03:19 06/03/2021

Tin nổi bật ngày 6/3

Ngày 8/3 sẽ bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 tại 13 tỉnh, thành; Kon Tum khẩn trương truy tìm ba trường hợp trốn khỏi khu cách ly; cảnh báo doanh nghiệp khi giao dịch tại thị trường UAE; đề nghị truy tố ông Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh... là những thông tin nổi bật trong ngày 6/3.

Tỉnh Hải Dương được ưu tiên số 1 để tiêm vaccine phòng COVID-19 

Vì lượng vaccine phòng COVID-19 nhập về hạn chế nên trong đợt này chỉ có 13 tỉnh, thành phố có dịch được cấp vaccine, trong đó ưu tiên số 1 là tỉnh Hải Dương.

Chú thích ảnh
Lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên đã được về Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại Hội nghị trực tuyến về triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ngày 6/3.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong đợt này, số lượng vaccine phòng COVID-19 nhập khẩu về Việt Nam rất hạn chế. Vì vậy, trong kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 đợt đầu, Bộ Y tế sẽ tập trung cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 và những người trực tiếp tham gia phòng chống dịch, những người làm việc tại tất cả các cơ sở đang điều trị bệnh nhân COVID-19 để giảm thiểu yếu tố nguy cơ lây nhiễm cho những đối tượng này.

Theo kế hoạch, sáng 8/3, Hải Dương sẽ tổ chức tiêm mũi vaccine đầu tiên cùng với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và 900 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Riêng bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, có 7 đối tượng của bệnh viện được lựa chọn tiêm vaccine gồm: nhân viên y tế của khoa Nhiễm D; khoa Cấp cứu; khoa Khám bệnh; phòng Công tác xã hội; phòng Xét nghiệm sinh học phân tử; khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng Ban Giám đốc bệnh viện. Thời gian tiêm được chia theo hai ca, buổi sáng và buổi chiều ngày 8/3.

Sở dĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 đơn vị đầu tiên được lựa chọn tiêm vaccine phòng COVID-19 bởi nơi đây thường xuyên thực hiện việc tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm cho người dân; do đó việc tổ chức tiêm vaccine tại đây rất phù hợp khi có đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm, có các phác đồ chống sốc, cùng các trang thiết bị để hồi sức. Bên cạnh đó, từ khi dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là đơn vị nòng cốt trong việc tiếp nhận điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng...

Trong đợt triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 lần này là tiến hành sàng lọc trước khi tiêm, nhất là đối với người lớn. Vì vậy, thời gian triển khai tiêm có thể kéo dài hơn. Việc sàng lọc sẽ được tiến hành tối giản và áp dụng trên phần mềm công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá: “Chắc chắn sẽ có những tai biến sau khi tiêm, nhưng chúng ta không vì lý do này mà làm chậm lại, lung lay niềm tin vào vaccine. Trên thế giới đã xuất hiện phong trào anti vaccine, nhưng thực thế lợi ích của vaccine COVID-19 rất rõ ràng, để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Đến nay có thể khẳng định, 100% người được tiêm chủng vaccine nếu có mắc COVID-19 cũng sẽ biểu hiện nhẹ hơn và không tử vong. Vì vậy, người dân cần hiểu rõ lợi ích của vaccine và những phản ứng không mong muốn, để có niềm tin vào vaccine”.

Kon Tum khẩn trương truy tìm 3 trường hợp trốn khỏi khu cách ly

Sáng 6/3, ông Lê Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ký ban hành văn bản số 750/CV-BCĐ, giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các địa phương có liên quan khẩn trương truy tìm 2 trường hợp trốn cách ly, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 26/2/2021, A Thứ (26 tuổi, ở tổ dân phố 3, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) và Rơ Ma Hùng (15 tuổi ở làng Mít Zép, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) thì bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ.

Cả hai được đưa về khu cách ly của Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum để cách ly theo quy định. Trong quá trình cách ly (được 6 ngày) cả hai đều chấp hành tốt các nội quy, quy định của khu cách ly. Tối 4/3, cán bộ, chiến sỹ khu cách ly tổ chức gác theo quy định, kiểm tra phòng, kiểm tra số công dân cách ly đều đầy đủ. Đến khoảng 2-3 giờ ngày 5/3, lợi dụng đêm tối, cả hai trường hợp trên đã trốn khỏi khu cách ly, bằng cách chốt cửa bên trong, xé màn làm dây buộc, chui qua cửa sổ phía sau nhà vệ sinh ở tầng 2 để trốn.

Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, sau hơn 1 ngày trốn khỏi khu cách ly, đến 15 giờ ngày 6/3, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã bắt được 2 trường hợp trốn khỏi khu cách ly tại khu vực xã Ia Đal huyện Ia H’Drai.

Chú thích ảnh
Nguyễn Văn Hậu - người trốn khỏi khu cách ly y tế tập trung ở Campuchia, nhập cảnh trái phép về Việt Nam qua địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN phát

Cũng trong ngày 6/3, ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang và Ủy ban nhân dân huyện An Phú khẩn trương xác minh thông tin, truy tìm nhanh trường hợp công dân Việt Nam Nguyễn Văn Hậu, sinh 12/4/1992, trí tại Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, số căn cước công dân: 030092000101 trốn khỏi khu cách ly tập trung tại Casino Yongyuan, Campuchia - khu vực đối diện thị trấn Long Bình, hiện An Phú, tỉnh An Giang, sau đó nhập cảnh trái phép về Việt Nam.

Cụ thể, sáng 6/3, lực lượng chức năng Campuchia phát hiện Nguyễn Văn Hậu, là một trong bốn người quốc tịch Việt Nam, đang bị cách ly trong Casino Yongyuan đã trốn khỏi khu cách ly. Qua truy xét, lực lượng chức năng phía Campuchia xác định, Nguyễn Văn Hậu đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang (Việt Nam), nên đề nghị lực lượng chức năng của tỉnh An Giang phối hợp, truy tìm, đưa đi cách ly theo quy định.

Cảnh báo doanh nghiệp khi giao dịch tại thị trường UAE

Trong thời gian qua, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Ả rập (UAE) liên tục tiếp nhận, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhận được lời mời chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại có dấu hiệu lừa đảo, gian lận từ một số doanh nghiệp có trụ sở tại UAE.

Mặc dù đã có các cảnh báo, lưu ý đối với các doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên, do tâm lý chủ quan, lợi nhuận cao, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế, cũng như tình hình dịch COVID-19 khiến việc đi lại, gặp gỡ làm việc trực tiếp hoặc kiểm tra hàng hóa… bị gián đoạn, chuyển hướng sang hình thức giao thương online nên vẫn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị lừa, thiệt hại nặng nề trong giao dịch.

Theo Thương vụ Việt Nam tại UAE, hình thức gian lận thương mại diễn ra qua việc giao hàng không trả tiền; làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu.

Cùng với đó, còn có trường hợp sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của 2 bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán. Khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì hack hòm thư email (hoặc tạo 1 tài khoản email có địa chỉ gần giống tuyệt đối với email của bên bán) để gửi thông tin tài khoản lừa đảo. Sau khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.

Đáng lưu ý, lợi dụng sự bất cẩn, thiếu chuyên nghiệp của các doanh nghiệp trong nước như không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng, không thẩm định các thông tin về doanh nghiệp đối tác, không có người của phía Việt Nam sang để làm việc… để chuyển hàng không giá trị, không đúng hợp đồng, hoặc thông báo hàng hỏng, kém chất lượng để ép giá, trừ nợ hoặc đòi bồi thường…

Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại UAE cũng chia sẻ thêm một số dấu hiệu nhận biết lừa đảo như: việc đàm phán giá cả, hợp đồng diễn ra dễ dàng, nhanh chóng, ít đàm phán mặc cả, chấp nhận giá cao; bắt đặt cọc để nhận khoản tiền đầu tư hoặc làm các thủ tục giấy tờ tại UAE; không cung cấp hoặc các giấy tờ cung cấp của nhiều pháp nhân khác nhau; mở thư tín dụng (L/C) tại ngân hàng không uy tín của nước thứ 3 hoặcgiấy phép kinh doanh tại UAE sắp hết hạn…

Sau quá trình theo dõi, Thương vụ Việt Nam tại UAE lưu ý doanh nghiệp Việt Nam nên cẩn trọng trong quá trình giao dịch với Công ty Green Light Foodstuff Trading LLC; Climax General Trading LLC; Loyalpur General Trading LLC; Choice Global FZC / Vital Fresh General Trading LLC; International Dragon Food Trading LLC (IDP).

Đề nghị truy tố ông Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 6/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án tham ô tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Theo đó, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 16 bị can, trong đó có ông Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến. Ảnh: TTXVN

Cơ quan điều tra xác định chủ mưu trong vụ án là bị can Lê Tấn Hùng. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã lợi dụng chức vụ, bị can Hùng đã chỉ đạo Nguyễn Thị Thủy (Kế toán trưởng) và Nguyễn Thị Tuyết Mai (Trưởng phòng Nhân sự hành chính) bàn bạc, thống nhất với Trần Văn Trường (Giám đốc) và Đỗ Sĩ Hoài Thanh (Kế toán trưởng Công ty cổ phần du lịch Thanh niên xung phong; Đoàn Quang Hồi (Giám đốc) và Nguyễn Thị Nguyên (Kế toán trưởng Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ lữ hành Hòa Bình quốc tế) lập 10 hồ sơ khống cho cán bộ, công nhân viên Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở 16 nước để chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng.

Trong giai đoạn giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Lê Tấn Hùng biết việc chuyển nhượng "Dự án khu nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9" chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, bị can Hùng vẫn chỉ đạo cán bộ cấp dưới hoàn thiện các thủ tục và ký văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chuyển nhượng, ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú với tổng số tiền hơn 168 tỷ đồng trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Trong vụ án này, Cơ quan điều tra xác định, bị can Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh biết việc chuyển nhượng "Dự án khu nhà ở tại Khu phố 4 phường Phước Long B, Quận 9" phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. Dự án mới chỉ xây dựng được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng vẫn ký ban hành Quyết định số 6077/QĐ-UBND ngày 17/11/2017 chấp thuận chuyển nhượng dự án do Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư.

Quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án không theo mẫu, thiếu các mục "tổng mức đầu tư ”, “nguồn vốn đầu tư", "tiến độ thực hiện dự án", gia hạn tiến độ thực hiện dự án đến Quý I/2019 không đúng trình tự, thủ tục. Việc này tạo điều kiện để Lê Tấn Hùng và các đồng phạm làm thủ tục chuyển nhượng dự án trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Đáng chú ý, Cơ quan điều tra kết luận, bị can Trần Vĩnh Tuyến phạm tội có một phần do nể nang bị can Lê Tấn Hùng là em trai của nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải.

Chiều 6/3, Hải Dương ghi nhận thêm 6 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng

Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 6/3, Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng tại Hải Dương.

Chú thích ảnh
Ngày 6/3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 700 điểm cầu. Ảnh: TTXVN

Thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, 6 ca mắc mới (BN2502 - 2507) là các ca ghi nhận trong nước tại Hải Dương, được lấy mẫu trong các ngày 4/3 và 5/3.

Các ca bệnh BN2502, BN2503 được ghi nhận tại huyện Kim Thành, là F1 của BN2437; đã được cách ly tập trung từ ngày 28/2.

Ca bệnh BN2504 được ghi nhận tại huyện Kim Thành là F1 của BN2393; đã được cách ly tập trung từ ngày 22/2.

Ca bệnh BN2505 tại Kinh Môn là F1 của BN2481; đã được cách ly tập trung từ ngày 4/3.

Ca bệnh BN2506 tại Kinh Môn là F1 của BN1879; đã được cách ly tập trung từ ngày 31/1.

Ca bệnh BN2507 tại Kinh Môn là F1 của BN1711; đã được cách ly tập trung từ ngày 31/1.

Hiện cả 6 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương chi nhánh 2).

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 6/3, Việt Nam có tổng cộng 1.584 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 897 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 49.565 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 1.290 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 14.199 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 34.076 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 259 ca.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)