10:20 27/10/2020

Tin nổi bật ngày 27/10

Trong ngày 27/10, dư luận tiếp tục quan tâm tới công tác phòng chống cơn bão số 9 tại các tỉnh miền Trung; Giá xăng giảm; Xét xử vụ án tại BIDV...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng, chống bão số 9 tại Quảng Nam

Chiều 27/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 9 tại tỉnh Quảng Nam.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại bờ biển Cửa Đại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam, các cấp chính quyền địa phương đang khẩn trương triển khai sơ tán người dân tại các khu vực ven biển, thấp trũng, nhà yếu, khu du lịch, các khu vực có nguy cơ sạt lở ngay trong thành phố; cho học sinh nghỉ học theo kế hoạch và tổ chức quản lý đảm bảo an toàn. Lực lượng chức năng hướng dẫn, chỉ đạo công tác chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, biển hiệu, biển quảng cáo, các công trình công cộng, đặc biệt đối với các công trình cột, tháp cao, khu công nghiệp; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây trồng lâu năm, cây công nghiệp. Đồng thời chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông nhất là đi lại khi có bão và khi mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Các địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, cử người theo dõi, canh gác tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, ngầm tràn, nước chảy xiết, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Đảm bảo an toàn hệ thống đê biển, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu về hồ đập, đê điều, khẩn trương triển khai hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công.

Ngay sau khi đi kiểm tra thực tế tại tuyến bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An bị sạt lở nghiêm trọng và đến kiểm tra công tác di dân tại phường Cửa Đại, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao việc chủ động ứng phó với bão số 9 của tỉnh Quảng Nam.

Trước dự báo bão số 9 sẽ vào các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt cùng với nhân dân ứng phó hiệu quả với thiên tai. Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh Quảng Nam cần phải bảo đảm an toàn trên biển; rà soát để tất cả các tàu thuyền trên biển ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc đưa về nơi tránh trú an toàn; tổ chức neo đậu an toàn để hạn chế các tàu va vào nhau, gây hư hỏng, chìm tàu khi bão vào.

Các lực lượng chức năng phải tập trung bảo đảm an toàn trên đất liền khi bão đổ bộ, chú trọng triển khai sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không an toàn; bảo đảm an toàn tại các công trình, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, bệnh viện, trường học, công sở, các biển quảng cáo...; bảo vệ các công trình hạ tầng trọng điểm như đường dây 500 kV, cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, khách sạn, nhà hàng...

Các bộ liên quan cùng với các địa phương phải rà soát tất cả các hồ, đập để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố nếu có; đồng thời quản lý, vận hành an toàn hồ đập, đặc biệt là quy trình vận hành các hồ thủy điện.

Các địa phương bố trí lực lượng, sẵn sàng cơ động với phương châm “4 tại chỗ”; các bộ, ngành phải huy động lực lượng hỗ trợ các địa phương ứng phó với bão và mưa lũ sau khi bão đi qua, chủ lực là các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quốc gia về ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn để đảm bảo tính mạng người dân.

Ngày 27/10, cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Nam vào cuộc triển khai công tác phòng chống bão số 9. Kiểm tra công tác giúp dân phòng chống cơn bão số 9 tại một số địa phương ven biển, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường yêu cầu toàn tỉnh quyết tâm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, không để xảy ra thiệt hại về người; mỗi địa phương chủ động đề ra những kịch bản xấu nhất để sẵn sàng ứng phó khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền.

Kiểm tra thực tế tại cơ sở cho thấy, người dân hiện tốt các yêu cầu về phòng, chống bão số 9 như chằng chống nhà cửa, chuẩn bị các điều kiện cần thiết và sẵn sàng di dời đến nơi tránh trú an toàn theo lệnh của chính quyền địa phương. Hệ thống loa truyền thanh cơ sở liên tục phát đi các thông tin và yêu cầu chuẩn bị phòng, chống bão số 9. Lãnh đạo các địa phương chỉ đạo thành lập các tổ thường trực ở các trụ sở các xã và mở đường dây nóng, để ứng cứu kịp thời trước bão và mưa lớn.

Các địa phương khẩn trương ứng phó với bão số 9

Ngày 27/10, trước diễn biến phức tạp của bão số 9, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Chú thích ảnh
Tàu, thuyền về tránh trú bão ở âu thuyền xã Thạch Kim huyện Lộc Hà. Ảnh: Công Tường/TTXVN

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Đắk Lắk đã ban hành công văn khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị, cá nhân quản lý công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chủ động ứng phó với bão số 9.

Tỉnh Đắk Lắk đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9 và mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để triển khai ngay các lực lượng cứu hộ ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; rà soát, cập nhật kịch bản, phương án, kế hoạch để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai như bão, mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất.

Các cơ quan liên quan tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, gia cố bảo vệ công trình; kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các vùng nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, vùng ngập lụt sâu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản. Các địa phương chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày.

Đơn vị vận hành, khai thác các đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện tăng cường kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, sẵn sàng phương án bảo an toàn hệ thống hồ chứa; bố trí đủ lực lượng trực tại công trình, chủ động vận hành đón lũ, đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Đơn vị chức năng phối hợp chính quyền địa phương rà soát các vùng ở hạ du hồ chứa tập trung đông dân cư, có nguy cơ ngập lụt, chuẩn bị phương án cảnh báo cho dân biết; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về mực nước, lưu lượng nước đến hồ và các bản tin dự báo để vận hành, điều tiết hồ chứa cho phù hợp.

Theo dự báo, bão số 9 có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, di chuyển nhanh. Sau khi đổ bộ vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên, bão tiếp tục đi vào khu vực Tây Nguyên với sức gió mạnh, khả năng gây mưa lớn, lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đến 16 giờ ngày 28/10/2020, tâm bão ở trên khu vực Tây Nguyên với sức gió cấp 8, giật cấp 10 và gây mưa lớn với lượng mưa từ 100-200 mm.

Giá xăng RON95 giảm 182 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố thông tin điều chỉnh giá xăng. Theo đó, giảm giá xăng và tăng giá bán các loại dầu từ 15h ngày 27/10. Cụ thể, giá xăng E5RON92 giảm 159 đồng/lít, sau điều chỉnh có giá bán tối đa là 14.109 đồng/lít. Còn xăng RON95 giảm 182 đồng/lít, giá bán tối đa là 14.940 đồng/lít.

Trong khi đó, dầu diesel tăng 90 đồng/lít, giá bán cao nhất không quá 11.218 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 123 đồng/lít, giá bán 9.717 đồng/lít; Dầu mazut tăng 340 đồng/kg, giá bán 11.261 đồng/kg. Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5 RON92 và dầu mazut, trích lập Quỹ BOG đối với xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít, dầu diesel ở mức 298 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít (như kỳ trước).

Đồng thời, chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 1.100 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít, tăng chi Quỹ BOG đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (kỳ trước là 100 đồng/kg); dầu diesel không chi. Việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu, trích lập, chi quỹ bình ổn được thực hiện từ 15h ngày 27/10.

Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thế giới trong 15 ngày vừa qua đã có sự điều chỉnh tăng - giảm đan xen, có xu hướng khác nhau giữa xăng và dầu, giá các loại xăng có xu hướng chung giảm nhưng giá các loại dầu có xu hướng chung là tăng. Trong các kỳ điều hành gần đây, Liên Bộ Công Thương – Tài chính cho biết đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức khá cao (hiện ở mức 100 đồng/lít/kg -1.200 đồng/lít/kg đối với các loại xăng dầu.

Kỳ điều hành lần này, mặc dù giá xăng thành phẩm thế giới giảm so với kỳ trước nhưng nếu không tiếp tục chi Quỹ BOG, giá các loại xăng sẽ tăng so với giá hiện hành, cụ thể: Xăng E5RON92 tăng 940 đồng/lít, xăng RON95 tăng 118 đồng/lít; các loại dầu sẽ tăng cao hơn với mức tăng từ 90 đồng/lít/kg - 640 đồng/lít/kg.

Tại kỳ điều hành gần đây nhất hôm 12/10, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá xăng E5RON92 tăng 53 đồng/lít, giá bán tối đa là 14.268 đồng/lít; xăng RON95 tăng 138 đồng/lít, giá bán tối đa là 15.122 đồng/lít. Dầu hỏa cũng được điều chỉnh tăng 145 đồng/lít so với giá hiện hành, giá bán tối đa là 9.594 đồng/lít; dầu mazut cũng tăng 95 đồng/kg; chỉ riêng dầu diesel được giữ nguyên mức giá hiện tại là 11.128 đồng/lít.

Xét xử vụ án tại BIDV: Công ty Bình Hà muốn tái cơ cấu các dự án để trả nợ BIDV

Ngày 27/10, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo.

Tại phiên tòa, nhiều bị cáo thừa nhận hành vi cho Công ty Bình Hà (là "sân sau" của Trần Bắc Hà) và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thiệt hại cho BIDV. Tuy nhiên, nhiều bị cáo lý giải, trước áp lực của Chủ tịch Hội đồng quản trị khi đó là ông Trần Bắc Hà, các bị cáo đã có những hành vi sai phạm trong quá trình phê duyệt, cấp tín dụng và giải ngân vốn.

Đại diện BIDV kiến nghị Tòa xem xét toàn diện bối cảnh, nguyên nhân, điều kiện phạm tội đối với 8 bị cáo là những cán bộ của BIDV, vì bản chất cũng là người làm công ăn lương, làm việc theo quy trình, phân công của tổ chức, phục vụ ngân hàng, không có tư lợi, mong muốn mở rộng khách hàng… Từ đó, đại diện BIDV đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng mức hình phạt thấp nhất cho các bị cáo là cựu cán bộ BIDV.

Theo cáo buộc, mặc dù thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của Công ty Trung Dũng gặp khó khăn, chỉ tiêu tài chính phản ánh khả năng thanh toán chưa đảm bảo, tỷ lệ tài sản đảm bảo trên giá trị hạn mức tín dụng đề nghị được cấp chưa đáp ứng chính sách tín dụng của BIDV... nhưng tháng 8/2011, các bị cáo Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng cho Công ty Trung Dũng.

Quá trình cho vay theo hạn mức, do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị cáo trên đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo khoản giải ngân cho vay để đảo nợ.

Tại phiên tòa, Thẩm phán đặt câu hỏi với đại diện Công ty Bình Hà: Từ khi vay đến nay thì Công ty Bình Hà đã trả được cho BIDV bao nhiêu tiền?

Người đại diện của Công ty Bình Hà cho biết, trong vốn vay có vay trung hạn và ngắn hạn, tổng số cho vay là hơn 2.600 tỷ đồng; hiện đã trả hơn 1.400 tỷ đồng, số dư nợ hiện còn hơn 1.200 tỷ đồng. Về phương án trả nợ, thời gian qua Công ty Bình Hà đã làm việc với một số đối tác để tiến hành tái cơ cấu lại các dự án; theo đánh giá các phương án của Công ty Bình Hà thì có đủ khả năng trả nợ cho BIDV.

"Với tài sản hiện nay thì không đủ trả nợ, nhưng về dài hạn, phương án của Công ty Bình Hà hoạt động có hiệu quả thì có thể trả nợ. Căn cứ theo các hợp đồng tín dụng đã ký, Công ty Bình Hà có trách nhiệm xử lý các nghĩa vụ trả nợ. Về xử lý tài sản, Công ty tôn trọng các hợp đồng thế chấp đã ký với ngân hàng. Hiện Công ty thực hiện các phương án tái cơ cấu, do đó Công ty mong muốn sử dụng các tài sản để hợp tác với các đối tác để triển khai" - người đại diện Công ty Bình Hà cho biết.

Về phương án tái cơ cấu, Công ty Bình Hà đã ký với đối tác. Phương thức hợp tác kinh doanh được thực hiện là: Công ty Bình Hà góp bằng các tài sản hiện hữu gồm quỹ đất hơn 1.000 ha, các tài sản đã đầu tư...; phía đối tác bỏ tiền giống, nhân công, nhân sự để thực hiện các phương án.

Đến đây, Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi: Phương án tái cơ cấu này đã được BIDV chấp thuận; cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đồng ý chủ trương chưa?

Người đại diện của Công ty Bình Hà khẳng định, phương án tái cơ cấu này đã được BIDV chấp thuận; cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Công an thống nhất ủng hộ về mặt chủ trương phương án tái cơ cấu và hợp tác với các đối tác.

XC/Báo Tin tức