04:22 29/04/2021

Tin nổi bật ngày 29/4

Trong ngày 29/4, dư luận đặc biệt quan tâm đến các tin “nóng” như: Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang; Việt Nam ghi nhận 5 ca lây nhiễm trong cộng đồng từ BN2899; nhiều địa phương dừng các hoạt động văn hóa, lễ hội để phòng dịch COVID-19; Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông; tuyên phạt cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng 11 năm tù….

Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang

Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo vào chiều 27/4.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng lập 5 chốt phong tỏa thôn Quan Nhân, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân nơi ở của bệnh nhân N.V.Đ.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia và các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo đã có ý kiến kết luận. Dịch COVID-19 trên thế giới, trong khu vực và một số nước láng giềng đang rất phức tạp... Trong nước, nguy cơ dịch bùng phát trở lại rất cao không chỉ ở phía Tây Nam mà tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc vì chúng ta vẫn phải tiếp nhận các chuyên gia vào làm việc, đón bà con bị kẹt ở nước ngoài về và vẫn còn hiện tượng nhập cảnh trái phép. Vì vậy phải tiếp tục kiên trì, quyết liệt thực hiện phương châm ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.

Về các biện pháp ngăn chặn dịch xâm nhập, Trưởng Ban Chỉ đạo giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các tỉnh biên giới kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới. Các lực lượng phòng, chống dịch, cấp ủy, chính quyền, hệ thống biên giới và trên toàn quốc nếu thấy người có dấu hiệu nghi ngờ từ nước ngoài về báo ngay cho chính quyền và lực lượng chức năng. Kiên quyết xử lý theo pháp luật những trường hợp nhập cảnh trái phép.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hỗ trợ các tỉnh tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, giám sát bằng camera việc xuất nhập cảnh ở tất cả các cửa khẩu, cơ sở cách ly do Quân đội quản lý, cũng như các cơ sở cách ly dân sự.

Để bảo đảm "mục tiêu kép", Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu cần tăng cường phối hợp phát huy, trách nhiệm của các địa phương, các bộ, ngành trong việc xét cấp visa cho chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, người nước ngoài trên tinh thần phải an toàn.

Trưởng Ban Chỉ đạo giao Tổ công tác gồm lãnh đạo 5 Bộ: Ngoại giao (chủ trì), Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông Vận tải (tổ 5 người) rà soát quy trình xét duyệt cấp visa nhập cảnh, cấp phép chuyến bay,... đảm bảo chặt chẽ, kịp thời.

Bộ Ngoại giao tiếp tục vận động bà con người Việt Nam ở nước ngoài, trong thời điểm dịch bệnh cố gắng, hạn chế di chuyển và ở lại, tuân thủ quy định các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại. Trường hợp bắt buộc phải về nước, bà con về theo con đường hợp pháp và phải tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của Việt Nam.

Kết luận cho biết, tiếp tục tổ chức các chuyến bay đưa bà con về nước; giao Bộ Ngoại giao làm đầu mối tổng hợp số lượng các chuyến bay, thống nhất trong Tổ 5 người để thực hiện, bảo đảm phù hợp với tình hình, năng lực tiếp nhận trong nước.

Đối với công dân Việt Nam ở các nước láng giềng về nước bằng đường bộ, giao Bộ Y tế khẩn trương có văn bản báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định không thu phí cách ly, xét nghiệm, sinh hoạt ở cơ sở cách ly bắt buộc. Đối với trường hợp nhập cảnh vì mục đích chữa bệnh theo đề nghị của Ban Đối ngoại Trung ương, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan thống nhất giải quyết. Trường hợp đặc biệt, không giải quyết được, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Về xét nghiệm phát hiện ca bệnh, Trưởng Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế khẩn trương cập nhật những công nghệ, sinh phẩm xét nghiệm mới của quốc tế, nếu có bằng chứng sử dụng hiệu quả cần nhập khẩu nhanh, đồng thời đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm trong nước trên tinh thần đẩy nhanh tốc độ và giảm chi phí xét nghiệm.

Chiều 29/4, Việt Nam ghi nhận 5 ca lây nhiễm trong cộng đồng từ BN2899

Tính đến 18 giờ ngày 29/4, Việt Nam ghi nhận thêm 45 ca mắc mới COVID-19; trong đó có 5 ca lây nhiễm từ 1 người đã hoàn thành cách ly, là BN2899.

Bệnh nhân BN2899 từ Nhật Bản trên chuyến bay VJ3613 nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng ngày 7/4/2021, được cách ly tập trung ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Đà Nẵng. Ngày 22/4 bệnh nhân hoàn thành cách ly, có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính, được về cách ly tại địa phương. Ngày 24/4 bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng ho, sốt, đau họng được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 5 bệnh nhân được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, 1 bệnh nhân được điều trị cách ly tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Liên quan đến chùm ca bệnh tại Hà Nam này, chiều 29/4, Bộ Y tế đã liên tục ra 2 thông báo khẩn tìm những hành khách đã đi trên xe khách (43B-048.78) tuyến Đà Nẵng - Hà Nội xuất phát lúc 20 giờ 30 phút ngày 21/4/2021; và tìm người đi trên chuyến bay VJ3613 từ Nhật Bản hạ cánh sân bay Quốc tế Đà Nẵng ngày 7/4/2021.

Nhiều địa phương dừng các hoạt động văn hóa, lễ hội để phòng dịch COVID-19

Ngày 29/4, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai Hà Văn Thắng cho biết, tỉnh tạm dừng một số hoạt động trong chương trình kích cầu du lịch "Hương sắc Lào Cai" để tập trung phòng, chống dịch COVID-19.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã thống nhất chủ trương dừng tất cả các hoạt động trong sự kiện Lễ hội “Đêm trắng Ban Mê năm 2021”, dự kiến diễn ra từ ngày 30/4 - 6/5 tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người không cần thiết, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời thực hiện chế tài xử phạt, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm công tác phòng, chống dịch. Tỉnh rà soát, bổ sung, xây dựng các phương án chống dịch, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch COVID-19 có thể xảy ra trên địa bàn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới, chiều 29/4, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã ký Văn bản hỏa tốc số 4579/UBND-VP về việc dừng tổ chức các sự kiện có quy mô đông người trên địa bàn tỉnh nhân dịp lễ 30/4 - 1/5.

Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ dừng tổ chức các sự kiện: Chương trình nghệ thuật “Chung một niềm vui”, “Bà Rịa - Vũng Tàu rực rỡ những mùa xuân”, giải múa lân sư rồng, giải bóng rổ 3x3 mở rộng. Đối với Chương trình tuần lễ Món ngon phố biển đang diễn ra sẽ chỉ được tổ chức đến hết đêm 29/4 (đây là hoạt động được diễn ra từ ngày 24/4 đến hết ngày 2/5).

Hà Nam khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch COVID-19

Chiều 29/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam đã họp khẩn để triển khai các giải pháp khoanh vùng dập dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Sở Y tế, đến 12 giờ ngày 29/4, địa phương ghi nhận thêm 4 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân. Đây là các trường hợp F1 của bệnh nhân N.V.Đ được phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 28/4 (gồm: bố, mẹ, vợ và con của bệnh nhân N.V.Đ).

Tính đến 16 giờ ngày 29/4, qua điều tra dịch tễ, địa phương đã rà soát được hơn 100 trường hợp F1, hơn 300 trường hợp F2. Các trường hợp F1 đã được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân và Trường Cao đẳng y tế Hà Nam. Các trường hợp F2 được hướng dẫn cách ly theo dõi tại nhà.

Huyện Lý Nhân đã lập 5 chốt phong tỏa các lối ra, vào tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý – nơi ở của 5 bệnh nhân COVID-19 (gồm 320 hộ, 1.068 nhân khẩu); thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ khu vực thôn, nhà ở của các bệnh nhân; phối hợp với lực lượng y tế, công an tiếp tục truy vết các trường hợp F1, F2. Huyện hỗ trợ các trang thiết bị phòng dịch cho xã Đạo Lý; thành lập tổ hậu cần hỗ trợ người dân trong khu vực cách ly về thực phẩm, nhu yếu phẩm; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân trên hệ thống loa truyền thanh về các biện pháp phòng, chống dịch, chấp hành các quy định phong tỏa cách ly.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương của Hà Nam đã đề xuất nhiều giải pháp thực hiện phòng, chống dịch, như: dừng hoạt động tập trung đông người, dừng các lễ hội truyền thống, đóng cửa các khu vui chơi, du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí. Tỉnh kích hoạt Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; lập tức khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng khẩn trương; tuyên truyền nhân dân chấp thuận chủ trương khoanh vùng cách ly ⁹phòng, chống dịch; lập chốt cách ly giữa huyện với huyện. Bộ Tư lệnh Quân khu 3 điều động Binh đoàn Hóa học về phun khử khuẩn toàn bộ xã Đạo Lý; đề nghị cho học sinh 6 xã vùng lân cận với xã Đạo Lý được nghỉ học phòng, chống dịch.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy yêu cầu huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho công tác phòng, chống dịch. Ngành Y tế khẩn trương khoanh vùng dập dịch; có biện pháp xử lý phù hợp không để nhân dân hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống.

UBND tỉnh chỉ đạo dừng ngay các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; đóng cửa Khu du lịch Tam Chúc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch; tiếp tục yêu cầu thực hiện nghiêm "Thông điệp 5K". Bên cạnh đó, các cấp, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch tại khu công nghiệp nhà máy, nơi công sở; tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch, chủ động khai báo y tế; xây dựng các phương án bảo đảm cho nhân dân trong khu vực có cách ly; rà soát lại cơ sở vật chất để không để lây chéo trong khu vực cách ly. Ngành Y tế lên phương án tập trung truy vết, xét nghiệm; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng y tế. Ngành Công an tiếp tục điều tra, truy vết các trường hợp F1, F2..

TP Hồ Chí Minh phát hiện một trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2

Chiều 29/4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết đã ghi nhận một trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 tại TP Hồ Chí Minh. Đây là trường hợp có tiếp xúc gần với trường hợp dương tính virus SARS-CoV-2 sau cách ly tại tỉnh Hà Nam.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trường hợp này là nam giới sinh năm 1993 có địa chỉ thường trú tại tỉnh Hà Nam, đang ở nhà người thân tại khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.

Sau khi có thông tin trường hợp này là F1 do có tiếp xúc gần với ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại tỉnh Hà Nam, TP Hồ Chí Minh lập tức chuyển trường hợp này cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm khẩn. Kết quả xét nghiệm chiều ngày 29/4 cho thấy trường hợp này nghi nhiễm với virus SASR-CoV-2.

Theo kết quả điều tra ban đầu, ngày 22/4, trường hợp này đi ăn uống với ca dương tính virus SARS-CoV-2 tại tỉnh Hà Nam. Từ ngày 22-27/4 ở nhà tại Hà Nam. Ngày 27/4, người này đi chuyến bay số hiệu VJ133, số ghế 20B từ Sân bay Nội Bài đến Sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó đi taxi về nhà người thân tại khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Ngày 29/4, người này ra Trạm y tế phường Bình Hưng Hòa khai báo y tế sau khi biết thông tin về ca dương tính tại Hà Nam

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã điều tra có 5 trường hợp tiếp xúc với trường hợp nghi nhiễm này. Các trường hợp tiếp xúc đã được đưa đi cách ly tập trung, lấy mẫu chờ kết quả xét nghiệm. TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra truy vết, khoanh vùng theo quy định.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị hành khách đi trên chuyến bay VJ133 khởi hành từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh ngày 27/4 thực hiện khai báo y tế tại địa phương để được hỗ trợ và hướng dẫn phòng bệnh.

Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông

Tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra chiều 29/4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã nêu một số quan điểm về vấn đề Biển Đông.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc tuyên bố đảm bảo thực thi lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ 1/5/2021 trên vùng biển có phạm vi bao gồm một phần Vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Việt Nam cho rằng, việc tiến hành các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành hành phù hợp với quy định của UNCLOS 1982 và không được làm phương hại đến quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán trên biển của các quốc gia liên quan khác.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: "Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc".

Về thông tin liên quan đến thông tin cho rằng lực lượng dân quân biển của Việt Nam hoạt động gần quần đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã đe dọa lực lượng thực thi pháp luật hàng hải và an ninh quốc phòng của Trung Quốc, Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt nêu rõ: “Chúng tôi bác bỏ những thông tin không đúng về lực lượng dân quân tự vệ biển của Việt Nam. Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng, hòa bình, tự vệ và toàn dân. Theo Luật Dân quân tự vệ 2019, dân quân tự vệ biển là một thành phần của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển, đảo. Dân quân tự vệ biển và các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển tuyệt đối tuân thủ luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982”.

Tại Họp báo, Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt cũng một lần nữa khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử đối với cả chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp khác trên các vùng biển của Việt Nam, được xác lập theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển của Việt Nam đều vô giá trị và không được công nhận; Việt Nam kiên quyết phản đối.

Tuyên phạt cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng 11 năm tù

Chiều 29/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và 9 đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Các bị cáo nghe tuyên án tại phiên tòa. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.

Theo đó, Tòa đã tuyên phạt cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (sinh năm 1953) 11 năm tù, Phan Chí Dũng (sinh năm 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) bị phạt 9 năm tù về cùng tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nhóm 8 bị cáo còn lại bị kết án về cùng tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo quy định tại Điều 229, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm: Nguyễn Hữu Tín (sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh) bị Tòa tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù, tổng hợp với bản án 7 năm tù trước đó đối với bị cáo Tín về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Tín là 13 năm 6 tháng tù; Lâm Nguyên Khôi (nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) 4 năm 6 tháng tù; Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) 5 năm tù; Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh) 4 năm tù, tổng hợp với bản án 4 năm tù trước đó đối với bị cáo Thanh về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", buộc bị cáo Thanh phải chấp hành chung hai bản án là 8 năm tù; Lê Quang Minh (nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh) 3 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó 3 năm tù đối với bị cáo Chương về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", buộc bị cáo Chương phải chấp hành chung hai bản án là 6 năm tù; Trương Văn Út (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) 3 năm tù; Nguyễn Lan Châu (nguyên chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) bị phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Ngoài án phạt tù, Hội đồng xét xử còn tuyên giao Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

XM/Báo Tin tức