữa tiền lương cán bộ hưu trí trước và sau năm 1993; những giải pháp tạo việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động; trách nhiệm của ngành trước thực trạng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động; đề nghị tăng mức trợ cấp cho người bị tù đầy; các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do lũ lụt…

Đối với lĩnh vực Khoa học, công nghệ và môi trường, các đại biểu tập trung chất vấn về: Việc chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường của các pháp nhân; giải pháp cho việc chôn lấp rác thải hiện nay; tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; vấn đề xây dựng và phát triển thủy điện nhỏ; giải pháp để khắc phục tồn tại trong việc lập và trình duyệt dự toán chi trong lĩnh vực tài nguyên môi trường giai đoạn 2016-2020…

Đối với hoạt động tư pháp, các đại biểu tập trung chất vấn về: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ ngành tòa án; quyền của luật sư trong quy trình tố tụng; vấn đề giải quyết đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm; việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền con người, đặc biệt là đối với người già, trẻ em còn hạn chế; về tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật và việc triển khai chương trình xây dựng Luật; các giải pháp nâng cao chất lượng thi hành án dân sự, thi hành án hành chính…

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung chất vấn về một số vấn đề khác như: Những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam; vấn đề liên kết phát triển vùng; đạo đức cán bộ, công chức, công vụ; việc phát triển cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số; các giải pháp nâng cao hiệu quả chất lượng đầu tư đối với đồng bào dân tộc thiểu số; về công tác thi đua khen thưởng; vấn đề tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; việc thành lập các hãng hàng không tư nhân và xã hội hóa các cảng hàng không; việc hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp hàng không; về cải cách thủ tục hành chính; về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ công chức trong thực thi công vụ; nhà ở xã hội; các giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo, tranh chấp tại các dự án chưa được cấp quyền sở hữu; thu phí tự động tại các dự án BOT; giải pháp đột phá để đạt mức tăng trưởng GDP là 6% và tăng thu ngân sách, sử dụng vốn hiệu quả không làm tăng nợ công…

Ngày 6/11, Việt Nam có thêm 5 ca mắc mới COVID-19 đều là ca nhập cảnh đã được cách ly

Chú thích ảnh
Cách ly tập trung người dân để phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Tính đến 18 giờ ngày 6/11, Việt Nam có tổng cộng 1.212 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 14.064 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 209 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 12.926 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 929 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 6/11, có thêm 1 bệnh nhân là BN1148 được công bố khỏi bệnh. Hiện số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 18 ca, lần 2 là 7 ca, lần 3 là 5 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.070 ca.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đến thời điểm này, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 65 không phát hiện ca bệnh COVID-19 tại cộng đồng. Đây là một nỗ lực lớn trong bối cảnh thế giới dịch COVID-19 đang rất căng thẳng. Hiện, Việt Nam đã có 1.069 ca được chữa khỏi ra viện, hiện không có ca bệnh COVID -19 nào nặng.

Để tiếp tục duy trì những thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian tới các Sở Y tế và bệnh viện cần tiếp tục quán triệt sâu sắc để áp dụng và cải tiến các hoạt động phòng, chống dịch, rà soát các nguy cơ để sớm khắc phục ngay. Đồng thời cần xác định rõ các nguy cơ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ dịch bệnh.

Khởi tố, tạm giam 4 đối tượng vận chuyển 51 kg vàng qua biên giới 

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh An Giang vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh tạm giam đối với 4 đối tượng để tiếp tục điều tra về hành vi “Vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới”.

Liên quan đến vụ vận chuyển 51 kg vàng 9999 trái phép từ Campuchia về Việt Nam, sáng 6/11, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh An Giang vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh tạm giam đối với 4 đối tượng, gồm: Trần Văn Hải (sinh năm 1971), Nguyễn Văn Minh (Minh đen, sinh năm 1991), cùng trú tại xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang; Võ Minh Tâm( sinh năm 1987) và Phan Văn Bồ (sinh năm 1977), cùng trú tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang để tiếp tục điều tra về hành vi “Vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới”. Quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Trước đó, vào trưa 30/10/2020, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Đinh Văn Nơi, Công an tỉnh An Giang phối hợp cùng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nam Bộ tổ chức tuần tra trên tuyến biên giới, đã phát hiện một nhóm đối tượng điều khiển xuồng máy hướng từ Campuchia vào Việt Nam có biểu hiện nghi vấn. Khi đến khu vực thuộc ấp Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc (An Giang), các đối tượng cập xuồng máy vào bờ, rồi vác các bao tải và bọc nylon màu đen lên bờ. Phát hiện lực lượng Công an ập đến, các đối tượng liền chống trả quyết liệt và bỏ chạy xuống xuồng máy tẩu thoát. Lực lượng Công an đã kịp thời bắt giữ được đối tượng Trần Văn Hải.

Xét xử phúc thẩm vụ án Phúc XO và đồng phạm

Ngày 6/11, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa phúc thẩm, xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trần Ngọc Phúc (tên gọi khác là Phúc XO, sinh năm 1982) và các đồng phạm trong vụ án chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy và không tố giác tội phạm.

Tại phiên tòa, bị cáo Trần Ngọc Phúc trình bày bản thân đang bị bệnh teo cơ, xin giảm nhẹ hình phạt của bản án sơ thẩm. Đại diện Viện Kiểm sát tham dự phiên tòa cho rằng, bản án sơ thẩm đã cân nhắc đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, nên đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo Phúc mắc bệnh gây khó khăn cho việc đi lại, ngoài ra xét tình tiết mới là bị cáo Phúc đã nộp đủ số tiền phạt bổ sung, do đó Hội đồng xét xử tuyên chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ mức án xuống còn 10 năm tù đối với bị cáo Trần Ngọc Phúc.

Ngoài Phúc, Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Mộng Đang, giảm án từ 9 tháng tù xuống còn 3 tháng 6 ngày tù; bị cáo đã chấp hành án xong và được trả tự do tại tòa. Các bị cáo còn lại, Hội đồng xét xử tuyên bác kháng cáo, y án sơ thẩm.

Vân Sơn/Báo Tin tức